Tổng thống Biden kêu gọi truy tố những ai không tuân thủ trát hầu tòa về sự cố 06/01, DOJ tuyên bố vận hành độc lập
Hôm thứ Sáu (15/10), Bộ Tư pháp (DOJ) cho biết họ sẽ quyết định liệu có hành động chống lại những người không tuân thủ trát đòi hầu tòa từ một hội đồng quốc hội đang điều tra vụ xâm phạm Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 06/01 hay không.
“Bộ Tư pháp sẽ đưa ra quyết định độc lập của mình trong tất cả các vụ truy tố duy nhất chỉ dựa trên sự thật và luật pháp. Chỉ có vậy. Chấm hết”, một phát ngôn viên của DOJ nói với các hãng thông tấn trong một tuyên bố.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống (TT) Joe Biden đã nói với các phóng viên rằng ông muốn ủy ban quốc hội này và DOJ hành động nhằm vào những người đang né tránh trát hầu tòa.
“Tôi hy vọng rằng ủy ban sẽ theo sát họ và buộc họ phải chịu trách nhiệm”, ông Biden nói ở Hoa Thịnh Đốn.
“Tôi đồng ý, đúng vậy,” ông cho biết thêm khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng DOJ nên khởi tố hay không.
Trước đây, TT Biden đã từng cho hay DOJ sẽ hoạt động một cách độc lập dưới thời chính phủ của ông.
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki sau đó đã tìm cách làm rõ nhận xét trên của ông Biden, viết trên Twitter rằng tổng thống “ủng hộ công việc của ủy ban và vai trò độc lập của Bộ Tư pháp trong việc đưa ra bất kỳ quyết định nào về việc truy tố”.
Bài đăng này đã gây ra sự phản đối từ Dân biểu Greg Steube (Cộng Hòa-Florida), ông đã đáp lại bằng việc thắc mắc rằng liệu DOJ có buộc tội con trai của ông Biden là ông Hunter Biden, người đang bị điều tra vì cáo buộc gian lận thuế hay không.
“Thế còn hàng triệu người [nhập cư] bất hợp pháp băng qua biên giới phía nam của chúng ta thì sao? Chẳng có gì là độc lập về DOJ này cả. Họ phục vụ cánh tả và chỉ quan tâm đến việc điều tra những người theo phái bảo tồn truyền thống mà thôi”, ông Steube nói.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đã triệu tập một hội đồng vào đầu năm nay để điều tra vụ xâm phạm Điện Capitol sau khi các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện đã bác bỏ dự luật thành lập một ủy ban về [sự cố] ngày 06/01.
Hội đồng này chỉ có hai thành viên Đảng Cộng Hòa và cả hai trước đó đều đã bỏ phiếu để đàn hạch cựu TT Donald Trump.
Hội đồng này đã đưa ra một loạt trát đòi hầu tòa trong những tuần gần đây, bao gồm cả đối với các cựu quan chức chính phủ cựu TT Trump là ông Kash Patel, ông Mark Meadows và ông Steve Bannon.
Ông Patel và ông Meadows hiện đang hợp tác với ủy ban này để giải quyết nhưng ông Bannon “đã bày tỏ rằng ông sẽ cố gắng né tránh đằng sau những đề cập mơ hồ đến các đặc quyền của cựu tổng thống”, Chủ tịch Hội đồng Bennie Thompson (Dân Chủ-Mississippi) và Phó Chủ tịch Liz Cheney (Cộng Hòa-Wyoming) cho biết trong một tuyên bố chung vào tuần trước.
Họ nói thêm rằng họ sẽ “không cho phép bất kỳ nhân chứng nào không tuân thủ một trát đòi hầu tòa hợp pháp hoặc cố gắng câu giờ, và chúng tôi sẽ nhanh chóng cân nhắc việc tiến tới vấn đề coi thường mang tính hình sự đối với giấy triệu tập của Quốc hội”.
Ông Robert Costello, luật sư của ông Bannon, cho biết trong một lá thư mới đây gửi cho ủy ban này rằng ông Bannon từ chối tuân thủ vì lập luận của cựu TT Trump rằng ông có thể viện dẫn đặc quyền hành pháp để chặn lời khai của ông Bannon.
Ông Trump đã gửi một lá thư cho Cơ quan Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia vào hôm 08/10 khẳng định đặc quyền hành pháp đối với một số hồ sơ mà hội đồng này đang tìm kiếm.
Cùng ngày hôm đó, cố vấn Tòa Bạch Ốc Dana Remus đã nói với các cơ quan lưu trữ rằng việc ông Trump sử dụng đặc quyền “không phải là [hành động] vì lợi ích tốt nhất của Hoa Kỳ” và ông Biden đã khước từ đặc quyền này.
Hội đồng này của Hạ viện dự kiến sẽ bỏ phiếu vào thứ Ba (19/10) về việc phán xét ông Bannon vào tội bất tuân [lệnh] Quốc hội. Nếu được thông qua, biện pháp này sau đó sẽ được toàn thể Hạ viện bỏ phiếu. Đảng Dân Chủ nắm giữ Hạ viện với đa số mong manh. Nếu Hạ viện quy ông Bannon vào tội bất tuân, họ sẽ chuyển vụ việc này sang cho DOJ.
Ông Zachary Stieber phụ trách mảng tin tức Hoa Kỳ, bao gồm cả tin tức chính trị và các vụ kiện ở Hoa Kỳ. Ông bắt đầu làm việc cho The Epoch Times với vai trò là một phóng viên đưa tin về thành phố New York.