Share

WHO đề nghị Trung Quốc hợp tác điều tra nguồn gốc COVID-19, Bắc Kinh phản ứng gay gắt

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) một lần nữa lên tiếng đề nghị Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thô về những ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên tại Vũ Hán để phục vụ cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19.

Trong thông cáo được đưa ra ngày 12/8, WHO nhấn mạnh việc mở lại cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 không phải hành động “đổ thêm dầu vào lửa” hay mang “động cơ chính trị” như Trung Quốc đánh giá. Loạt nghiên cứu tiếp theo sẽ bao gồm việc kiểm tra, rà soát dữ liệu thô ở cấp độ sâu về những ca nhiễm bệnh, mẫu huyết thanh nghi nhiễm COVID-19 đầu tiên xuất hiện năm 2019.

“Tiếp cận dữ liệu có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp hoàn thiện cách hiểu của chúng ta về khoa học. Chia sẻ dữ liệu thô và cho phép tái kiểm định các mẫu trong phòng thí nghiệm bên ngoài Italy là minh chứng cao nhất cho đoàn kết khoa học. Theo hướng này, chúng tôi hối thúc tất cả các nước, trong đó có Trung Quốc, có tham gia đóng góp để thúc đẩy điều tra nguồn gốc [COVID-19] một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất”, thông cáo của WHO nêu rõ.

Theo quan điểm của WHO, việc điều tra nguồn gốc đại dịch tồi tệ nhất trong thế kỉ là rất cấp bách. Tính từ khi COVID-19 bùng phát đến nay, đã có hơn 4,3 triệu người thiệt mạng vì dịch bệnh, cùng với đó là tổn thất to lớn đối với kinh tế toàn cầu. WHO đưa ra lời kêu gọi được phép tiếp cận mọi dữ liệu cần thiết để có thể bắt tay loạt nghiên cứu kế tiếp.

Điều tra nguồn gốc COVID-19 ngay từ đầu đã là điểm gây tranh cãi lớn giữa Trung Quốc và Mỹ và mới nhất là giữa Trung Quốc với WHO. Sau nhiều lần trì hoãn, nhóm điều tra của WHO đã có chuyến thị sát tới Vũ Hán hồi tháng 1/2021. Nhóm đã công bố kết quả nghiên cứu ban đầu vào tháng 3, theo hướng không có kết luận cứng, mà chỉ đưa ra bốn giả thuyết. Đáng chú ý là nhận định về khả năng virus lây lan từ phòng thí nghiệm được cho là “gần như không thể”. Giả thuyết lớn nhất là dịch bệnh đã lây từ rơi sang người thông qua một loài vật chủ trung gian.

Sức ép điều tra nguồn gốc COVID-19 tiếp tục tăng lên sau đó và dường như WHO cũng đã có thay đổi về trong cách tiếp cận, khi bảo lưu quan điểm chưa thể loại bỏ giả thuyết virus lây la từ phòng thí nghiệm. Hôm 16/7, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã họp kín với đại diện của các nhà nước thành viên, đưa ra đề xuất ưu tiên 5 điểm cho giai đoạn kế tiếp của cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19.

Ông kêu gọi Trung Quốc cởi mở và hợp tác hơn trong chia sẻ dữ liệu, thông tin về đại dịch ở giai đoạn đầu bùng phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nhất là dữ liệu thô về bệnh nhân, điều mà các điều tra viên của WHO không được tiếp cận trong cuộc điều tra giai đoạn một. Đáng chú ý, người đứng đầu WHO đã nêu yêu cầu kiểm toán các trung tâm nghiên cứu khoa học – nơi virus lây lan đầu tiên.

Trung Quốc ngay lập tức đã phản bác kế hoạch điều tra giai đoạn 2 mà WHO khởi xướng. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 22/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Zeng Yixin cho rằng kế hoạch trên đã bị chính trị hóa và vì thế không thể chấp nhận được. Ông chỉ trích những đề xuất của WHO là sự “nhục mạ đối với những lẽ thường, sự ngạo mạn trước khoa học”.

Ông Zeng chia sẻ rằng đã thực sự cảm thấy sốc trước kế hoạch mà WHO đưa ra, vì có chủ ý nhằm vào những cáo buộc Trung Quốc vi phạm các quy định, nguyên tắc bảo đảm an toàn tại các phòng thí nghiệm. Ông tuyên bố Bắc Kinh không chấp nhận những điều kiện như thế và đã tự đệ trình bản kế hoạch hành động về truy vết nguồn gốc COVID-19 tới WHO.

“Chúng tôi hy vọng WHO sẽ xem xét nghiêm túc đánh giá, đề xuất mà giới khoa học, chuyên gia Trung Quốc đệ trình, thực sự coi việc truy tìm nguồn gốc COVID-19 là vấn đề khoa học thuần túy, tách bạch hẳn can thiệp chính trị”, ông Zeng nêu quan điểm tại cuộc họp báo.

Liên quan đến giả thuyết lây lan từ phòng thí nghiệm, thông cáo của WHO ngày 12/8 thừa nhận Trung Quốc và một số thành viên của WHO đã có văn bản gửi đến tổ chức này. Số này nhận định việc mở cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 đã bị chính trị hóa, hoặc là do WHO đã hành động vì một sức ép chính trị nào đó.

Về vấn đề này, WHO cho rằng để làm rõ giả thuyết “lây lan từ phòng thí nghiệm”, yêu cầu đặt ra cần được tiếp cận đầy đủ mọi dữ liệu, xem xét vấn đề dưới góc độ khoa học và sử dụng những cơ chế mà WHO đang có.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (AP, The National)

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *