Share

Mỹ lập liên minh đối phó Trung Quốc

Cùng với Anh và Úc, Mỹ đang thiết lập liên minh an ninh mới ở Ấn Ðộ Dương – Thái Bình Dương trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực này ngày càng tăng.

Thông tin trên được công bố trong cuộc họp trực tuyến hôm 15-9 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Úc Scott Morrison và nhà lãnh đạo Anh Boris Johnson. Liên minh mới có tên gọi AUKUS, dự kiến là nền tảng chia sẻ dữ liệu giữa 3 nước trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và quốc phòng, đặc biệt năng lực phòng thủ dưới nước và trong không gian mạng.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thống Biden nhấn mạnh sự cấp thiết để đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực Ấn Ðộ Dương – Thái Bình Dương về lâu dài. Trong đó, sự hình thành và phát triển liên minh mới phản ánh xu hướng các đối tác châu Âu đóng vai trò lớn hơn trong khu vực. Nhất trí với lãnh đạo Mỹ, Thủ tướng Morrison cho biết đã đến lúc 3 nước nâng cấp quan hệ đối tác lên tầm cao mới, đáp ứng môi trường an ninh ngày càng phức tạp. Về phần mình, Thủ tướng Johnson nói rằng khuôn khổ hợp tác AUKUS cho phép 3 nền dân chủ hàng hải nói tiếng Anh tăng cường hơn nữa quan hệ và chung tay duy trì sự ổn định, an ninh tại một trong những khu vực ngày càng quan trọng đối với chiến lược toàn cầu.

Hiệu ứng răn đe

Thông báo thành lập AUKUS được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ, Anh và Úc với Trung Quốc ngày càng xấu đi. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Mỹ khẳng định liên minh mới không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Cả 3 nhà lãnh đạo trong cuộc họp cũng không ai đề cập trực tiếp tới Bắc Kinh, nhưng giới quan sát dự đoán diễn biến này nhất định chọc giận cường quốc châu Á. Trong tuyên bố phản hồi, đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cho rằng các quốc gia nên “rũ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và định kiến về ý thức hệ”, đặc biệt việc lập liên minh nhằm “loại trừ hoặc gây tổn hại” lợi ích của bên thứ 3 là hành động không nên có.

Theo giới phân tích, Mỹ bắt tay với đồng minh trong bối cảnh cạnh tranh là không mới. Nhưng kế hoạch của Washington hỗ trợ Canberra phát triển tàu ngầm hạt nhân chắc chắn khiến Trung Quốc quan tâm khi Mỹ đến nay chỉ chia sẻ công nghệ hạt nhân với Anh. Dự kiến trong 18 tháng tới, đại diện 3 nước sẽ quyết định cách thức nâng cấp và đóng mới tàu ngầm cho Úc. Tiết lộ với Hãng tin AFP, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết tàu ngầm thế hệ mới sở hữu các đặc tính vượt trội về chức năng tàng hình, tốc độ, độ bền, khả năng cơ động và sống sót. Kể cả không mang vũ khí hạt nhân, các phương tiện này vẫn cho phép Úc tương tác sâu rộng với cơ sở hạ tầng hạt nhân của đồng minh cũng như tăng cấp độ răn đe. Theo cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Matt Pottinger, đây là bước đi quan trọng đối với Washington và các đồng minh trên mặt trận quân sự lẫn ngoại giao.

“Mếch lòng” đồng minh khác

Thông tin Úc mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ khiến Pháp không hài lòng. Năm 2016, nhà thầu quốc phòng Pháp DCNS đã vượt qua đối thủ Nhật Bản và Ðức để giành hợp đồng đóng tàu ngầm diesel/điện cho Canberra trị giá hàng chục tỉ USD. Hôm 15-9, Thủ tướng Morrison xác nhận hủy dự án do nhu cầu an ninh thay đổi.

Trong nỗ lực xoa dịu Paris, Tổng thống Biden khẳng định Pháp cũng là một trong những “đối tác và đồng minh quan trọng” ở Ấn Ðộ Dương – Thái Bình Dương. Song, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly nói rõ họ không thể chấp nhận việc Mỹ loại trừ một đồng minh và đối tác châu Âu như Pháp khỏi quan hệ hợp tác với Úc vào thời điểm Paris cũng đang đối mặt với những thách thức chưa từng có ở Ấn Ðộ Dương – Thái Bình Dương.

Bị loại khỏi liên minh mới còn có New Zealand, quốc gia láng giềng của Úc ở Nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm 15-9 cho biết diễn biến trên không làm giảm mối quan hệ chặt chẽ giữa nước này với Mỹ, Anh, Úc và Canada vốn được củng cố thông qua thỏa thuận chia sẻ tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes).

Tuy lấy trọng tâm hỗ trợ Úc phát triển hạm đội tàu ngầm hạt nhân, nhưng AUKUS cũng được coi là bước đi trấn an về nỗ lực lớn hơn của Washington nhằm duy trì hiện diện cùng khả năng răn đe ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương giữa thời điểm Trung Quốc liên tục thách thức sự thống trị của quân đội Mỹ trên khắp châu Á. Tuần tới, Tổng thống Biden dự kiến tiếp tục gặp gỡ lãnh đạo các nước thành viên nhóm “Bộ tứ” (gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản) tại Nhà Trắng như một phần trong chiến lược tập hợp đồng minh đối phó Trung Quốc.

 

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *