Không đồng tình với ông Tập, ông Lý Khắc Cường gọi tình trạng thiếu điện là vấn đề an ninh quốc gia
Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng từ tháng 9 và đang tiếp tục kéo dài. Ông Tập Cận Bình phát đi thông điệp ‘mỹ miều’ rằng Trung Quốc chủ động hạn chế sử dụng điện để giảm thải, hướng tới ngừng phát thải CO2 theo lộ trình. Nhưng lại một lần nữa, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lại có tuyên bố ngược với thông điệp của ông Tập “tình trạng thiếu điện là vấn đề an ninh quốc gia”.
Kể từ tháng 9, 21 tỉnh trên cả nước đã bị cắt điện. Nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng trầm trọng, thậm chí tiếp tục làm đình trệ thêm chuỗi cung ứng đã bị tổn thương sau đại dịch. Sinh kế của người dân cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Giải thích cho ‘sự cố’ này, ĐCSTQ phát đi thông điệp là vì cắt giảm phát thải khí CO2 nhằm thực thi kế hoạch ‘chống biến đổi khí hậu’ mà Trung Quốc đã cam kết.
Tuy nhiên, vào ngày 9 tháng 10, Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường trong một cuộc họp triệu tập bởi Uỷ ban Năng lượng Quốc gia đã thẳng thắn đưa ra quan điểm hoàn toàn trái ngược với thông điệp đã phát đi của Chủ tịch nước, Tổng bí thư ĐCSTQ là ông Tập Cận Bình rằng an ninh năng lượng liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia, đồng thời chỉ ra rằng giảm phát thải phải là một ván cờ quốc gia, không nên vội vàng và trực tiếp đối mặt Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.
Phát biểu ngược lại với thông điệp của ông Tập như vậy không phải là lần đầu. Ngay sau khi ông Tập tuyên bố về thành công ‘xóa đói giảm nghèo’ ở Trung Quốc, thì ông Lý Khắc Cường đã công bố rằng 600 triệu người Trung Quốc thậm chí không có quyền tiêu dùng.
Thiếu điện là một vấn đề an ninh quốc gia
Tại cuộc họp ngày 9/10, vấn đề đầu tiên mà ông Lý Khắc Cường đặt ra là an ninh năng lượng có liên quan đến an ninh quốc gia hay không? Ông Lý Khắc Cường chỉ ra rằng “Thiếu hụt nguồn cung là sự mất an toàn năng lượng lớn nhất, bởi vì sự phát triển là nền tảng và chìa khóa để giải quyết vấn đề, và năng lượng phải có sẵn”.
Vào tháng 12 năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, đề xuất rằng Trung Quốc có kế hoạch đạt đỉnh Carbon vào năm 2030 và đạt được mức độ trung tính carbon vào năm 2060. Dưới sự lãnh đạo của Phó Thủ tướng Hàn Chính, mục tiêu giảm phát thải này được thực hiện cụ thể bởi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia. Và tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng, thiếu đầu vào sản xuất năng lượng (than), giá năng lượng tăng vọt được ĐCSTQ cho rằng đó là “trong kế hoạch giảm phát thải”. ĐCSTQ không thừa nhận khủng hoảng năng lượng trầm trọng đang diễn ra trên đất nước của này. Dù vậy, thông điệp trái ngược của Thủ tướng Lý Khắc Cường dường như thẳng thắn hơn.
Giữa tăng trưởng và CO2 chỉ có thể chọn một
Sau đó, ông Lý Khắc Cường nhắc nhở rằng không thể đạt được đỉnh carbon và trung tính carbon như kế hoạch. “Để đạt được các mục tiêu carbon kép một cách khoa học và có trật tự, chúng ta phải nỗ lực lâu dài và gian khổ.”
Ông Lý Khắc Cường cũng chỉ thị cho quan chức phụ trách giảm phát thải (Phó thủ tướng Hàn Chính) lập một kế hoạch hợp lý, “Kết hợp với phản ứng gần đây đối với sự mâu thuẫn giữa cung và cầu điện và than, tính toán sâu và chứng minh, nghiên cứu đưa ra thời gian và lộ trình các bước để đạt được kế hoạch về carbon”
Cuối cùng, ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh rằng trách nhiệm của tất cả các địa phương và các bên liên quan phải kiên quyết đảm bảo an ninh năng lượng trước khi đảm bảo việc giảm thải carbon, đây là ván cờ của cả một quốc gia, không được vội vàng.
Ông Lý Khắc Cường ám chỉ rằng việc giảm thải carbon là việc dài hạn, khó khăn và không thể hy sinh tăng trưởng mù quáng cho công cuộc này, đặc biệt khi cấu trúc nguồn cung năng lượng, cấu trúc công nghệ của Trung Quốc còn xa mới có thể đáp ứng mục tiêu giảm thải carbon mà ông Tập tuyên bố hào hùng trước Liên Hợp Quốc.
Mặc dù Lý Khắc Cường đã chuyển giao trách nhiệm này cho chính quyền địa phương và nói: “Từ tình hình thực tế, chúng ta nên điều chỉnh việc cắt điện, hạn chế sản xuất hoặc các chiến dịch giảm lượng khí thải carbon của chính quyền địa phương”. Tuy nhiên, ông Hàn Chính và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cũng đã nhìn thấy thực tế là tình trạng mất điện ở 21 tỉnh thành là các tỉnh này không đạt được mục tiêu ‘kiểm soát năng lượng kép’, các chỉ tiêu do Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đề ra. Vào ngày 17 tháng 8, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã công bố chỉ tiêu kiểm soát kép mức tiêu thụ năng lượng cho tất cả các tỉnh trên cả nước trong nửa đầu năm nay. Trong đó, chín tỉnh ở Quảng Đông và Giang Tô không đạt tiêu chuẩn.
Buộc phải cho phép tăng khai thác than trong nước nhưng hoạ vô đơn chí vì thiên tai
Vào ngày 11 tháng 10, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia tuyên bố rằng hợp đồng dài hạn được ký kết giữa các mỏ than và các nhà máy điện đã hoạt động tốt và đã giải quyết được vấn đề cắt giảm điện. Tuy nhiên, sự cố lại ập đến. Ngày 11, Sở Công nghệ Thông tin và Công nghiệp Liêu Ninh đã đưa ra cảnh báo màu cam thứ cấp về tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, đây là lần cảnh báo màu cam thứ năm cho tỉnh này trong vòng hai tuần. Ngày hôm đó, vùng thiếu điện lớn nhất ở tỉnh Liêu Ninh là 7,74 triệu KW, bắt đầu từ 6 giờ sáng hôm đó, tỉnh này chia thành 8 đợt cắt điện, thời gian mất điện kéo dài từ 1 giờ đến 3 giờ.
70% nguồn cung cấp điện ở tỉnh Liêu Ninh là từ nhiệt điện (than). Tình trạng thiếu than và giá than tăng cao dẫn đến sản lượng điện không đủ; khoảng 8% nguồn cung cấp năng lượng của Liêu Ninh đến từ năng lượng gió, nhưng gần đây do không đủ năng lượng gió, động cơ không thể hoạt động bình thường, khiến Liêu Ninh thiếu điện. Làm mọi thứ trở nên tệ hơn.
Các nhà phân tích và thương nhân chỉ ra rằng do nguồn cung than không đủ trong mùa đông này, tiêu thụ điện công nghiệp của Trung Quốc trong quý 4 năm nay có thể giảm 12%.
Reuters đưa tin, để đối phó với cuộc khủng hoảng thiếu điện, hai cơ sở sản xuất than lớn nhất của Trung Quốc là Sơn Tây và Nội Mông trước đó đã ra lệnh mở rộng công suất sản xuất than. Bất ngờ, trận mưa lớn đột ngột ở Sơn Tây đã trực tiếp khiến 60 mỏ than tại địa phương phải ngừng sản xuất. Hiện tại, chính quyền tỉnh Sơn Tây chưa tiết lộ năng lực sản xuất than mà tỉnh này đã mất do đóng cửa các mỏ than.
Vấn đề của với khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc rõ ràng không hoàn toàn vì giảm thải carbon mà là cấu trúc nguồn cung điện, nhiên liệu đầu vào và năng lực sản xuất điện. Ngoài ra, thiên tai cũng đang tác động tiêu cực tới việc cung cấp nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất điện năng của đất nước này. Bởi vậy, khủng hoảng năng lượng điện ở Trung Quốc chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm trong mùa đông này.
Dù vậy, thông điệp trái chiều giữa Thủ tướng Lý Khắc Cường và thông điệp của ông Tập cho thấy nội tình Trung Quốc không hề êm ấm, các con sóng ngầm rất lớn trước thềm Đại hội đảng 22 vào năm tới.