Các công ty Mỹ kêu gọi Tổng thống Biden tăng tốc viện trợ vaccine cho Việt Nam
Các lãnh đạo của 90 nhãn hàng hàng đầu Hoa Kỳ mới lên tiếng kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng tốc viện trợ vaccine chống COVID-19 cho Việt Nam khi cho rằng quốc gia Đông Nam Á là chuỗi cung ứng quan trọng của Hoa Kỳ.
Trong một bức thư chung gửi Tổng thống Biden hôm 13/8, 90 giám đốc điều hành (CEO) của các công ty và tập đoàn Mỹ đang có các hoạt động sản xuất ở Việt Nam, trong đó có Nike, Adidas, Levi Strauss và Gap, cho biết Việt Nam “đang trải qua một đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng, đặc biệt ở phía Nam, và Hoa Kỳ là nơi tốt nhất để cung cấp sự hỗ trợ cần thiết nhằm khống chế việc này.”
Đợt bùng phát nghiêm trọng nhất trong cộng đồng từ cuối tháng 4 khiến Việt Nam ghi nhận gần 10.000 ca lẫy nhiễm trong một ngày hôm 14/8. Hà Nội, TPHCM và hầu hết khu vực phía Nam đang bị phong toả nhằm khống chế sự lây lan của đại dịch, khiến hàng trăm người tử vong mỗi ngày. Nhiều doanh nghiệp ở khu vực phía nam, trong đó có các hãng xưởng cung cấp cho các công ty toàn cầu của Mỹ, đã phải dừng hoạt động hoặc hoạt động dưới công suất do tác động của đợt bùng phát, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Việt Nam đã nổi lên như một đối tác kinh tế và chuỗi cung ứng quan trọng của Hoa Kỳ,” các CEO nói trong bức thư được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) công bố. “(Việt Nam) hiện nay là nhà cung cấp lớn thứ hai về đồ may mặc, giầy dép, sản phẩm phục vụ du hành cho thị trường Mỹ. Hơn nữa, Việt Nam cũng đã trở thành một nhà cung cấp quan trọng các sản phẩm đầu vào thiết yếu cho ngành công nghiệp sản xuất giầy dép tuy nhỏ nhưng quan trọng của Hoa Kỳ.”
Các CEO này thúc giục Tổng thống Biden “tăng tốc việc viện trợ vaccine” để giúp Việt Nam “nhanh chóng phục hồi” khi cho rằng cuộc khủng hoảng ở Việt Nam cũng là cuộc khủng hoảng của ngành công nghiệp may mặc ở Mỹ.
Chính phủ Biden trong tháng trước đã hai lần viện trợ vaccine chống COVID-19 cho Việt Nam thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, với tổng số lượng là 5 triệu liều Moderna. Chính phủ Mỹ cũng đã hỗ trợ hơn 20 triệu USD và 77 tủ âm sâu trữ vaccine nhằm giúp Việt Nam chống dịch. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong khu vực, với hơn 1% trong số 98 triệu dân được tiêm ít nhất 1 liều vaccine COVID.
Trước đó vào tháng 6 và tháng 7, Hiệp hội May mặc và Giầy dép Hoa Kỳ (AAFA) cũng đã gửi hai bức thư tới Tổng thống Biden nhằm thúc giục người đứng đầu Nhà Trắng “tăng cường phân phối lượng vaccine dư thừa của Mỹ cho Việt Nam và các nước đối tác quan trọng khác”.
Trong bức thư thứ 2 gửi tới Tổng thống Biden hôm 27/7, chủ tịch và CEO của hiệp hội thương mại đại diện cho hơn 1.000 thương hiệu nổi tiếng thế giới của Mỹ, ông Steve Lamar, nói rằng thành công của ngành công nghiệp may mặc và giày dép cũng như của 3 triệu công nhân của Mỹ “phụ thuộc trực tiếp” vào những nhà cung cấp của họ từ Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới.
Việt Nam cung cấp 20% hàng may mặc, giày dép và đồ du lịch trong tổng số hàng nhập khẩu của Mỹ, và con số này tăng hàng năm, thậm chí cả trong thời gian diễn ra đại dịch, theo CEO của AAFA.
Trong một bức thư gửi cho Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng ngày 27/7, ông Lamar kêu gọi người đứng đầu chính phủ Việt Nam “ưu tiên phân phối vaccine” cho các công nhân trong ngành công nghiệp này – hiện đang đóng vai trò quan trọng cho cả hai quốc gia. Người đứng đầu AAFA cũng hối thúc Thủ tướng Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các đối tác hiệp hội thương mại và ngành công nghiệp địa phương để tìm ra giải pháp giúp ngành công nghiệp này tiếp tục hoạt động an toàn trong thời gian đại dịch.
Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Việt Nam không ngay lập tức phản hồi yêu cầu bình luận của VOA về các bức thư này. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Hà Kim Ngọc, tháng trước cho biết rằng Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ vaccine cho Việt Nam sau 5 triệu liều Moderna.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ tới thăm Việt Nam vào cuối tháng này, và theo Tổng thư ký VITAS, Hoàng Ngọc Ánh, hiệp hội này hy vọng trong cuộc họp cấp cao giữa bà Harris và các lãnh đạo chính phủ Việt Nam, các sáng kiến phối hợp để bảo toàn sức khỏe chuỗi cung ứng Việt Nam và Hoa Kỳ “sẽ được thảo luận chi tiết để có hành động nhanh và hiệu quả trong tháng 9.”