Sau khi hung hăng ‘trả đũa’ vì EU cứng rắn với Trung Quốc, ông Tập tha thiết nối lại quan hệ để ‘giải quyết sự khác biệt’
Hôm 15/10, Chủ tịch Hội đồng Châu u Charles Michel, sau cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, EU và Trung Quốc sẽ sớm tổ chức hội nghị thượng đỉnh.
Ông Michel viết trên Twitter rằng: “Trong mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, mặc dù vẫn tồn tại sự khác biệt, nhưng đối thoại vẫn là việc rất quan trọng”.
“EU và Trung Quốc đã đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh và tăng cường đối thoại giữa hai bên.” ông viết, nhưng không cho biết ngày tổ chức hội nghị thượng đỉnh.
Theo Reuters đưa tin, một quan chức EU cho biết: “Trong một cuộc điện đàm, các nguyên thủ quốc gia đã chấp nhận ý định tổ chức hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc tiếp theo. Họ còn thảo luận về việc tổ chức một cuộc họp với tất cả các thành viên của Hội đồng châu Âu ở giai đoạn sau”. Vị quan chức này đề cập tới một hội nghị thượng đỉnh riêng biệt với tất cả 27 nhà lãnh đạo quốc gia EU.
Quan chức EU nói với Reuters rằng: “EU cho rằng các biện pháp trừng phạt mà (Đảng Cộng sản Trung Quốc) áp đặt lên các chính sách của châu Âu là không hợp lý và không thể chấp nhận được. EU sẽ tiếp tục tìm kiếm các mối quan hệ kinh tế ổn định hơn”.
Một quan chức EU cho biết khi nói về cuộc điện đàm giữa chủ tịch Michel và ông Tập rằng: “Ông Michel nhắc lại những quan ngại của EU về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc”. Ông cũng cho rằng, gần đây việc ĐCSTQ cho máy bay quân sự tiếp cận Đài Loan, đồng thời tuyên bố chủ quyền trên các đảo ở Biển Đông là đáng lo ngại.
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, ông Tập đã chuyển thông điệp tới ông Michel rằng, giữa Trung Quốc và EU cần giải quyết những khác biệt, tăng cường hợp tác chiến lược, thúc đẩy quan hệ song phương “lành mạnh và ổn định”.
Kể từ khi COVID-19 bùng nổ tới nay, EU và Trung Quốc đã không tổ chức bất kỳ hội nghị thượng đỉnh chính thức nào. Cuộc họp cuối cùng của EU-Trung Quốc là một cuộc họp trực tuyến vào ngày 30/12/2020.
Kể từ đầu năm tới nay, khi cộng đồng quốc tế tiếp tục chú ý nhiều hơn đến các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ ở Tân Cương và Hồng Kông, quan hệ giữa EU-Trung Quốc ngày càng suy yếu. Khi EU tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quan chức đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ngay lập tức ĐCSTQ cũng sử dụng các chế tài trừng phạt trả đũa đối với những nhà ngoại giao châu Âu, Nghị viện châu Âu và nhân viên của tổ chức tư vấn. ĐCSTQ đã kích động chủ nghĩa dân tộc trong nước của Trung Quốc để tẩy chay các công ty châu Âu. Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) giữa EU và Trung Quốc kể từ đó đã bị đóng băng.
Hôm 13/10, Thủ tướng Đức Merkel và ông Tập đã tổ chức cuộc họp trực tuyến “cáo biệt”. Hai bên đã thảo luận về một số chủ đề bao gồm khí hậu, dịch bệnh, thỏa thuận đầu tư giữa EU-Trung Quốc đang bế tắc và vấn đề nhân quyền của Trung Quốc v.v.. Sau đó Tân Hoa Xã (hãng thông tấn chính thức của ĐCSTQ) đã đưa tin về cuộc họp, nhưng không đề cập đến hai chủ đề là Hiệp định Đầu tư giữa EU-Trung Quốc và vấn đề nhân quyền.
EU cũng đã xây dựng chiến lược của riêng mình để tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhằm tăng cường đối trọng với ĐCSTQ ở khu vực này. EU đã công bố một thông cáo chung về chiến lược hợp tác của EU ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương vào ngày 16/9. Thông cáo cho biết, EU sẽ tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua triển khai kinh tế, thương mại, hải quân. Đồng thời cũng đề cập rõ ràng rằng EU sẽ tìm cách thiết lập quan hệ thương mại và đầu tư sâu rộng với Đài Loan.
Đại diện Cấp cao về Ngoại giao của EU kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Josep Borrell cho biết: “Cho dù nhìn từ quan điểm địa kinh tế hay địa chính trị, trọng tâm của thế giới đang dịch chuyển sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tương lai của EU và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có mối liên hệ mật thiết với nhau”.
“EU là nhà đầu tư hàng đầu, đối tác phát triển hàng đầu và là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sự tham gia của chúng tôi nhằm mục đích duy trì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở cho tất cả mọi người. Đồng thời thiết lập quan hệ đối tác lâu dài và bền vững để hợp tác trong các vấn đề từ chuyển đổi xanh, quản trị đại dương hoặc chương trình nghị sự kỹ thuật số đến an ninh và quốc phòng”.