Bước leo thang mới của Trung Quốc
Việc Trung Quốc tự ra luật mới để kiểm soát tàu nước ngoài đi lại trên lãnh hải của mình là một bước leo thang mới trong tham vọng độc chiếm biển Đông, vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các nước
Trung Quốc mới đây lại có động thái thách thức dư luận khu vực và quốc tế. Cụ thể là giới chức Trung Quốc ngày 29-8 cho biết sẽ yêu cầu một loạt tàu phải “báo cáo thông tin” khi đi qua khu vực mà Trung Quốc coi là “lãnh hải” của nước này.
Lập lờ “lãnh hải của Trung Quốc”
Việc ra thông báo này liên quan đến Luật An toàn giao thông hàng hải Trung Quốc, được thông qua hồi tháng 4-2021, có hiệu lực từ ngày 1-9-2021.
Trong điều 54 của luật này quy định: “Các phương tiện tàu ngầm, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và tàu chở dầu, hóa chất, khí đốt hóa lỏng và các chất độc hại khác phải báo cáo thông tin chi tiết khi đến lãnh hải Trung Quốc”. Tờ Thời báo Hoàn Cầu nói rằng luật này là “dấu hiệu của những nỗ lực tăng cường nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc”.
Quy định trên là trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Theo UNCLOS, lãnh hải được định nghĩa là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý, tính từ đường cơ sở. Tàu thuyền của các quốc gia khác có “quyền đi qua không gây hại” tại lãnh hải.
Thêm nữa, trong điều 117 của Luật An toàn giao thông hàng hải Trung Quốc cũng không đưa ra giải thích từ ngữ rõ ràng “lãnh hải” của Trung Quốc được quy định như thế nào.
Điều 2 Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải của Trung Quốc ngày 25-2-1992 quy định: “Lãnh hải của nước CHND Trung Hoa là vùng biển tiếp giáp với lãnh thổ của Trung Quốc. Và lãnh thổ của CHND Trung Hoa bao gồm đất liền và các đảo ngoài khơi, Đài Loan và các đảo liên quan khác như đảo Điếu Ngư, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các đảo khác thuộc CHND Trung Hoa. Vùng nội thủy của CHND Trung Hoa là vùng nước dọc theo đường cơ sở của lãnh hải về phía đất liền.”
Ông Tô Tử Vân, Giám đốc Phòng Chiến lược và Nguồn lực quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Đài Loan (Trung Quốc), lưu ý Bắc Kinh định nghĩa lãnh hải của mình rộng hơn nhiều so với quy định của UNCLOS. Họ cũng mập mờ nhắc tới tuyên bố quyền tài phán đối với 3 triệu km2 không gian biển, thường được gọi là “lãnh thổ quốc gia xanh” của Trung Quốc. Khu vực này bao gồm: vịnh Bột Hải; một phần lớn của biển Hoàng Hải; biển Hoa Đông và đến tận vùng biển phía Đông của vùng lõm Okinawa, bao gồm các vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp; tất cả vùng nước trong “đường 9 đoạn” ở biển Đông.
Nhiều nước phản ứng mạnh mẽ
Chúng ta còn nhớ Bắc Kinh cũng đã thông qua Luật Hải cảnh sửa đổi vào đầu năm 2021 để trao quyền sử dụng vũ khí cho Hải cảnh Trung Quốc. Việc nước này ra luật mới là một bước leo thang trong tham vọng độc chiếm biển Đông.
Tuy nhiên, Trung Quốc không có bất cứ cơ sở pháp lý nào để có thể hỗ trợ cho tham vọng này. Trung Quốc cũng không thể sử dụng vũ lực để chiếm đoạt biển Đông trong lúc này, bởi có thể gây nên “Chiến tranh thế giới III” và nó sẽ khiến Trung Quốc gặp nhiều bất lợi. Chính vì vậy, Trung Quốc đã áp dụng chiến thuật mà các nhà nghiên cứu phương Tây gọi là “chiến thuật vùng xám”, tức là dùng các biện pháp đe dọa, cưỡng bức, tấn công khác nhau nhưng không trực tiếp sử dụng hải quân. Trung Quốc biết rõ nếu sử dụng quân đội thì sẽ bị coi là “xâm chiếm bằng vũ lực”, vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc và bị cộng đồng quốc tế lên án.
Trong tình thế trên, để tìm lý do cho các “hoạt động vùng xám”, Trung Quốc phải tự đặt ra các quy định trong nội luật của mình. Dĩ nhiên, hành động mang tính leo thang này của Trung Quốc đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các nước. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định Mỹ vẫn tiến hành các hoạt động tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế; đồng thời nhấn mạnh Luật An toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với sự tự do hàng hải, quyền và lợi ích của các quốc gia khác trên biển.
Úc cũng tuyên bố bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc, yêu cầu các nước tuân thủ UNCLOS. Nước này vẫn sẽ tiếp tục quyền tự do hàng hải theo quy định của luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây đã tuyên bố: “Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc những điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là UNCLOS 1982 – khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển”.
nguồn: https://baomoi.com/buoc-leo-thang-moi-cua-trung-quoc/c/40116745.epi