Dự báo thế giới 2022: Các rủi ro an ninh quốc gia đối với Mỹ
Sau hai năm đầy biến động do tác động khủng khiếp của đại dịch Covid-19, những rủi ro hàng đầu trong năm 2022 là gì? Câu trả lời ngắn gọn là, năm 2022 sẽ có phần giống với năm 2021 và thậm chí còn nhiều biến động hơn, vì nhiều vấn đề tích tụ trong năm nay có thể trở nên nóng bỏng hơn.
Kể từ đợt bùng phát Covid-19 hồi đầu năm đến sự xuất hiện của biến thể Omicron, năm 2021 là một năm đầy biến động, với những diễn biến không lường trước được.
Khủng hoảng Covid-19
Cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 không chỉ tiếp tục đứng đầu danh sách rủi ro trong năm 2022 mà nó còn làm trầm trọng thêm nhiều rủi ro khác.
Nó không chỉ là nguy cơ từ việc biến thể Omicron lan rộng khắp nước Mỹ như một cơn bão châu chấu.
Tỷ lệ tiêm chủng thấp ở hầu hết các nước đang phát triển – chưa đầy 10% người dân ở châu Phi được tiêm phòng – có nguy cơ sinh ra nhiều biến thể đột biến mới hơn, có thể dễ lây lan hơn hoặc thậm chí kháng vaccine.
Các rủi ro toàn cầu trở nên trầm trọng hơn
Đây là một loạt các rủi ro khác – được thúc đẩy hoặc trở nên trầm trọng hơn bởi Covid-19 – có thể ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính và chính trị toàn cầu.
Nhiều quốc gia đang phát triển đã hứng chịu những tác động kinh tế lớn từ Covid-19, đối mặt với khủng hoảng nợ ngày càng trầm trọng, tầng lớp trung lưu toàn cầu quay trở lại cảnh nghèo đói và mất an ninh lương thực.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã ra cảnh báo, 45 triệu người ở 43 quốc gia đang đứng trước bờ vực của nạn đói. Những thực tế như vậy có thể đẩy nhanh bất ổn chính trị và biến một số quốc gia yếu kém – như Haiti, Nam Sudan, Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Myanmar và đứng đầu danh sách là Afghanistan – trở thành những “quốc gia thất bại”.
Một “quốc gia thất bại” phải đối diện với nguy cơ cao, như thảm họa nhân đạo, bất ổn khu vực và dòng người tị nạn lớn là những gì có thể xảy ra ở Afghanistan. Nền kinh tế bị đình trệ, với tình trạng thất nghiệp ồ ạt, các tổ chức từ ngân hàng trung ương đến hệ thống y tế bị tan rã và khoảng 23 triệu người phải đối mặt với nạn đói.
Trung Quốc suy yếu
Đối với mọi nỗi lo ngại bắt nguồn từ một Trung Quốc đang trỗi dậy, nhưng sự suy yếu của nước này cũng có thể gây ra rủi ro lớn.
Tại sao như vậy? Quan ngại ở đây là tình trạng thiếu năng lượng, nhân khẩu học suy giảm, tăng trưởng và năng suất giảm. Các khoản nợ lớn – gần đây được minh chứng qua gã khổng lồ bất động sản Evergrande – đang phản ánh một mô hình kinh tế lỗi thời. Nợ của Trung Quốc hiện tương đương 290% GDP của nước này. Cuộc trấn áp của Bắc Kinh đối với lĩnh vực công nghệ và giờ đây là lĩnh vực bất động sản (vốn chiếm khoảng 29% nền kinh tế Trung Quốc) đang làm nổi rõ sự mong manh của hệ thống kinh tế nước này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể nhận thấy những cải cách thị trường cần thiết từng được hứa hẹn vào năm 2013, nhưng sau đó bị từ chối, rất khó thực hiện. Thay vào đó, Bắc Kinh đã chọn cách củng cố các doanh nghiệp nhà nước và kiểm soát khu vực tư nhân, bất chấp các công ty tư nhân đã và đang thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới.
Một số lo ngại rằng ông Tập Cận Bình có thể chuyển hướng chú ý khỏi nền kinh tế đang xuất hiện những bất ổn. Tuy nhiên, một Trung Quốc đang gặp khó khăn về kinh tế cũng có thể gây ảnh hưởng tới sự ổn định toàn cầu, bởi nền kinh tế này đã thúc đẩy khoảng 30% tăng trưởng của thế giới trong thập kỷ qua.
Một nền kinh tế Trung Quốc yếu kém do đó có thể cản trở tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới, đồng thời phá vỡ thị trường tài chính và chuỗi cung ứng.
Đụng độ Nga-Ukraine
Việc Nga củng cố lực lượng quân đội gần biên giới với Ukraine đã làm dấy lên lo ngại rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhìn nhận nước láng giềng như “phi vụ bất thành”.
Nếu Tổng thống Putin, người dường như ngày càng lưu tâm đến việc định hình di sản của mình, hành động theo bản năng như vậy, có lẽ ông đang cân nhắc một loạt lựa chọn: đàm phán về các yêu cầu đảm bảo an ninh mà ông đã đưa ra cho người đồng cấp Mỹ; tiến hành hành động quân sự hạn chế ở Donbass phía Đông Ukraine; và một cuộc xâm lược quân sự tổng lực nhằm chiếm Ukraine như một vùng đệm trong phạm vi ảnh hưởng của Nga.
Thất bại trong ngoại giao Mỹ-Iran
Chính phủ Iran đã tăng cường nỗ lực làm giàu hạt nhân và đưa ra ngày càng nhiều yêu cầu với Mỹ để giảm bớt các lệnh trừng phạt và đưa ra các bảo đảm để Tehran đồng ý với một thỏa thuận mới, nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của họ.
Các cuộc tấn công mạng của Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran – và phản ứng của Iran đối với các hoạt động đó – cũng đang leo thang.
Quốc hội Mỹ đang gây áp lực lên Tổng thống Biden trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Iran. Nếu các biện pháp ngoại giao thất bại, không thể loại trừ khả năng Mỹ hoặc Israel tiến hành hành động quân sự chống lại chương trình hạt nhân của Iran. Trong khi đó, Iran có thể tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở dầu khí ở Vùng Vịnh và các căn cứ quân sự của Mỹ – và sử dụng những kẻ thế mạng để tham gia vào một cuộc chiến bóng tối chống lại Israel.
Nền dân chủ Mỹ tiếp tục “đi xuống”
Báo cáo năm 2021 của Freedom House, trong đó ghi nhận sự thoái lui dân chủ toàn cầu, cho thấy chỉ số tự do của Mỹ sụt giảm 11 điểm trong thập kỷ qua – đưa quốc gia này đứng thứ 51 trong danh sách tự do.
Báo cáo đã trích dẫn cuộc tấn công vào Đồi Capitol hôm 6/1 để tìm cách lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 dựa trên những tuyên bố sai sự thật về gian lận bầu cử mà cựu Tổng thống Trump và nhiều người trong Đảng Cộng hòa đưa ra.
Các cuộc thăm dò cho thấy, khoảng 70% cử tri Đảng Cộng hòa và 30% cử tri nói chung tin rằng, ông Biden đã không được bầu chọn một cách hợp pháp, mặc dù các bằng chứng đều cho thấy điều ngược lại.
Sự chia rẽ chính trị của Mỹ dường như đang gia tăng khi cuộc bầu cử năm 2022 cận kề – khi mỗi bên coi phía còn lại không phải là đối thủ mà là kẻ thù. Với việc Đảng Cộng hòa tìm cách giành lại Hạ viện và có thể là Thượng viện vào năm 2022, hiện có rất ít bằng chứng cho thấy những xu hướng này sẽ giảm bớt.
страница https://mega555-moriarti.com