Share

Trường Quốc học Huế trở thành di tích quốc gia đặc biệt

Trường Quốc học Huế, đình làng Dương Nổ, nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường Mai Thúc Loan và ở làng Dương Nổ trở thành di tích quốc gia đặc biệt.

Sáng 23/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt với cụm di tích trên. Tất cả đều gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm sinh sống tại Huế.

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, là nơi Hồ Chủ tịch đã sống khi gia đình vào Huế lần thứ nhất, năm 1895-1901. Năm 1895, cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) vào Huế thi Hội nhưng không đỗ. Chuẩn bị cho kỳ thi năm sau, cụ xin vào học trường Quốc Tử Giám Huế và được chấp nhận.

Để có điều kiện chăm sóc gia đình, cụ Nguyễn Sinh Sắc về quê đưa vợ là bà Hoàng Thị Loan và hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (tên lúc nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) vào Huế. Nhờ người quen giới thiệu, cụ thuê được gian nhà nhỏ ở đường Đông Ba, là ngôi nhà di tích hiện nay. Cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã trải qua nỗi đau mất mẹ tại ngôi nhà này.

Nhà lưu niệm ở làng Dương Nổ, xã Phú Dương, TP Huế, cùng với đình làng, Am Bà, Bến Đá đã phần nào tái hiện cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình ở làng quê Thừa Thiên Huế những năm 1898-1900.

Năm 1898, sau khi thi Hội lần thứ hai không đỗ, cụ Nguyễn Sinh Sắc về làng Dương Nổ dạy học. Cụ Sắc được giao ngôi nhà tranh ba gian hai chái làm chỗ ở và mở lớp dạy học. Tại ngôi nhà này, Nguyễn Sinh Cung và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm được cha dạy những bài học chữ Hán đầu tiên.

Trường Quốc Học Huế một trong những di tích được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Ảnh: Võ Thạnh

Trường Quốc Học Huế một trong những di tích được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Ảnh: Võ Thạnh

Tháng 5/1906, cụ Nguyễn Sinh Sắc vào kinh đô Huế nhận chức Thừa biện Bộ Lễ, Nguyễn Sinh Cung theo cha vào Huế sinh sống và học tập tại Trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba. Kỳ thi Primaire 1908, Nguyễn Sinh Cung là một trong 10 học sinh giỏi nhất trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba thi vượt cấp vào học lớp đệ nhị niên trung học của trường Quốc học niên khóa 1908-1909.

Vào trường Quốc học, Nguyễn Sinh Cung có điều kiện tiếp thu nền văn minh phương Tây sâu sắc hơn song cũng hiểu rõ hơn bản chất khai hóa mị dân của khẩu hiệu “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” mà thực dân Pháp rao giảng.

Năm 1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tưởng nhớ học trò xuất sắc, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế cùng với trường Quốc học đã xây dựng tượng anh Nguyễn Tất Thành (tên khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh) ở vị trí trung tâm của trường.

Trường Quốc học, nằm bên bờ sông Hương, được xây dựng thời vua Thành Thái và được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 26/3/1990.

Di tích quốc gia đặc biệt là những di tích có giá trị tiêu biểu của quốc gia, được Thủ tướng quyết định xếp hạng. Sau đợt xếp hạng thứ 11 vào cuối năm 2020, Việt Nam có 119 di tích quốc gia đặc biệt.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *