Share

‘Hội chứng Galtieri’ có thể khiến ông Tập phát động tấn công Đài Loan

Đâu là động cơ thúc đẩy nhà lãnh đạo Tập Cận Bình? Đây chính là câu hỏi chiến lược quan trọng của thập kỷ này. Thực tế thì, một cuộc chiến tranh phi lý tính có thể sẽ được ông Tập phát động.

Các sự kiện và điều kiện thực tế cho thấy rằng, trong một khung thời gian ngắn hạn, hữu hạn, chúng ta sẽ thấy các hành động chiến lược lớn do ông Tập khởi xướng trước khi các yếu tố quay lại chống lại ông. Đó có phải là khung thời gian hai hoặc ba năm không? Ít hơn? Nhiều hơn một chút?

Có những dấu hiệu cho thấy những gì là hợp lý đối với ông Tập không nhất thiết phải là hợp lý đối với những người khác, ở Trung Quốc đại lục và nước ngoài. Do đó, đề phòng hoặc chuẩn bị cho các hành động của ông Tập phải là ưu tiên hàng đầu của các đồng minh và đối thủ của ông ấy.

Mối quan tâm về cảm xúc hoặc tâm lý của ông Tập là đặc biệt quan trọng – có lẽ là độc nhất – bởi vì, kể từ Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tháng 10/2022, ông Tập đã trở thành người ra quyết định duy nhất ở cấp quốc gia tại Trung hoa đại lục. Thách thức trong quá trình quyết định của ông Tập ngày càng ít.

Ngay cả Mao Trạch Đông cũng không có được quyền kiểm soát đơn phương tùy ý như vậy, và Mao cũng không có khả năng vận dụng tiềm lực kinh tế và quân sự chiến lược ở mức độ như vậy.

Ông Tập đã cải tiến và củng cố các kỹ thuật loại bỏ các đối thủ chính trị của những người tiền nhiệm. Các mệnh lệnh sai lầm có thể bị lực lượng quân sự của ông Tập thực thi mà không vấp phải sự ngăn chặn, ngoại trừ khả năng xảy ra nổi dậy trong quân đội. Do đó, kết quả của một quyết định sai lầm duy nhất có thể là nghiêm trọng không chỉ đối với ĐCSTQ và Trung Quốc mà còn đối với cộng đồng toàn cầu.

Sự hiểu biết chi tiết về tâm lý của ông Tập với tư cách là một cá nhân giờ đây có tầm quan trọng lớn hơn việc chỉ hiểu về hệ thống quản trị và kiểm soát của ĐCSTQ. Các cơ quan tình báo nước ngoài chắc chắn đã dành những nguồn lực đáng kể để tìm hiểu các yếu tố cá nhân sâu xa thúc đẩy các khuynh hướng sâu kín nhất của ông Tập. Nhưng cuối cùng, nó vẫn là một quá trình mày mò các manh mối.

Tuy nhiên, nhiệm vụ này tế nhị và cực kỳ quan trọng hơn nhiều so với việc dành các nguồn lực để tìm hiểu động cơ tâm lý của Tổng thống Mỹ Joe Biden hay thậm chí là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Không phải là sự hiểu biết về một nhà lãnh đạo chính trị lớn nào đó là không quan trọng, mà là tình thế của ông Tập là rất dễ bùng phát do quyền lực đơn nhất của ông, các mục tiêu đã tuyên bố và thành tích trong quá khứ.

Ở hầu hết các hệ thống khác, ít nhất là ở các cường quốc lớn, việc ra quyết định được chia sẻ và kiềm chế ở các mức độ khác nhau ở cấp độ chính trị cao nhất, cung cấp một bộ lọc hoặc làm giảm bớt các lựa chọn sai lầm. “Hiệu ứng tập thể”, thường là một phần của khuôn khổ pháp lý có thứ bậc của một quốc gia, cuối cùng có thể không bác bỏ được quan điểm được khẳng định chắc chắn của người đứng đầu chính phủ, nhưng nó có khả năng kiểm soát những hành vi thái quá. Ngay cả một nhà cai trị độc nhất, kết hợp với các vị trí nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ và tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang (như ở Mỹ), thường có thể có hoạt động “kiểm tra và cân bằng” chính thức và không chính thức để ngăn chặn một sự thay đổi đột ngột, thậm chí kỳ quái đối với tương lai của quốc gia.

Tình huống tương tự

Tình huống của ông Tập có nhiều điểm tương đồng hơn với tình huống xảy ra với người người đứng đầu chính phủ quân sự cuối cùng của Argentina, Trung tướng Leopoldo Fortunato Galtieri Castelli.

Thủ tướng Anh Margaret Thatcher gặp thành viên trên tàu HMS Antrim trong chuyến thăm 5 ngày tới quần đảo Falkland, 08/01/1983. (Ảnh: Sven Nackstrand/AFP/Getty Images)

Trung tướng Galtieri từng là tổng thống của Argentina từ tháng 12/1981 đến tháng 06/1982 và đã lãnh đạo đất nước của ông bước vào cuộc chiến thảm khốc và đột ngột với Vương quốc Anh trên Quần đảo Falkland ở Nam Đại Tây Dương. Quyết định viển vông của ông Galtieri về việc đưa Argentina tham chiến như một cách để đánh lạc hướng dư luận Argentina – để ông ấy có thể duy trì quyền lực – là một quyết định sai lầm, không có sự chuẩn bị. Nó đã không thể bị ngăn chặn vì quyền kiểm soát quốc gia của ông ấy.

Cuộc chiến đã dẫn đến thất bại thảm họa của Lực lượng Vũ trang Argentina trước người Anh trong Chiến tranh Nam Đại Tây Dương năm 1982.

Điều này khiến tôi đưa ra những ý kiến liên quan tới Trung Quốc. Nỗi sợ hãi lớn nhất về sự tập trung quyền lực ngày càng tăng ở Trung Quốc đại lục xung quanh ông Tập là nó sẽ dẫn đến “hội chứng Galtieri”, bóp méo các hành động của Trung Quốc bất chấp sự cân nhắc về lợi ích chiến lược của chính Trung Quốc. Nói cách khác, một đánh giá “lý tính” về các ý định chiến lược của ĐCSTQ sẽ là không đủ khi không tính đến những hành động “phi lý”.

“Hội chứng Galtieri” cũng được thể hiện trước thời kỳ ông Galtieri cai trị ở Argentina bởi cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Mặc dù được bao quanh bởi một hệ thống cố vấn và các ràng buộc pháp lý, ông Carter đã thực hiện các bước đi thiếu hiểu biết dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Iran, làm thay đổi cán cân Trung Đông một cách không thể đảo ngược, và cho đi Kênh đào Panama do Mỹ sở hữu. Những bước đi này, xuất phát từ sự lệch lạc tâm lý của ông Carter, là những nhân tố chính góp phần vào sự suy giảm chiến lược lâu dài của Mỹ. Nhưng ít nhất Mỹ cũng đã tránh được cuộc chiến tranh trực tiếp với hai đối thủ chiến lược lớn của Mỹ vào thời điểm đó: Liên Xô và Trung Quốc.

Điều gì có thể hạn chế ông Tập?

Nhưng ngày nay, điều gì có thể hạn chế ông Tập, ngoài một cuộc nổi dậy của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA)?

Sẽ khó có được cuộc nổi dậy như vậy, do các biện pháp bảo vệ đan xen mà ông Tập đã xây dựng để bảo vệ chính mình. Cuộc binh biến gần đây của nhà thầu quân sự tư nhân Nga Wagner là động cơ khiến Bắc Kinh ngay lập tức rà soát các điểm yếu của Tổng bí thư Tập. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã không cho phép thành lập lực lượng an ninh vũ trang tư nhân phi chính phủ ở Trung Quốc như đối với trường hợp Wagner, và kể từ thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc ngày càng hạn chế quyền tự chủ của các chỉ huy quân sự khu vực, những người từng có thẩm quyền, trên thực tế, như một lãnh chúa.

Những ngày đó đã qua rồi.

Vì vậy, rất có thể, ví dụ của Wagner rất có thể đã trấn an ông Tập rằng, với sự thận trọng, ông không có gì phải lo sợ trước một cuộc nổi dậy riêng lẻ như vậy. Một cách toàn diện, ông Tập không chỉ đã tiêu diệt, làm suy yếu hoặc loại bỏ các đối thủ trong nước của mình, mà ông còn khởi xướng một chiến dịch “đào tạo” dân số hàng loạt nhằm làm giảm bớt tình trạng bất ổn, ngay cả vào thời điểm tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và đầy bất ổn cùng với việc số tiền tiết kiệm cả đời một phần rất lớn của dân số Trung Quốc trên thực tế đã bị chiếm đoạt.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự khai mạc kỳ họp đầu tiên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 14 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 05/03/2023. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Ở nhiều khía cạnh, ông Tập đã làm tốt bất chấp các thế mạnh chiến lược dài hạn của Trung Quốc đang liên tục suy yếu. Các cơ quan tình báo nước ngoài đã làm những gì có thể để làm suy yếu ông Tập và làm suy yếu sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với các vùng lãnh thổ và dân cư quan trọng, chẳng hạn như ở Tân Cương, nơi người dân Duy Ngô Nhĩ được khuyến khích phản đối bản sắc riêng biệt của họ và tìm cách quay trở lại chế độ tiền ĐCSTQ và tiền Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU). Đó là những ngày mà “Đông Turkestan” có thể đã tìm thấy một bản sắc từ các hãn quốc ở Trung Á.

Tâm lý của ông Tập

Nhưng vấn đề cấp bách đối với Mỹ, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Nga, Úc và Philippines không phải là ĐCSTQ mà là chính ông Tập.

Chiến lược tâm lý cung cấp tầm nhìn cho cả kế hoạch và hoạt động vận hành tấn công và phòng thủ. Nó phải luôn tính đến tình trạng tâm lý của đối tượng mục tiêu, cho dù là tập thể hay ở cấp độ cá nhân. Trong trường hợp này, mục tiêu đòi hỏi sự hiểu biết về sự lệch lạc tâm lý chính là ông Tập. Việc ngăn chặn ông Tập bởi các đối thủ nước ngoài không chỉ đòi hỏi sự hiểu biết về cách vô hiệu hóa có thể có mà còn phải hiểu cách tách rời ông Tập khỏi khả năng ra lệnh bắt đầu hành vi thù địch chống lại các nước láng giềng, bao gồm cả Đài Loan.

Các cơ quan tình báo cấp quốc gia luôn cố gắng phân tích, từ những bằng chứng sẵn có và thường là phi khoa học, về bản chất và động cơ của đối tượng của họ. Họ dành các nguồn lực để tìm hiểu các yếu tố kích hoạt quan trọng trong tâm trí của những người ra quyết định ở các quốc gia thù địch và thậm chí thân thiện.

Điều rõ ràng là, khi các cơ quan tình báo cố gắng nghiên cứu các nguyên nhân tiềm ẩn gây ra hành vi thù địch trong ông Tập, thì cũng cần phải dự đoán các nguồn lực có thể bị ông Tập huy động. Và sau đó họ cần xác định làm thế nào ông Tập có thể bị tách khỏi quyền chỉ huy các nguồn lực đó trước hoặc trong một sự kiện vũ trang.

Cụm từ “hội chứng Galtieri” đã được cân nhắc kỹ khi áp dụng cho trường hợp này. Trung tướng Galtieri là một người nghiện rượu, một vấn đề khiến ông ấy có khả năng tập trung ngắn, khiến ông ấy dễ có những quyết định bốc đồng và thiếu cân nhắc. Và rõ ràng là, lịch sử lạm dụng rượu lâu năm của ông Tập khiến người ta cần phải xác định xem liệu ông ấy cũng có khả năng tự huyễn hoặc và đột ngột chỉ huy các nguồn lực quân sự quốc gia cho hành động xâm lược không thể đảo ngược được hay không.

Một số điều đã được trình bày chi tiết trong cuốn sách năm 2023, bằng tiếng Trung, của giáo sư Yuan, người đã xin tị nạn chính trị ở Úc vào năm 2005. Cuốn sách của ông, “Trận chiến cuối cùng ở eo biển Đài Loan”, kể chi tiết trải nghiệm của ông với tư cách là bạn nhậu của ông Tập thời ông Tập chỉ là một quan chức cấp vùng nhỏ. Ông Yuan kể chi tiết về việc ông Tập đã uống rượu với ông tại Nhà hàng Trường Chinh gần Đại học Bắc Kinh, kết luận rằng trên thực tế, ông Tập là một người nghiện rượu tích cực vào thời điểm đó. Ông Yuan cũng lưu ý rằng, sau khi uống đủ rượu, từ một người thận trọng, ông Tập có thể nói không ngừng về quan điểm của mình về chiến tranh và chủ nghĩa Mao.

Ông Tập, ông Yuan nói, sẽ từ bỏ sự thận trọng vốn chi phối cuộc đời làm việc của ông sau cuộc thanh trừng của cha mình. Sau khi uống rượu, ông Tập sẽ trở nên giáo điều về các vấn đề quan trọng, chẳng hạn như niềm tin của ông rằng việc hy sinh rất nhiều mạng sống của người Trung Quốc để đạt được các mục tiêu của ĐCSTQ là đáng giá.

Không có bằng chứng nào cho thấy cuốn sách của ông Yuan đã được dịch sang tiếng Anh. Tuy nhiên, nó có những quan sát rất chân thực và nhạy bén về bản chất của ông Tập, người vốn có khả năng duy trì chiếc mặt nạ trước công chúng nhằm cố tình che giấu bản chất giận dữ. Vị giáo sư chỉ ra rằng sự thận trọng của ông Tập có thể là do việc người cha nổi tiếng về chính trị của ông, ông Tập Trọng Huân, người từng giữ vị trí Tổng thư ký của Hội đồng Nhà nước, cùng các chức vụ khác, đã bị thanh trừng vào khoảng năm 1965. Ông ấy đã bị bỏ tù và bị hạ nhục trong Cách mạng Văn hóa cho đến khi ông được phục hồi hoàn toàn vào năm 1978.

Sau đó, ông Tập đã học cách lèo lái ĐCSTQ để đảm bảo an toàn cho mình.

Ông Tập ngày nay khoác lên mình chủ nghĩa Mao cực đoan, bao gồm cả cam kết của ông đối với khái niệm nền kinh tế “lưu thông nội bộ” được cho là sẽ mang lại cho Trung Quốc sự tự cung tự cấp không tưởng. Nhưng tư tưởng cấp tiến cực đoan hơn mà ông che giấu rõ ràng là mối quan tâm chính đối với ĐCSTQ và các thế lực nước ngoài.

Người ta cũng đã từng đề cập về những ngày tháng uống nhiều rượu thời trẻ của ông Tập, luôn ám chỉ rằng nó phản ánh chứng nghiện rượu. Kể từ năm 2015, ông Tập đã nỗ lực thực hiện cấm uống rượu tại nhiều sự kiện chính thức, mặc dù ông vẫn được biết đến, khi nghi thức yêu cầu, là sẽ uống rượu khi chúc rượu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nâng ly chúc mừng trong tiệc chiêu đãi sau cuộc hội đàm của họ tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, vào ngày 21/03/2023. (Ảnh: Pavel Byrkin/Sputnik/AFP qua Getty Images)

Vậy thì sao?

Ở đây tôi không có ý định cố gắng đưa ra chẩn đoán có ý nghĩa hoặc toàn diện về các động cơ có thể có của ông Tập.

Tôi chỉ có thể gợi ý rằng thông tin tình báo về lai lịch sâu xa của ông Tập và hành vi của ông là rất quan trọng để hiểu được quá trình ra quyết định chiến lược của ông ấy. Điều này giống với việc các cơ quan tình báo Anh đã nỗ lực hết sức trong Thế chiến thứ hai để hiểu được động cơ và tác nhân thúc đẩy đối với Adolf Hitler (chẳng hạn như sự ám ảnh của ông với ma thuật “đen” và nghệ thuật huyền bí khác, trong số rất nhiều điểm độc đáo khác).

Chìa khóa của vấn đề là ta luôn phải xác định điều gì được coi là hợp lý hoặc có thể xảy ra trong tâm trí của một chủ thể thông minh và không áp đặt “hình ảnh phản chiếu” về logic của nhà phân tích lên đối tượng. Ông Tập, cũng như Hitler, nên được coi là một cá nhân rất phức tạp, có động lực cao và thông minh, đi ngược lại logic hoặc sự phản đối của những người xung quanh, và có thể đã sống sót nhờ chứng hoang tưởng mang tính thao túng, khuyến khích việc tiêu diệt đối thủ để đề phòng. Ông Tập có lẽ không phải là người duy nhất thể hiện những đặc điểm này. Tuy nhiên, ông Tập có vai trò quan trọng độc nhất đối với sự cân bằng chiến lược toàn cầu hiện nay vì ông nắm giữ quyền lực độc tôn ở Trung Quốc đại lục.

Ngay cả khi hiểu một cách đầy đủ về những tham vọng sâu xa của ông Tập và những ngòi nổ có thể có, câu hỏi đặt ra là “Vậy thì sao?”

Liệu sẽ tốt hơn nếu các đối thủ của ông Tập đứng nhìn ông ấy vội vàng xua PLA vào các nước láng giềng của Trung Quốc với rất ít cơ hội thành công – nhưng với cái giá rất lớn về nhân mạng – hay sẽ tốt hơn nếu chơi trò chơi tâm lý và trì hoãn xung đột?

Hoặc tốt nhất là các đối thủ của ông Tập nên nghĩ ra các chiến lược để chia rẽ ông Tập với quyền lực của mình, giống như việc vị Hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc, Phổ Nghi, bị cô lập trong Tử Cấm Thành trong khi Trung Quốc chứng kiến sự hủy diệt của giai cấp quý tộc.

Đáng chú ý là ĐCSTQ có một lịch sử về “các chiến thuật gây chia rẽ” và “khuynh hướng chia rẽ” trong nội bộ đảng, ở mức độ rõ ràng hơn nhiều so với trong Đảng Cộng sản Liên Xô, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy các tổ chức phương Tây đã thực sự cố gắng khai thác đặc điểm này.

Ông Tập thực sự đã ngăn chặn không để phần lớn thế hệ thanh niên hiện tại ở Trung Quốc đại lục tiếp cận tin tức và ảnh hưởng từ nước ngoài. Họ có thể biểu tình phản đối ông Tập và ĐCSTQ do hoàn cảnh khốn khổ hiện tại của chính họ, nhưng làm thế nào họ và các thành viên PLA có thể được thúc đẩy bởi sự hỗ trợ từ nước ngoài?

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

You may also like...