Công an TP.HCM đang điều tra mở rộng vụ án bà Nguyễn Phương Hằng
Chiều 28-12, thượng tá Trần Thị Kim Lý, chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, cho biết vụ án bà Nguyễn Phương Hằng đến nay đã khởi tố 4 bị can gồm bà Hằng và 3 trợ lý. Phòng PC01 đang mở rộng điều tra, xử lý những người liên quan.
Đại tá Lê Quang Đạo, phó giám đốc Công an TP.HCM, chủ trì buổi họp báo – Ảnh: MINH HÒA
Chiều 28-12, Công an TP.HCM tổ chức thông báo tình hình, kết quả công tác đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội trong năm 2022 và một số công tác trọng tâm năm 2023.
Tại buổi họp báo, thượng tá Trần Thị Kim Lý – chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM (PC01) – cho biết vụ án bà Nguyễn Phương Hằng đến nay đã khởi tố 4 bị can gồm bà Hằng và 3 trợ lý. Phòng PC01 đang mở rộng điều tra, xử lý đối với những nội dung còn lại và những người liên quan.
Cũng tại buổi họp báo, thượng tá Nguyễn Ngọc Hà – phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM – cho biết năm 2022, số vụ phạm tội về trật tự xã hội được kéo giảm (-156 vụ); đã điều tra khám phá 317 vụ (74,33%), bắt 4.972 đối tượng; triệt phá nhiều đường dây, tổ chức tội phạm lớn, mang tính tiêu biểu của cả nước; triệt phá nhiều đường dây, tổ chức cá độ bóng đá qua mạng với số tiền giao dịch hơn 700 tỉ đồng; triệt phá các tổ chức cho vay với thủ đoạn “khủng bố” người vay và người thân…
Tuy nhiên, tội phạm giết người vẫn còn xảy ra, giết người thân do mâu thuẫn bộc phát, mâu thuẫn tình cảm gia đình với hành vi dã man, mất nhân tính, gây bức xúc dư luận. Tội phạm cướp, cướp giật, trộm tài sản được kéo giảm mạnh (so với năm 2019 giảm 279 vụ).
Tội phạm mua bán người từ Việt Nam sang Campuchia rộ lên trong thời gian gần đây, bằng thủ đoạn hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao” để dụ dỗ, lôi kéo các nạn nhân.
Công an TP.HCM cho biết điều tra mở rộng vụ án của bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, ngụ quận 1, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam), cơ quan điều tra xác định Nguyễn Thị Mai Nhi (39 tuổi, ngụ quận 12), Lê Thị Thu Hà (30 tuổi), Huỳnh Công Tân (28 tuổi, cùng ngụ tỉnh Bình Dương) đã giúp sức tích cực cho bà Hằng, thực hiện hành vi phạm tội liên tục nhiều lần, trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận xã hội.
Hành vi giúp sức thể hiện qua việc tạo lập, quản lý các trang mạng xã hội; đăng tải thời gian, chủ đề livestream lên trang mạng xã hội; kết nối các tài khoản mạng xã hội vào Internet, chuẩn bị sân khấu để bà Hằng livestream; đăng tải nội dung xúc phạm trên trang cá nhân và phục vụ hoàn toàn cho bà Hằng khi trực tiếp livestream phát ngôn xúc phạm cá nhân. Việc giúp sức của Nhi, Tân chỉ dừng lại đến khi bà Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam.
MINH HÒA – Tuổi Trẻ