Share

Nóng: Giá vàng đang tiến dần tới mốc 82 triệu đồng/lượng

Giá vàng càng về chiều càng tăng. Nếu như sáng nay, giá bán ra lập kỷ lục 81,3 triệu đồng/lượng thì phiên chiều đã tăng lên 81,8 triệu đồng – còn cách 200.000 đồng là chạm ngưỡng 82 triệu đồng.



14h20 phút chiều 7/3, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 79,8-81,8 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 800.000 đồng mỗi chiều so với giá mở phiên cùng ngày.

Vàng nhẫn tiếp tục có kỷ lục mới, niêm yết tại 66,85-68,1 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng ở chiều bán ra.

Vàng trong nước tăng đồng pha theo giá vàng thế giới. Tính đến 14h40 phút, giá vàng quốc tế đạt mốc 2.154 USD/ounce, trước đó có thời điểm đạt đỉnh 2.161 USD/ounce.



Phiên ngày 6/3 trước đó, giá vàng nhảy múa loạn xạ. Trong phiên này, các “nhà vàng” có đến 13 lần điều chỉnh giá, bước giá mỗi lần điều chỉnh trung bình từ 100.000 đến 200.000 đồng/lượng.

Bảo Tín Mạnh Hải hiện niêm yết giá vàng miếng 79,05-81,1 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn được doanh nghiệp này niêm yết tại 67,43-68,83 triệu đồng/lượng (mua – bán). 

Một số sản phẩm của doanh nghiệp (Ảnh: Bảo Tín Mạnh Hải).


Trên thị trường quốc tế, giá vàng đạt 2.147,6 USD, tăng 19 USD so với giá mở phiên 6/3. Trong phiên trước đó, có thời điểm vàng thế giới vượt mức 2.151 USD. Giá thế giới đang rẻ hơn trong nước 16,7 triệu đồng/lượng với vàng miếng và 3,5 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn.

Khoảng cách giữa giá vàng quốc tế và trong nước thu hẹp trong bối cảnh giá vàng thế giới đạt mức đỉnh kỷ lục. Kỷ lục cũ xác lập vào tháng 12/2023 tại mức 2.135 USD/ounce.

Theo Reuters, Bart Melek – Giám đốc Chiến lược hàng hóa tại TD Securities – nhận định giá vàng tăng do nhà đầu tư ngày càng tin vào khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong tháng 6.



“Thị trường đặt cược ngày Fed giảm lãi suất đang đến gần. Điều này đã kéo vàng lên. Đến quý II, giá có thể vượt 2.300 USD một ounce”, ông Bart Melek dự báo.

Trong bài phát biểu hôm qua (6/3), Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định lạm phát nhanh và dữ liệu tuyển dụng mạnh mẽ của tháng 1 không làm thay đổi kỳ vọng rằng việc giảm lãi suất vào cuối năm nay là “có khả năng sẽ phù hợp”.

Tuy nhiên, Fed muốn có thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang chậm lại một cách bền vững về mốc 2%. Ông Powell lưu ý việc cắt giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào hướng đi của nền kinh tế.

Hôm nay (7/3), Chủ tịch Fed cũng sẽ tiếp tục có phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ. Nhà đầu tư sẽ theo sát diễn biến này để tìm manh mối về thời điểm Fed giảm lãi. Thứ Sáu này, Mỹ cũng sẽ nhận báo cáo việc làm tháng 2.

Theo công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch, nhà đầu tư hiện đặt cược khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 6 là 70%.



Chuyên gia phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Kitco Metals – đơn vị chuyên về dữ liệu kim loại – cho biết nếu con số lạm phát vẫn được kiểm soát, vàng sẽ có xu hướng tăng cao hơn.

Kịch bản lạm phát cao có lợi cho vàng bởi nó khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào Ngân hàng Trung ương, làm suy yếu đồng USD và khiến vàng trở thành tài sản hấp dẫn.

Giá USD tự do hạ nhiệt

USD Index – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn – lùi về mốc 103,3 điểm, giảm 0,4% so với trước đó nhưng tăng 1,91% so với đầu năm.



Tỷ giá trung tâm hôm nay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết tại 24.017 đồng/USD, không thay đổi so với trước đó. Với biên độ 5% hiện tại, giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép dao động từ 22.817 đồng đến 25.217 đồng.

Ngân hàng lớn niêm yết tỷ giá mua – bán là 24.490-24.860 đồng (mua – bán), giảm 20 đồng ở chiều bán ra. Tại ngân hàng cổ phần, giá là 24.480-24.950 đồng (mua – bán).

Trên thị trường tự do chiều nay giảm sâu, giá USD tại 25.280-25.350 đồng/USD, giảm 200 đồng ở chiều mua vào và giảm 270 đồng ở chiều bán ra so với hôm qua.



You may also like...