Xôn xao chỉ đạo xét nghiệm ở Lâm Đồng: Lương 4 triệu, xét nghiệm 8 lần/tháng, sao đủ sống?
Nhiều người cho rằng việc xét nghiệm đối với người dân đi lại giữa các địa phương sẽ tiếp tục gây trở ngại.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Sở Y tế triển khai các nhiệm vụ theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong đó, hướng dẫn người dân cách tự xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên; chỉ đạo các cơ sở bán lẻ thuốc cung cấp test nhanh kháng nguyên cho người dân có nhu cầu mua và tự tiến hành xét nghiệm tại nhà; cho phép các cơ sở bán lẻ thuốc kinh doanh trở lại các mặt hàng thuốc điều trị các triệu chứng như: Ho, sốt, sổ mũi… (chú ý, cập nhật danh sách người mua, trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19 hướng dẫn người bệnh đến cơ sở y tế làm xét nghiệm sàng lọc theo quy định).
UBND các huyện, thành phố rà soát kế hoạch điều trị Covid-19 tại địa phương theo nguyên tắc 4 tại chỗ; chủ động cân đối kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch; đảm bảo giường bệnh điều trị tầng 1, từ 100 – 200 giường bệnh/huyện, thành phố và các điều kiện cần thiết để đảm bảo hoạt động của các Cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 được giao quản lý đáp ứng các tình huống dịch trong tình hình mới.
Xây dựng kế hoạch thiết lập các trạm y tế lưu động (dự kiến 50-100 người nhiễm thành lập 1 Trạm Y tế lưu động, tối thiểu 5 cán bộ/trạm y tế), sẵn sàng đưa vào hoạt động khi cần thiết; chỉ đạo đảm bảo nhân lực, 6 oxy y tế và tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn cho các trạm y tế lưu động theo quy định tại Quyết định số 4377/QĐ-BYT ngày 11/9/2021 của Bộ Y tế; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà khi có chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể tại địa phương phối hợp với ngành Y tế trong công tác điều tra, truy vết, theo dõi giám sát cách ly F1… việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, hàng ngày, đánh giá và cập nhật cấp độ dịch tại địa bàn quản lý; chủ động thực hiện điều chỉnh kế hoạch, phương án phòng, chống dịch theo cấp độ dịch phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Kiểm tra, giám sát, quản lý việc thực việc cách ly tại nhà theo đúng quy định; tuyệt đối không để F1 cách ly tại nhà đi ra ngoài, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh…
Trao đổi với Tiền Phong, nhiều người cho rằng việc xét nghiệm đối với người dân đi lại giữa các địa phương sẽ tiếp tục gây trở ngại, đặc biệt là những người lao động vùng giáp ranh Lâm Đồng với các tỉnh. Mặt khác, khi người dân đến liên hệ công tác tại các cơ quan, đơn vị cũng phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính sẽ gây ra nhiều khó khăn, tốn kém.
Việc chỉ đạo xét nghiệm nhanh cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động 3 ngày/1 lần đang gây xôn xao dư luận tại địa phương.
Anh P.H.V, công tác tại cơ quan ở TP Đà Lạt bức xúc: “Một người xét nghiệm 8 lần/tháng, mất trên dưới 1 triệu đồng, trong khi thu nhập có người chỉ có 4 triệu thì làm sao đủ sống? Còn nếu cơ quan chi trả chi phí xét nghiệm thì mất không dưới 150 triệu/tháng, quá nặng cho ngân sách của đơn vị”.
Đồng quan điểm, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đ.T. có chuyến công tác từ TP Đà Lạt về huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), nhưng phải chịu test Covid-19 tới 2 lần.
Ông T. trình bày: “Trước khi về huyện Cát Tiên công tác tôi đã đến Trạm Y tế phường 3, TP Đà Lạt test Covid-19, nhưng vì test gộp nên không có giấy tờ. Khi đến địa phận chốt kiểm dịch Covid-19 Cửa Rừng vào huyện Cát Tiên thì nhân viên y tế huyện này bắt buộc phải test Covid-19 một lần nữa, mặc dù tôi đã trình bày vụ việc. Tại đây tôi phải chi 110.000 đồng/1 lần test, nhưng trong giấy báo kết quả xét nghiệm âm tính chỉ có hiệu lực ngay thời điểm test. Ngoáy kiểu này không phát bệnh vì Covid-19 thì cũng có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng và rỗng túi tiền…” – ông T. bức xúc.
Từ đầu dịch Covid-19 đến ngày 15/10, toàn tỉnh Lâm Đồng chỉ ghi nhận 403 ca mắc Covid-19, nhưng sau 15/10 đến nay đã tăng lên đến 1.798 ca (tăng 1.395 ca).