Share

Có thực sự tránh được chuyện không lành khi đi cúng giải hạn đầu năm

Đầu năm mới, một số người Việt vẫn giữ thói quen đi chùa cúng sao giải hạn hoặc tự cúng sao tại nhà với mong muốn một năm tai qua nạn khỏi, gặp nhiều may mắn. Phật giáo quan niệm thế nào về điều này?

Theo một chuyên gia nghiên cứu văn hóa, tục cúng sao giải hạn xuất phát từ trong dân gian, một số người Việt tin rằng có 9 sao nên cứ 9 năm các sao lại luân phiên trở lại ứng với người nam, nữ khác nhau, đó là các sao: La Hầu, Kế Đô, Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Vân Hớn, Thổ Tú, Thái Bạch, Thủy Diệu.



Cụ thể, người ta vẫn quan niệm rằng, năm nào mà người nam gặp phải sao chiếu mạng là La Hầu, nữ là sao Kế Đô thì năm đó là năm xui xẻo. Riêng với sao Thái Bạch thì hao tài tốn của, không giữ được tiền bạc, cuộc sống bị nhiều người quấy phá.

Cúng sao giải hạn đầu năm không có trong đạo Phật – Ảnh minh họa

Do vậy, đầu năm một số người Việt vẫn đến chùa, đèn nhờ cúng sao giải hạn hoặc tự cúng ở nhà với mong muốn giải hạn sao xấu, cầu xin thần sao phù hộ cho gia đình, bản thân được mạnh khỏe, bình an, tai qua nạn khỏi và gặp nhiều may mắn. Đặc biệt là những năm tuổi đang gặp sao xấu chiếu mạng như: La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch.

“Cúng sao giải hạn không có trong đạo Phật”



Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa GHPGVN, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM khẳng định, cúng sao giải hạn không có trong đạo Phật.

Thượng tọa chia sẻ, Đức Phật từng nói với các đệ tử rằng, mỗi người tự tạo nghiệp của mình, từ các việc bản thân đã làm, chúng ta nhận lấy kết quả cho chính mình tạo ra chứ không có điềm gì báo cho rằng ngôi sao nào chiếu mệnh là tốt hay phước đức.

Hằng năm GHPGVN đều có hướng dẫn các cấp giáo hội địa phương tổ chức lễ cầu an đầu năm với hình thức tổ chức đàn dược sư

Đó cũng là cột mốc Đức Phật nói về bài kinh Điềm lành và sau này thiền sư Nhất Hạnh có dịch là bài kinh Phước đức. Sư thầy lấy ví dụ trích đoạn:

“Sống trong môi trường tốt

Được tạo tác nhân lành

Được đi trên đường chánh

Là phước đức lớn nhất”



Theo thầy Trí Chơn, khuynh hướng của chúng ta là đi tìm kiếm phước đức, cụ thể là mỗi người mong cầu hạnh phúc, bình an, may mắn, thuận duyên… mà quên mất rằng bản thân cần phải tạo nhân.

“Dâng sao giải hạn cầu cho mình thì không có trong đạo Phật. Văn hóa Việt Nam ít nhiều ảnh hưởng văn hóa của đạo Lão, đạo Nho, theo đó dân gian tin rằng mỗi con người có một vì sao chiếu mạng mình; sao sáng, mờ, tối thì vận hạn mình cũng lên, xuống… Ngày xưa khi người ta chưa hiểu đạo thì người ta đến chùa cầu thế này thế kia để được giải hạn, các vị thiền sư, tổ sư cũng đưa họ vào đạo nhưng khi đã đưa vào thì các vị tiếp tục dẫn dắt người ta đi vào con đường chánh. Tiếc là ngày nay một bộ phận ở trong chùa cũng dẫn dắt vào con đường này nhưng đứng yên chân tại chỗ, không dẫn đi tiếp tục để thấy đạo Phật”, sư thầy Trí Chơn chia sẻ.

Làm sao để “an”?



Trong cuộc sống, ai cũng muốn 2 chữ an lành. Gặp nhau ngày đầu năm, mọi người cũng chúc nhau an lành. An để bình an, để sau tất cả đều “tai qua nạn khỏi”…

Theo Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, ai cũng muốn an, muốn an thì bản thân phải sống lành, thế nhưng thực tế một số người vẫn muốn an ổn nhưng lại không sống thiện lành.

Theo Phật giáo, khóa lễ dược sư để mọi người tự gột rửa tâm thức của mình thì ngay nơi đó có an

Vị thượng tọa cũng cho rằng, trong nhà Phật nhắc nhở mọi người, không phải cầu cho mình không gặp khó khăn, mà cầu cho mình có đủ nghị lực để đi qua khó khăn. Tương tự, không phải cầu cho mình sống cuộc đời an ổn, mà cầu cho bản thân có chìa khóa giải quyết vấn đề bất an được an ổn.

Có thể thấy, hằng năm GHPGVN đều có hướng dẫn các cấp giáo hội địa phương tổ chức lễ cầu an đầu năm với hình thức tổ chức đàn dược sư. “Bác sĩ trị thân bệnh, giáo lý của Đức Phật trị tâm bệnh. Khóa lễ dược sư để mọi người tự gột rửa tâm thức của mình thì ngay nơi đó có an. Chúng ta nương vào đó hoàn thiện tâm thức của mình cho thánh thiện thì sẽ có cuộc đời an ổn”, thượng tọa Thích Trí Chơn đưa ra lời khuyên.



You may also like...