Share

Cái nhìn toàn cảnh về Afghanistan: Tập Cận Bình đã chiếm được Sudetenstan

Khi chúng ta đang cố gắng tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra vào ngày 26/08 tại phi trường Kabul cùng với sự mất mát về nhân mạng của người Mỹ, thì có một vài sự thật đáng lo ngại đang được phơi bày ra ánh sáng.

Trong một cuộc rút lui quân sự (rút quân, trong thuật ngữ dân sự), đặc biệt là khi được thực hiện dưới sự thúc ép, an ninh là một trong các yếu tố được lên kế hoạch hàng đầu. Khi các cuộc tấn công gây thương vong xảy ra tại cổng Abbey dẫn đến phi trường này và tại khu vực gần khách sạn Baron ở Kabul, thì hóa ra không phải là lực lượng của Hoa Kỳ đã kiểm soát phạm vi khu vực vành đai của phi trường, mà chính là các phần tử Taliban.

Điều này gây ra sự bất bình cũng như đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản về an ninh trong việc lập kế hoạch quân sự ở cấp độ chiến thuật. Một câu hỏi hợp lý được đặt ra là: Ai đã cho phép hoặc chỉ thị sự nhượng bộ hay thúc ép này?

Lẽ ra các lực lượng quân sự Hoa Kỳ không chỉ dứt khoát kiểm soát phạm vi khu vực vành đai này và các điểm ra vào [phi trường], mà còn phải thiết lập một vùng đệm an ninh từ hai đến mười dặm, dựa trên các đánh giá tình báo và sự tiên liệu của người chỉ huy chiến thuật.

Vùng đệm này sẽ bao gồm cả những con đường dẫn đến các cổng có nguy cơ [bị tấn công] cao, nơi xảy ra các vụ nổ bom vào ngày 26/08. Rõ ràng là [Hoa Kỳ] đã không khai triển một vùng an ninh. Tôi không có ý chất vấn bất kỳ vị chỉ huy quân sự thực địa nào của Hoa Kỳ, và tình hình [ở] đó rất hỗn loạn và ngày một tiến triển [xấu đi], song một bức tranh lạ lùng về toàn cảnh cuộc rút quân thất bại này đang dần lộ ra. Một lần nữa, ai đã cho phép hoặc chỉ thị sự nhượng bộ hoặc thúc ép này?

Một khía cạnh hết sức quan trọng khác đó là tính bảo mật trong hoạt động; điều này nghĩa là có hai yêu cầu chính bắt buộc phải làm được.

Thứ nhất là, cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ những thông tin chi tiết về hoạt động, nhưng đồng thời phải có một phương thức truyền tải thông điệp chắc chắn, kiên quyết, và rõ ràng. Sự hoảng loạn cực độ và cảnh đổ xô tới phi trường đã cho thấy sự thất bại trong việc thực hiện yêu cầu thứ hai.

Yêu cầu đầu tiên cũng đã bị nghi ngờ bởi sự thừa nhận hoàn toàn đáng kinh ngạc rằng danh sách các công dân Hoa Kỳ và những người đã làm việc với người Mỹ, cũng như toàn bộ dữ liệu sinh trắc học của những người Afghanistan từng trợ giúp các lực lượng của Hoa Kỳ đã bị giao nộp. Thật sự rất khó hiểu và có lẽ là bất hợp pháp khi giao nộp những dữ liệu này. Dường như chính phủ [Hoa Kỳ] cảm thấy rằng Taliban là tốt đẹp, những người khác là xấu xa. Phiến quân Taliban cũng mang tính phe phái như các nhóm khác. Ai đã cho phép hoặc chỉ thị cho sự nhượng bộ hay thúc ép này?

Trong cuộc họp báo hôm 26/08 của mình, Tổng thống Joe Biden đã đổ lỗi cho cựu Tổng thống Donald Trump, nhưng ông cũng không cho thấy có sự khác biệt lớn.

Chiến lược của ông Trump dựa vào việc Taliban đáp ứng các điều kiện theo thứ tự, vốn cho phép một cuộc rút quân từng bước và có trật tự. Sự thất bại trong tất cả các yếu tố này đã vẽ nên một bức tranh về sự kiện lịch sử trong quá khứ như sự hoảng loạn và sụp đổ hoàn toàn của Iran vào tháng 01/1980, khi Tổng thống Jimmy Carter, với sự thiếu quyết đoán của mình, đã ra lệnh cho CIA ngừng việc hỗ trợ — hoảng sợ và hỗn loạn đã diễn ra ở Iran ngay sau phi vụ đạo đức giả đầu tiên này.

Dù thế nào đi nữa, toàn bộ thảm họa này ở thủ đô Kabul đã tạo ra một khoảng trống địa chính trị to lớn, điều chẳng bao giờ là tốt cả.

Trung Quốc lấp đầy khoảng trống
Theo một số phương diện, có một sự tương đồng nữa về mặt lịch sử đối với Afghanistan—đó là việc Hitler chiếm đóng khu vực Sudetenland. Đây từng là một trong những bước đi quan trọng của nhà lãnh đạo phát xít Đức này trên con đường dẫn đến sự bùng nổ của Đệ nhị Thế Chiến. Trung Quốc là nhà bảo trợ chính cho khoảng trống [địa chính trị] mà Hoa Kỳ đã tạo ra. Trung Quốc cần Afghanistan vì bốn lý do: quyền tiếp cận năng lượng, kim loại đất hiếm, bảo đảm an ninh cho một quốc gia biên giới, và [gây dựng] thanh thế.

Trung Quốc có đến ba lỗ hổng chiến lược trong cuộc chiến giành quyền lãnh đạo thế giới từ Hoa Kỳ. Đầu tiên là khả năng tiếp cận thị trường vốn của Mỹ. Đồng dollar Mỹ toàn năng vẫn là đồng tiền chính mà Trung Quốc bị buộc phải sử dụng. Về lỗ hổng này, ông Tập đang nổi cơn thịnh nộ bằng cách hủy bỏ nhiều đợt phát hành cổ phiếu công khai lần đầu (IPO) của các công ty Trung Quốc muốn thông qua các thị trường vốn của Hoa Kỳ để tiếp cận vốn.

Điều này thật khó hiểu, nhưng ông Tập lại bận tâm đến mối đe dọa từ các công ty công nghệ cao của Trung Quốc đối với sự ổn định của chính quyền Trung Cộng, hơn là khả năng tiếp cận vốn của các công ty này. Hai lỗ hổng chiến lược tiếp theo của Trung Quốc là sự phụ thuộc vào việc nhập cảng năng lượng và thực phẩm.

Afghanistan giải quyết lỗ hổng chiến lược về năng lượng của Trung Cộng bằng các đường ống dẫn dầu và khí đốt tiềm năng, đi xuyên qua Afghanistan dẫn đến Pakistan (và dễ dàng để mở rộng sang Trung Quốc), và đến nhà cung cấp dầu hàng đầu của họ là Iran.

Afghanistan cũng cung cấp một lượng lớn kim loại đất hiếm.

Và cuối cùng, sự sụp đổ và hỗn loạn của sự hiện diện của phương Tây ở Afghanistan cho phép Trung Quốc trở thành thế lực ngoại bang có tầm ảnh hưởng hàng đầu tại Afghanistan, để bảo đảm an ninh cho một quốc gia biên giới và cười nhạo về sự ê chề của Hoa Kỳ.

Hitler đã đánh chiếm khu vực Sudetenland; Trung Quốc cũng đã chiếm Sudetenstan. Nhưng Trung Quốc đang vấp phải áp lực kinh tế trên sân nhà, và có một lý lịch về những điều mà các nhà lãnh đạo độc tài làm trong tình huống này.

Tiếp theo sẽ là gì?
Sự hoàn toàn vô dụng của chính phủ Tổng thống Biden đã phản ánh cuộc khủng hoảng ở Iran của cựu Tổng thống Carter. Sự sụp đổ của Afghanistan đã gửi một tín hiệu xanh mạnh mẽ cho Trung Cộng về khả năng thành công hơn nữa trong chủ nghĩa phiêu lưu quốc tế. Thông điệp từ chính phủ ông Biden đó là người Mỹ thiếu quan tâm đến việc khẳng định lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

Nếu đúng như vậy, sao lại không tiếp tục với các quốc gia khác ở gần đó cơ chứ? Sự sụp đổ của Hoa Kỳ ở Afghanistan mang lại cho Trung Quốc lợi tức đầu tư to lớn. Tôi cho rằng điều đương nhiên đúng là—Trung Quốc hiện có thể xoay trục về phía đông và tập trung vào Đài Loan.

Việc nhanh chóng xây dựng năng lực tác chiến đổ bộ của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) trong hai năm qua là đáng lo ngại — đặc biệt là khả năng bắt chước các lực lượng chủ chốt của Hải quân Hoa Kỳ: Bộ Tư lệnh Vận tải Hải quân và Hạm đội Dự bị Quốc phòng.

Trước giờ, PLAN chưa từng thực hiện một cuộc đổ bộ ép buộc nào, vì vậy câu trả lời rõ ràng là để tiến hành một cuộc diễn tập ở một nơi nào đó trước khi [chính thức đổ bộ vào] Đài Loan. Nhưng là ở đâu? Nếu tôi là một nhà hoạch định của PLAN, thì đảo Luzon ở phía Bắc của quần đảo Philippines là kế hoạch theo trực giác.

Nhật Bản đang tiến tới quân sự hóa chuỗi đảo ở sườn phía sau bên phải của Đài Loan. Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, Nhật Bản sẽ thể hiện quyết tâm bảo vệ Đài Loan. Câu hỏi rất rõ ràng—vậy còn Hoa Kỳ thì sao?

Đại tá đã về hưu John Mills là một chuyên gia an ninh quốc gia phục vụ trong năm thời kỳ: Chiến tranh Lạnh, Chia rẽ Hòa bình, Chiến tranh chống Khủng bố, Thế giới Hỗn loạn, và hiện tại là Cạnh tranh Quyền lực Lớn. Ông là cựu giám đốc chính sách an ninh mạng, chiến lược, và các vấn đề quốc tế tại Bộ Quốc phòng.

NGUỒN: https://etviet.com/cai-nhin-toan-canh-ve-afghanistan-tap-can-binh-da-chiem-duoc-sudetenstan_239839.html

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *