Share

Vì sao TPHCM tiêm vaccine nhiều song số tử vong vẫn tăng?

TPHCM đạt tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao, tuy nhiên gần đây số tử vong có xu hướng tăng trở lại. Theo báo cáo, hơn một nửa các trường hợp này chưa tiêm vaccine hoặc có yếu tố nguy cơ rất cao.
Đến chiều 26/11, Việt Nam ghi nhận hơn 24.000 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 2,1% so với tổng số ca nhiễm, cao hơn trung bình của thế giới là 0,1%. Tử vong chủ yếu tập trung ở đợt 4, trong khi 3 đợt đầu chỉ có 35 ca tử vong trong tổng số gần 3.500 ca mắc (chỉ khoảng 1%).
Theo thống kê, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 18 tuổi chiếm 0,3%, người trên 65 tuổi là 47,5%. Trong đó, tử vong chủ yếu tại TPHCM (gần 73%), Bình Dương (gần 11%), Đồng Nai (khoảng 3%), Long An (2,4%), Tiền Giang (2%)…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trong đợt bùng phát dịch thứ 4, Bộ Y tế đã có nhiều thay đổi trong chiến lược điều trị, cũng như đưa thêm nhiều thuốc mới. Nhờ đó, tỷ lệ tử vong đã giảm có lúc giảm dưới 3 con số, có những ngày chỉ khoảng 57-58 ca trên toàn quốc. Tuy nhiên, gần đây, tỷ lệ mắc ở một số địa phương có xu hướng tăng, đặc biệt là tỷ lệ tử vong ở một số nơi trong đó có TPHCM cũng tăng lên.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 138 ca/ngày. Hiện nay cả nước còn khoảng 200.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, giám sát, trong đó có hơn 5.500 trường hợp nặng.
“Tính trên cả nước đến nay đã 2-3 ngày số tử vong vượt 3 con số, tức là trên 100 ca tử vong ngày. Đây là điểm chúng tôi cũng đang hết sức lưu ý. Với các trường hợp tử vong, chúng tôi cũng đang phân tích nguyên nhân”, Thứ trưởng Sơn nói.
Theo báo cáo của TPHCM, trên 50% những trường hợp tử vong là những người chưa được tiêm vaccine, hoặc là đối tượng có yếu tố nguy cơ rất cao.
Thứ trưởng Sơn cho rằng số ca tử vong tăng trở lại tại TPHCM gần đây không phải do rút bớt các trung tâm hồi sức. Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị hỗ trợ khi rút khỏi TPHCM phải có lịch trình bàn giao với 3 điều kiện. Thứ nhất là phải có kế hoạch bàn giao “êm ả”, không tạo tình trạng sốc với đơn vị điều trị. Thứ hai, công tác đào tạo phải được thực hiện trước khi rút lực lượng hỗ trợ về. Thứ 3 là không ấn định thời gian cố định mà đề nghị khi nào địa phương còn cần thì các đơn vị hỗ trợ vẫn ở lại.
Thời gian qua, TPHCM đã hết sức chủ động tăng cường các đơn vị hồi sức. Tỷ lệ tử vong tăng không phải do thiếu nguồn lực, thiếu trang thiết bị mà ảnh hưởng đến công tác điều trị.
“TPHCM dù đạt tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhưng vẫn có một số lượng người dân chưa chủ động đi tiêm vaccine. Vấn đề ý thức của người dân ở đây là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, còn do một số đối tượng có chống chỉ định tiêm. Chúng ta cần đặc biệt chú ý đối tượng là người trên 50, bệnh lý nền. TPHCM cần chủ động rà soát tiêm cho đối tượng này để hạn chế tử vong”, Thứ trưởng Sơn nói.
Vấn đề đặt ra là các địa phương cần cố gắng bao phủ vaccine tại cộng đồng, cũng như tiếp tục tăng cường hệ thống y tế. Hệ thống y tế có thể đáp ứng điều trị là một trong những tiêu chí của Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế. Các tỉnh thành cần tăng cường phát hiện ca mắc càng sớm càng tốt, chủ động đưa gói thuốc từ cơ bản đến gói thuốc diệt virus trong điều trị thí điểm đến với người dân càng sớm càng tốt.
Để giảm tử vong, theo Thứ trưởng Sơn cần tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế tại y tế cơ sở nhanh nhất, sử dụng thuốc đúng chỉ định sớm nhất. Đây là một trong những biện pháp nền tảng cơ bản. Các trung tâm hồi sức để tiếp nhận bệnh nhân đã đầy đủ trang thiết bị, đặc biệt TPHCM có nguồn nhân lực đầy đủ. TPHCM đã huy động lực lượng quân đội để tham gia theo dõi F0 tại nhà.
Đồng thời, Bộ cũng đưa một số thuốc mới vào điều trị như thuốc kháng thể kép. Bộ Y tế cũng đang làm việc để đảm bảo cung ứng các thuốc điều trị, thuốc kháng virus sớm nhất để đáp ứng nhu cầu điều trị.
“Ngành y tế đang theo dõi và thúc đẩy các biện pháp này để làm sao trong thời gian tới chúng ta kiểm soát được số lượng ca mắc cũng như số ca trở nặng, tử vong”, Thứ trưởng Sơn nói.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *