‘Ngã ba đường’ chữa lành ‘vết sẹo’ ở Afghanistan
Phong trào Taliban nắm lại quyền lực bị mất từ 20 năm trước đã giúp Afghanistan hầu như kết thúc chiến tranh. Song, để bước vào kỷ nguyên hòa bình, Afghanistan một lần nữa đứng trước ‘ngã ba đường’ với vấn đề liên quan tới việc kết nối với thế giới để chữa lành những ‘vết sẹo’ chiến tranh.
Những ngày qua, bên cạnh những diễn biến phức tạp bên trong quốc gia Nam Á, dư luận cũng đặc biệt quan tâm đến tiếng nói của những quốc gia khác về Afghanistan, đặc biệt nhất là vấn đề hợp tác với chính quyền Taliban.
Trong số các quốc gia đang muốn gia tăng ảnh hưởng đối với Afghanistan, nổi bật nhất là Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar. Dù không phải là những siêu cường quốc vốn luôn chi phối Afghanistan, nhưng hai quốc gia này được đánh giá là có nhiều năng lực nhất để nâng tầm ảnh hưởng đối với chính quyền Taliban.
Theo giới quan sát khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar có quan hệ qua lại với Taliban xuyên suốt bề dày lịch sử của tổ chức này nên có thể tận dụng thời cơ Taliban nắm chính quyền để phát triển mối quan hệ có phần hữu hảo nhằm tạo ra cơ hội ở “vùng đất mới” nhiều tiềm năng.
Các học giả Trung Đông cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia Hồi giáo gắn kết mật thiết về lịch sử và sắc tộc ở Afghanistan. Đặc biệt, là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thổ Nhĩ Kỳ duy trì lực lượng tại Afghanistan nhưng không chiến đấu. Afghanistan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đánh dấu cột mốc 100 năm quan hệ ngoại giao vào tháng 3 năm nay. “Tình bạn” thế kỷ giữa hai quốc gia cũng được Taliban công nhận dù phong trào này và Thổ Nhĩ Kỳ không thân thiết. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gần đây khẳng định rằng, việc duy trì liên hệ hay tiếp xúc với Taliban là ngoại giao, với thái độ lạc quan và một lộ trình thận trọng.
Với Qatar, điều dễ nhận thấy nhất là xuyên suốt 20 năm chiến tranh, quốc gia vùng Vịnh này thường là “cầu nối” giữa Taliban với các nước phương Tây. Qatar vừa là trung gian hòa giải với Taliban, vừa là nhân tố quan trọng trong việc điều hướng các nước phương Tây trong các vấn đề liên quan tới Afghanistan. Qatar là nơi tổ chức các vòng đàm phán giữa Taliban với các nước phương Tây và giữa Taliban với Chính phủ Afghanistan (cũ). Khi Taliban chiếm quyền kiểm soát Afghanistan vào ngày 16-8 vừa qua, Qatar cũng chứng minh vai trò quan trọng của mình đối với các nước phương Tây và với cả Taliban khi tham gia mọi chiến dịch sơ tán nước rút.
Cũng theo giới quan sát khu vực, Taliban vốn được quy kết là tổ chức khủng bố, song, việc chiếm được chính quyền Afghanistan đã thay đổi vị thế, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân Afghanistan. Vì vậy, nhiều quốc gia gần đây đã tìm cách tiếp xúc với chính quyền Taliban, chủ yếu thông qua Qatar.
Dù Qatar được xem là “cầu nối” giữa Taliban với thế giới, song, giới quan sát Trung Đông lại cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ mới thực sự là nước có vị thế mạnh nhất trên thực địa Afghanistan. Tuy nhiên, các phân tích từ giới chuyên gia chính trị chỉ ra rằng, trong thời gian tới, quy cách vận hành đất nước và đối ngoại của Taliban nếu không phù hợp với sách lược của Thổ Nhĩ Kỳ thì rủi ro xung đột là rất lớn.
Ở góc độ khác, Taliban là một phong trào Hồi giáo vốn có nhiều quan điểm cực đoan, cổ hủ, trong khi Trung Đông là một khu vực nhạy cảm với nguy cơ xung đột luôn hiện hữu. Vì vậy, việc Taliban kết nối với thế giới sẽ là vấn đề khó dự báo với nhiều rủi ro tiềm ẩn, nhưng cũng có thể mang lại nhiều lợi ích lớn nếu Taliban khéo léo vận dụng.
Giới chuyên gia chính trị quốc tế cho rằng, địa thế của Afghanistan từng là khao khát sở hữu của nhiều đế quốc, cường quốc xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử. Với vị trí chiến lược trên bản đồ thế giới, chắc chắn rằng, sau khi kết thúc chiến tranh, nhà nước non trẻ cầm quyền Afghanistan sẽ không dễ dàng để thực sự đạt được hòa bình, độc lập. Một trong những thách thức hàng đầu đối với “ngã tư” châu Á này là thích ứng với những nỗ lực gây tầm ảnh hưởng từ các thế lực bên ngoài đất nước.
nguồn: https://baomoi.com/nga-ba-duong-chua-lanh-vet-seo-o-afghanistan/c/40154242.epi