Hãng taxi điện mới thành lập của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tuyển tài xế: Lương từ 11 triệu, yêu cầu kinh nghiệm 6 tháng
Thu nhập của tài xế GSM, hãng cho thuê xe và taxi điện do tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập rất hấp dẫn.
Ngày 9/3, CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) mới thành lập do ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup sở hữu phần lớn cổ phần, cho biết sẽ tiến hành tuyển đối tác tài xế.
Khi trở thành đối tác, tài xế sẽ được cam kết mức lương cứng 11 triệu đồng/tháng, kèm theo hoa hồng lên đến 25% tổng doanh thu tháng. Tài xế được tham gia bảo hiểm xã hội sau hai tháng thử việc, được đào tạo về ngành dịch vụ vận tải.
Để gia nhập GSM, tài xế cần sở hữu bằng lái xe B2 trở lên, độ tuổi từ 21 tới 55, có kinh nghiệm lái xe 6 tháng, từng cộng tác với các hãng xe công nghệ, taxi truyền thống, lái xe hợp đồng là một lợi thế.
Ngoài ra, GSM yêu cầu tài xế phải thông thạo khu vự địa lý nội – ngoại thành Hà Nội, lý lịch tư pháp rõ ràng.
Trước đó, ngày 6/3 tại Hà Nội, ông Vượng đã công bố quyết định thành lập GSM. GSM có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, do ông Phạm Nhật Vượng sở hữu 95% tỷ lệ cổ phần. GSM hoạt động trong hai mảng chính: cho thuê ô tô – xe máy điện và taxi điện.
GSM sẽ cho các hãng dịch vụ vận chuyển như taxi, xe ôm công nghệ và nhân viên của họ thuê ô tô – xe máy điện để chở khách.
Đồng thời, GSM cũng tự vận hành dịch vụ taxi bằng ô tô điện. Theo kế hoạch, hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam do GSM thành lập sẽ đi vào hoạt động ngay trong tháng tới tại Hà Nội, tiến tới phủ sóng toàn quốc trong năm 2023.
Toàn bộ xe do GSM cung cấp và sử dụng là ô tô và xe máy điện VinFast, với quy mô đầu tư là 10.000 ô tô và 100.000 xe máy.
Công ty cho biết đây là mô hình dịch vụ vận tải phức hợp xanh lần đầu tiên được triển khai trên thế giới nhằm phổ cập trải nghiệm di chuyển điện hóa, qua đó thúc đẩy lối sống xanh bền vững cho cộng đồng.
Mục tiêu của GSM là xe điện VinFast tiếp cận sâu rộng và linh hoạt nhất tới mọi tầng lớp khách hàng, từng bước kiến tạo thói quen sử dụng phương tiện xanh, thông minh và thân thiện với môi trường trong đời sống hàng ngày.
Thị trường cho thuê xe có gì đặc biệt khiến ông Phạm Nhật Vượng muốn chia phần?
Thị trường cho thuê xe tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 13,82% trong giai đoạn 2022-2027.
Ngày 6/3, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, đã công bố quyết định thành lập CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM, chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện và dịch vụ taxi VinFast.
Ông Vượng sở hữu 95% vốn điều lệ công ty này. GSM sẽ cho các hãng dịch vụ vận chuyển như taxi, xe ôm công nghệ và nhân viên của họ thuê ô tô – xe máy điện để chở khách. Toàn bộ xe do GSM cung cấp và sử dụng là ô tô và xe máy điện VinFast, với quy mô đầu tư là 10.000 ô tô và 100.000 xe máy.
Ông Phạm Nhật Vượng không phải là người đầu tiên quan tâm đến loại hình kinh doanh cho thuê xe ở Việt Nam. Trước đó, trong giai đoạn 2018 – 2019, FastGo – một startup trực thuộc hệ sinh thái NextTech của ông Nguyễn Hoà Bình (Shark Bình) từng muốn đẩy mạnh mảng cho thuê xe tự lái nhưng không thành.
Luxstay – startup đình đám một thời hoạt động trong mảng homestay, du lịch từng tung ra dịch vụ Luxcar cho thuê xe tự lái cũng chưa thu về nhiều thành quả.
Ngoài nguyên nhân dịch bệnh bùng phát, FastGo và Luxstay đều gặp phải rào cản thị trường cho thuê xe tự lái tại Việt Nam còn khá phân mảnh, cũng như chưa có chuẩn mực chung cho dịch vụ tuy cũ mà mới này.
Quy mô thị trường
Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường cho thuê ô tô Việt Nam được định giá 463,19 triệu USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 884,71 triệu USD vào năm 2027 với tốc độ CAGR (Compound Annual Growth Rate – tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) trên 13,82% trong giai đoạn 2022-2027.
Cho đến năm 2022, thị trường cho thuê ô tô ở Việt Nam rất đa dạng do có nhiều gói thời gian thuê, ngày thuê, và các yếu tố khác. Thị trường có các dịch vụ như thuê xe theo ngày, thuê xe qua đêm, thuê xe trong các kỳ nghỉ và nhiều tuỳ chọn dựa trên số km.
Dịch vụ cho thuê xe có thể được cung cấp bởi các công ty chuyên nghiệp như FastGo kể trên, hay cũng có thể từ các cá nhân muốn tận dụng tối đa xe nhàn rỗi. Việc kết nối chủ xe và khách hàng, với thủ tục đơn giản, linh hoạt cũng góp phần làm gia tăng nhu cầu trong lĩnh vực cho thuê xe tại Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có quy mô thị trường ô tô lớn thứ 4 trong khu vực và chỉ có 5,7% hộ gia đình sở hữu ô tô. Điều này chứng tỏ, nhu cầu thuê xe ô tô tự lái của người Việt là lớn. Nhất là trong bối cảnh, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đang tăng lên, và người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng ô tô nhiều hơn.
Đây là điểm chung của không chỉ riêng Việt Nam, mà là hầu hết ở các nước thuộc khu vực Đông Nam Á – nền kinh tế đang phát triển rất nhanh, nhưng cơ sở hạ tầng và tỷ lệ sở hữu ô tô thấp.
Những cái tên đã có
Theo Mordor Intelligence, cho thuê ô tô tại Việt Nam là một thị trường phân mảnh với những người chơi chính có thể được chia làm hai nhóm: Nhóm công ty Mỹ gồm Enterprise Holdings, Avis Budget Group và Hertz Corporation; Nhóm công ty Việt Nam gồm Mai Linh và Vinasun.
Những công ty này đang tích cực mở rộng tại các thành phố lớn của Việt Nam như TP HCM và Hà Nội. Tháng 6 năm ngoái, Avis đã khai trương chi nhánh mới tại xã Dương Tơ, TP Phú Quốc – cách sân bay Phú Quốc khoảng 2 km. Công ty này cung cấp các dịch vụ cho thuê xe với giá khởi điểm 600.000 đồng/ngày.
Trước đó, vào tháng 5/2022, Zoomcar – kỳ lân trong mảng cho thuê xe có trụ sở tại Ấn Độ, đã tiến vào Việt Nam với thị trường đầu tiên là TP HCM. Tại Việt Nam, công ty Ấn Độ có khoảng 1.000 xe cho thuê, chiếm 10% tổng số xe toàn cầu.
Ngoài những cái tên kể trên, thị trường cho thuê xe tự lái ở Việt Nam cũng có các công ty khác như Sigo, Chungxe, Mioto, Tripx, Exbook, Aleka… Những công ty này cũng đang tăng tốc để thu hút khách hàng với mức giá cạnh tranh.
Động lực tăng trưởng
Thị trường cho thuê xe của Việt Nam phát triển nhanh chóng, đặc biệt sau đại dịch COVID-19, khi mọi người bắt đầu ưu tiên các chuyến đi cá nhân, hạn chế tiếp xúc xã hội. Có nhiều động lực để thị trường này bùng nổ trong các năm tới.
Thứ nhất, tốc độ đô thị hoá nhanh chóng và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam. Do đó, cho thuê xe được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những dịch vụ nổi tiếng trong ngành vận tải đô thị. Khách hàng có thể sử dụng để di chuyển ra sân bay, về ngoại thành hay đi du lịch.
Thứ hai, chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên do điều kiện tài chính phù hợp, cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ và sự thâm nhập ngày càng tăng của internet, khiến cho việc đặt xe, thuê xe dễ dàng hơn bao giờ hết.
Thứ ba, nghiên cứu chỉ ra rằng những người trẻ tuổi có xu hướng coi trọng trải nghiệm và chất lượng cuộc sống hơn là tiết kiệm để mua ô tô đắt tiền và nhà lớn, do đó họ có nhiều khả năng thuê ô tô hơn.
Thứ tư, ngành du lịch Việt Nam đang phát triển, và đây là một điểm đến nổi tiếng ở Đông Nam Á sẽ tác động đến dịch vụ cho thuê ô tô. Từ năm 2014, Việt Nam đã cho phép người nhập cư lái xe hợp pháp. Khách du lịch có thể sử dụng dịch vụ cho thuê ô tô để di chuyển giữa các điểm du lịch, sân bay,…
Báo cáo của Mordor Intelligence chỉ ra rằng trong thời gian tới, sẽ phát triển xu hướng các công ty cho thuê ô tô sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường bằng cách sử dụng ô tô điện. Các công ty cho thuê xe có thể cạnh tranh về giá cả, như giảm giá và ưu đãi đặc biệt. Ngoài ra, để cải thiện sự thuận tiện, một số công ty cho thuê ô tô, bao gồm Vinasun, Hertz và Avis, đã chuyển sang ứng dụng điện thoại thông minh.
Về phía công ty GSM của ông Phạm Nhật Vượng, công ty này đặt mục tiêu sẽ cung cấp cho người dân thêm lựa chọn để có thể sử dụng xe điện với chi phí hợp lý.
“Dù chỉ vài chục phút trên xe taxi hay vài tuần, vài tháng sử dụng xe thuê, khách hàng đều có cơ hội trải nghiệm những tính năng thông minh và sự tiện dụng của xe điện, qua đó thúc đẩy cuộc cách mạng xanh diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ hơn tại Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Thanh – Tổng Giám đốc công ty GSM, chia sẻ.