Phải chăng chính phủ Tổng thống Biden đang tạo điều kiện cho Trung Quốc?
Càng ngày càng có nhiều người Mỹ tin rằng chính phủ Tổng thống Biden đang quá mềm mỏng với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). ĐCSTQ đặt ra một mối đe dọa hiện hữu đối với sự an toàn của tất cả chúng ta, một điểm [mà chúng ta] không tài nào nhấn mạnh đủ.
Hung hăng và ngoan cố, ĐCSTQ cảm nhận được sự yếu nhược nơi Hoa Thịnh Đốn. Nếu không thì làm cách nào chúng ta giải thích về những bản danh sách tai tiếng được giao cho chính phủ Tổng thống (TT) Biden gần đây?
Vâng, hai bản danh sách với các yêu cầu rất cụ thể. Bản danh sách đầu tiên liên quan đến việc “những hành động sai trái của Hoa Kỳ cần phải dừng lại,” trong khi bản thứ hai nêu ra “những trường hợp cá biệt chính mà Trung Quốc lo ngại,” theo [một bài báo của] cơ quan ngôn luận nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã.
Bài báo cho biết, trong bản danh sách đầu tiên, ĐCSTQ kêu gọi Hoa Kỳ “hủy bỏ vô điều kiện các hạn chế về thị thực đối với các đảng viên ĐCSTQ và thân quyến của họ, hủy bỏ các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo, quan chức, và cơ quan chính quyền Trung Quốc, đồng thời gỡ bỏ hạn chế thị thực với các sinh viên Trung Quốc.”
Xét tới việc Tổng thống Joe Biden gần đây đã tổ chức một cuộc hội đàm “đầy tôn trọng” với Chủ tịch Tập Cận Bình, có lý do để tin rằng các yêu cầu của Trung Quốc — không, là mệnh lệnh — sẽ được đáp ứng. Rốt cuộc thì ĐCSTQ cũng đã đánh cắp đủ dữ liệu để lập hồ sơ về từng công dân Hoa Kỳ. Thay vì lên án Bắc Kinh vì điều được cho là vụ cướp chính trị lớn nhất trong lịch sử, ông Biden đã chọn tổ chức một cuộc hội đàm “đầy tôn trọng” với người đồng cấp tổng thống của mình. Để nói cho rõ, tôi đang không kêu gọi chiến tranh. Nhưng bàn về các tội ác của chính quyền Trung Quốc là điều phải làm.
Không dừng lại ở đó, theo Tân Hoa Xã, ĐCSTQ còn muốn Hoa Kỳ “ngừng đàn áp các doanh nghiệp Trung Quốc, ngừng sách nhiễu sinh viên Trung Quốc, ngừng đàn áp các Viện Khổng Tử, thu hồi việc chỉ định các hãng thông tấn Trung Quốc như là ‘cơ quan đại diện ngoại quốc’ hoặc ‘phái bộ ngoại quốc,’ và thu hồi yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu.”
Yêu cầu cuối cùng, như quý vị chắc chắn đã biết, đã được đáp ứng, khiến nhiều người Mỹ thất vọng. Theo ban biên tập Wall Street Journal, ngay từ bây giờ, những công dân Tây phương làm việc tại Trung Quốc nên cảnh giác cao độ. Bất cứ lúc nào, họ cũng có thể thấy mình “bị bắt vì những cáo buộc vu khống” và “bị sử dụng làm con tin để thúc đẩy lợi ích của Đảng Cộng sản.” Ban biên tập tờ báo này cũng chỉ trích chính phủ Tổng thống Biden vì đã đầu hàng trước các chiến thuật vô liêm sỉ của Trung Quốc, mô tả việc đầu hàng này là một sự “bẽ bàng” sâu sắc.
Cuối cùng cũng đến nước này rồi ư – chính quyền Trung Quốc, vốn nổi tiếng với tội ác diệt chủng và sự tráo trở trơ trẽn, lại đi công khai sỉ nhục Hợp chủng quốc Hoa Kỳ? Câu trả lời xem ra là đúng vậy. Để đạt được một thỏa thuận về khí hậu mà Hoa Thịnh Đốn tỏ ra sẵn sàng chấp nhận chiến dịch diệt chủng của ĐCSTQ. Làm ngơ trước nạn diệt chủng không phải là điều mà đất nước Hoa Kỳ này từng được biết đến.
Trong bản danh sách thứ hai, ĐCSTQ bày tỏ “những lo ngại nghiêm trọng” với Hoa Kỳ về một số vấn đề chính, trong đó có việc từ chối đơn xin thị thực của sinh viên Trung Quốc. Nói thẳng ra: Việc từ chối cấp thị thực sinh viên là chính đáng, và bây giờ vẫn là chính đáng. “Những lo ngại” của ĐCSTQ phải bị bỏ qua và “những lo ngại” của Hoa Kỳ phải được ghi nhận.
Sự càn quấy tới mức trắng trợn của ĐCSTQ là không giới hạn. Hãy thử hoán chuyển vị trí xem sao. Thử tưởng tượng các thành viên của chính phủ Tổng thống Biden giao một bản danh sách các yêu cầu cho Trung Quốc xem thế nào? Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao? Tôi đoán rằng [phản ứng của họ sẽ] chẳng hay ho gì.
Các công dân Hoa Kỳ cũng là mục tiêu ở Trung Quốc. Bản danh sách của Hoa Kỳ ở đâu? Trong cuộc giằng co địa chính trị này, một số người cho rằng Trung Quốc vốn đã chiến thắng. ĐCSTQ rõ ràng cũng cho là vậy, do đó mới có những yêu cầu lố bịch này.
Gần đây, Thượng nghị sĩ Tom Cotton, một người thẳng thắn chỉ trích ĐCSTQ, đã lên Twitter để nói lên những lo ngại của mình. Ông hỏi, tại sao chính phủ Tổng thống Biden lại quan tâm đến việc tăng cường kết giao kinh tế với Bắc Kinh? Tại sao Hoa Kỳ vẫn chào đón đầu tư từ Trung Quốc?
Thay vì tách khỏi Trung Quốc, thì dường như Hoa Kỳ đang trở nên thân thiện hơn. Bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, đang bận rộn thúc đẩy giao thương với Trung Quốc bất chấp “mối bang giao phức tạp” giữa hai nước.
Thượng nghị sĩ Cotton cũng chỉ trích chính phủ Tổng thống Biden vì đã “đầu hàng trước chính sách ngoại giao con tin của Trung Quốc.” Những lời chỉ trích của ông Cotton là có căn cứ. Trong nhiều năm, Huawei đã sử dụng “các cửa hậu” để theo dõi công dân Mỹ. Thay vì phải đối mặt với hệ thống tư pháp của Hoa Kỳ, thì bà Mạnh Vãn Chu, một thành viên chủ chốt của gia đình Huawei, đã được cấp vé hạng nhất để bay về Trung Quốc.
Đây không phải là một triển vọng tốt đối với chính phủ Tổng thống Biden, cũng như không phải là một triển vọng tốt dành cho đất nước này. Công dân của Hoa Kỳ xứng đáng được bảo vệ. Chính phủ đương nhiệm đang tỏ ra sợ hãi Trung Quốc. Như nhà văn nổi tiếng J.R.R. Tolkien đã nói, “Một người đàn ông chạy khỏi nỗi sợ hãi của bản thân sẽ nhận ra rằng anh ta chỉ vừa đi một con đường tắt để đối diện với nó.” Người dân Mỹ không cần những nhà lãnh đạo sợ hãi; họ cần những người đứng đầu dũng cảm. Các yêu cầu của ĐCSTQ phải được bỏ qua bằng mọi giá. Tuy nhiên, nếu thỏa thuận của bà Mạnh là một dấu hiệu báo trước những điều sắp xảy đến, thì khả năng việc đó xảy ra là rất mong manh. Như tác giả Joel Kotkin đã viết gần đây, trừ khi Tổng thống Biden “bằng cách nào đó thành công trong việc xây dựng một nghị trình rõ ràng, nếu không thì nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy có thể sẽ tiếp tục đi xuống.” Và để chấm dứt xu hướng đi xuống này, thì cần tiến hành một số bước. Bước đầu tiên là phải xác định ĐCSTQ là kẻ địch của nhân loại, trong đó có cả người Mỹ.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, The American Conservative, National Review, The Public Discourse, và các tờ báo danh tiếng khác. Ông cũng là một ký giả chuyên mục tại Cointelegraph.