Sai lầm chính trị mang tính thảm họa của đội ngũ Biden
Chiến thuật quảng cáo cho kinh tế học Biden nhằm hướng tới cuộc bầu cử 2024 có thể là sai lầm chính trị tồi tệ nhất kể từ vụ việc của Tổng thống Gerald Ford vào năm 1976.
Bộ máy chính trị của phe Biden dường như đang vận hành với ảo tưởng rằng bằng cách nào đó họ có thể hồi sinh cụm từ “kinh tế học Biden” (Bidenomics) – một thứ vốn được những người cánh hữu sử dụng như một lời miệt thị đối với Tòa Bạch Ốc – để biến nó trở thành một cụm từ “hợp mốt” để ủng hộ chiến dịch tái tranh cử vào năm 2024 của Tổng thống Biden.
Đó là một suy nghĩ mạo hiểm – một số người sẽ nói là ngu ngốc. Nhưng chắc chắn, đó không phải là sai lầm chính trị đầu tiên của chính quyền này.
Xét cho cùng, chính chính quyền này đã nói với người Mỹ rằng lạm phát mà người dân đã chứng kiến trong những tháng đầu tiên chỉ là “tạm thời”, ngay cả khi lạm phát vượt mốc 5% vào tháng 05/2021. Sau đó, vào tháng 6 năm đó, TC Energy, nhà phát triển Đường ống Keystone XL, càng làm lạm phát trầm trọng hơn khi tuyên bố từ bỏ dự án đường ống, ngay cả khi các đảng viên Cộng hòa thúc giục công ty tiếp tục theo đuổi. Quyết định được thúc đẩy bởi việc nhóm Biden cắt giấy phép cho dự án một ngày sau khi Tổng thống Biden tuyên thệ nhậm chức. Xăng có giá 2,25 USD/gallon vào tháng 01/2021 đã tăng vọt lên 3 USD/gallon vào cuối tháng 05/2021, sau đó tăng vọt lên 5 USD/gallon vào tháng 06/2022.
Vào tháng 11/2021, ông Biden một lần nữa làm trầm trọng thêm lạm phát bằng cách chi 1,2 nghìn tỷ USD cho Đạo luật Cơ sở hạ tầng và Việc làm. Đạo luật có tính lưỡng đảng này đã được Hạ viện thông qua chỉ với 13 phiếu bầu của đảng Cộng hòa. Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính dự luật sẽ làm tăng thêm khoảng 415 tỷ USD chi tiêu bổ sung và làm tăng nợ của quốc gia thêm khoảng 256 tỷ USD. Ủy ban vì một Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm, một nhóm phân tích ngân sách lưỡng đảng, đưa ra con số nợ tăng lên là 398 tỷ USD.
Người dân mua sắm tại cửa hàng tạp hóa ở Rosemead, California, Mỹ vào ngày 21/04/2022. (Ảnh: FREDERIC J. BROWN / AFP qua Getty Images)
Lợi dụng khủng hoảng
Chánh văn phòng của cựu Tổng thống Barack Obama, ông Rahm Emmanuel, gọi các cuộc khủng hoảng là “cơ hội để làm điều gì đó mà bạn không thể làm trước” cuộc khủng hoảng. Vì vậy, nhân cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 09, chính quyền Obama đã thông qua cái gọi là Đạo luật phục hồi năm 2009. Đạo luật này phần lớn là sự lãng phí và không hiệu quả.
Tương tự, Tòa Bạch Ốc của ông Biden đã sử dụng đại dịch, thứ đang suy yếu vào thời điểm ông nhậm chức vào năm 2021, như một “cuộc khủng hoảng” để thông qua gói cứu trợ trị giá 2 nghìn tỷ USD. Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ, được thông qua đã trao hàng chục tỷ USD cho các tiểu bang, thành phố và tổ chức phi lợi nhuận để chi tiêu cho các dự án không rõ ràng và các khoản thanh toán, giống như điều chính quyền Obama đã làm, với rất ít trách nhiệm giải trình.
Rất ít dự án trong Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ có liên quan đến đại dịch. Ví dụ, một dự án đã giải cứu một chương trình lương hưu được quản lý kém nghiêm trọng và bị thiếu vốn trong nhiều năm trước đại dịch. Nó dường như chẳng khác gì một sự phần thưởng đổi chác cho việc các công đoàn tiếp tục ủng hộ về mặt chính trị. Ví dụ, mới tháng trước, Dân biểu Susan Wild (Dân chủ – Pennsylvania) đã công bố một khoản cứu trợ tương tự trị giá 860 triệu USD dành cho quỹ hưu trí của công nhân thép vốn bị thiếu vốn trầm trọng. Một lần nữa, tình trạng tệ hại của quỹ lương hưu là do khả năng quản lý quỹ hưu trí tồi; nó không liên quan gì đến đại dịch. Ở những nơi khác, theo New York Post, các thành phố đã sử dụng tiền kích thích COVID để xây dựng các sân bóng ném, tân trang lại các phòng tập tạ của trường học và thêm cỏ nhân tạo vào các sân chơi của trường.
Hãy hiểu rõ điều này: Tất cả số tiền mặt này chảy tràn khắp nền kinh tế từ khoản chi tiêu bổ sung của Biden, thúc đẩy lạm phát, loại thuế tàn bạo đối với người Mỹ, đặc biệt là những người có thu nhập cố định.
Cuối cùng thì, căn bệnh về chi tiêu trong kinh tế học Biden đã gây ra lạm phát. Đến lượt mình, nó khiến Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất quỹ liên bang với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm. Những sự gia tăng đó đã khiến một số ngân hàng phải thừa nhận các khoản lỗ đối với trái phiếu có lãi suất thấp hơn và đẩy một số ngân hàng, như Ngân hàng Thung lũng Silicon, rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Đến lượt mình, cuộc khủng hoảng ngân hàng đã khiến Fed bơm thêm tiền mặt vào nền kinh tế, thổi bùng lạm phát trở lại đồng thời thắt chặt tín dụng.
Ngụy biện tráo trở
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về nền kinh tế tại Bưu điện Cũ ở Chicago, Mỹ, vào ngày 28/06/2023. (Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds/AFP qua Getty Images)
Có lẽ yếu tố gây ức chế nhất trong câu chuyện kinh tế học Biden của chính quyền Biden là sự ngụy biện tráo trở của nó trong việc đánh đồng việc phục hồi việc làm sau đại dịch với việc “tạo ra” việc làm toàn diện (nó gây ức chế vì nó làm như thể người dân Mỹ là những người ngu ngốc). Ủy ban Ngân sách Hạ viện đã phản bác hoàn toàn luận điểm của Tòa Bạch Ốc vào đầu tháng trước. Cơ quan này đưa ra những thông tin về việc xu hướng tạo việc làm trước đại dịch đã vượt quá xu hướng tạo việc làm sau đại dịch. Tỷ lệ tham gia lao động cũng thấp hơn một điểm phần trăm so với trước đại dịch.
Chúng ta cũng còn nhớ các nhà tuyển dụng đã phàn nàn rằng việc thuê nhân viên khó như thế nào do thực tế là các kế hoạch kích thích khác nhau của ông Biden và các khoản thanh toán trợ cấp về cơ bản được trả cho người Mỹ để “ngồi yên trên ghế sofa”. Để khiến họ quay trở lại làm việc thay vì nhận tiền của chính phủ – và ngồi yên trên ghế sofa – những người sử dụng lao động phải trả lương cao hơn. Điều này là một yếu tố khác làm gia tăng lạm phát.
Sai lầm chính trị tồi tệ nhất
Kinh tế học Biden vốn là một thảm họa đối với Mỹ. Nó gây ra lạm phát, khiến các ngân hàng sụp đổ và làm giảm mức sống trên thực tế của nước Mỹ. Không có gì ngạc nhiên khi trong những người Mỹ được khảo sát trong một cuộc thăm dò của Associated Press, 64% không tán thành cách Tổng thống Biden đang điều hành nền kinh tế.
Việc nhóm Biden quảng cáo cho kinh tế học Biden nhằm hướng tới cuộc bầu cử năm 2024 có thể là sai lầm chính trị tồi tệ nhất kể từ khi Tổng thống Gerald Ford nói, vào năm 1976, rằng “Đông Âu không bị Liên Xô thống trị”, ngay cả khi Liên Xô có ba sư đoàn xe tăng chiếm đóng Ba Lan. Việc quảng cáo cho kinh tế học Biden như là một “thành công” cho thấy rằng Tổng thống và chính quyền của ông ấy, một cách nghiêm trọng và đáng tiếc, đang mất đi sự kết nối với nền kinh tế quốc gia.
Nếu chính quyền Biden dại dột tiếp tục quảng cáo cho kinh tế học Biden vào năm 2024, ứng cử viên Đảng Cộng hòa chỉ cần nêu ra câu hỏi mang tính biểu tượng mà ông Ronald Reagan đặt ra để chống lại ông Jimmy Carter vào năm 1980. Đó cũng là điều chúng ta nên tự hỏi mình bất cứ khi nào một tổng thống đương nhiệm tái tranh cử: “Tình cảnh hiện nay của bạn có tốt hơn 4 năm trước?”
Đối với kinh tế học Biden, câu trả lời rõ ràng là “Không!”
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch