Share

Chuyên gia ngoại giao: Liên minh AUKUS buộc Pháp và châu Âu từ bỏ thái độ lập lờ với Bắc Kinh

Theo một chuyên gia ngoại giao, sự không hài lòng của Pháp đối với hiệp ước 3 bên AUKUS không phải chỉ vì dự án tàu ngầm trị giá 90 tỷ USD bị hủy bỏ giữa Pháp và Úc.

Thay vào đó, thỏa thuận 3 bên AUKUS – bao gồm Úc (Au), Anh (UK) và Mỹ (US) – thể hiện một bước tiến quan trọng trong việc chống lại Bắc Kinh. Sự phản đối này có thể gây bất ổn cho các nỗ lực của Pháp và châu Âu nhằm duy trì “quyền tự chủ chiến lược” đối với chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Trao đổi với Sky News Australia hôm 20/9, trợ giảng Joseph Siracusa về ngoại giao quốc tế tại Đại học Curtin nhận định: “Người Pháp rất tức giận, không chỉ về [thương vụ] tàu ngầm. Họ đã cố gắng tránh phải lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh. Họ muốn ‘quyền tự chủ chiến lược’ của riêng họ”.

Ông giải thích: “Châu Âu nghĩ rằng họ có thể đóng vai người môi giới trung thực giữa Washington và Bắc Kinh, sau đó một buổi sáng thức dậy và phát hiện ra rằng Hoa Kỳ, Anh và Úc đã gắn bó với nhau bằng thỏa thuận hỗ trợ hạt nhân này, và tất nhiên, điều đó buộc Châu Âu phải đưa ra quyết định mà nó không muốn đưa ra”.

Ông Siracusa nhấn mạnh, việc nhà thầu Pháp Naval Group bị mất chương trình Tàu ngầm Tương lai trị giá 90 tỷ USD chỉ là một “giọt nước tràn ly” đối với một quốc gia như Pháp, chứ không phải là nguồn cơn thực sự của cơn thịnh nộ.

Úc đã giao cho Tập đoàn Hải quân của Pháp là Naval Group để sửa đổi và trang bị lại tàu ngầm hạt nhân lớp Barracuda của mình thành một mẫu chạy bằng điện-diesel. Tuy nhiên, chương trình đã bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ liên tục và mức gia tăng chi phí đột biến, khiến tiến độ giao hàng bị đẩy lùi.

Trợ giảng Siracusa lập luận: “Tôi nghĩ đó là lựa chọn duy nhất (đối với Úc) vì người Pháp sẽ không làm phiền hoặc chọc tức Bắc Kinh một cách không cần thiết. Họ muốn các quan hệ [vì] thương mại, kinh tế và đầu tư”. Các nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã tuân theo chính sách “tự chủ chiến lược” trong những năm gần đây. Họ ưu tiên việc tập trung vào các lợi ích chính sách đối ngoại của riêng mình và các mối đe dọa trong khu vực.

Kết quả là, Liên minh châu Âu (EU) đã gửi “tín hiệu trái ngược” về mối quan hệ của họ với Bắc Kinh, với một báo cáo tháng Tám của Rabobank tuyên bố: “EU vẫn không có ý định cắt đứt với Trung Quốc, hoặc thậm chí chứng minh rằng họ có một sự thống nhất và chiến lược nhất quán đối với Bắc Kinh”. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của EU. Về nguyên tắc, vào tháng 12/2020, Hiệp định Toàn diện về Đầu tư mà Liên minh này đã ký kết với Trung Quốc rất có thể là một thỏa thuận thương mại đầy tham vọng giữa hai thế lực này. Hoa Kỳ đã phản đối gay gắt thương vụ ký kết kể trên.

Tuy nhiên, việc phê chuẩn thỏa thuận đã trở nên khó khăn trong những tháng gần đây, khi lập trường của EU về Trung Quốc dần thay đổi, với việc khối này cùng với Mỹ, Anh và Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 quan chức ĐCSTQ có liên quan đến vụ diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, cũng như lên án những cuộc tấn công mạng của Bắc Kinh.

Các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hiện đang phải đối mặt với ma trận mối đe dọa hoàn toàn khác từ chế độ ĐCSTQ. Các nước này đã áp dụng một lập trường cứng rắn hơn và công khai hơn chống lại thái độ hung hăng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.

Ông Siracusa nhấn mạnh rằng, biện pháp răn đe thực sự hiệu quả duy nhất đối với hải quân Trung Quốc là tấn công tàu ngầm. Ông nói: “Giờ đây, Úc sẽ có khả năng đánh chìm hải quân Trung Quốc trong 72 giờ; đó là tất cả về vấn đề này”. Vị trợ giảng còn bổ sung rằng: “Người Trung Quốc biết rằng họ đã bị vượt mặt, và họ rất tức giận. Vì vậy, trong một khoảng thời gian rất ngắn, Úc đã từ một tấm thảm chùi chân trở thành một thứ rất đáng kể — đó là một sự phát triển phi thường”.

Động thái này sẽ khiến Úc trở thành một trong những quốc gia duy nhất trên thế giới – ngoài Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp, Ấn Độ – vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, mặc dù là một cường quốc phi hạt nhân.

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nhấn mạnh, việc chia sẻ công nghệ đẩy hạt nhân của Hoa Kỳ và sự tham gia với một quốc gia khác ở cấp độ này là “hiếm khi xảy ra”. Liên quan đến động thái chia sẻ công nghệ với Vương quốc Anh năm 1958, phát biểu trước các phóng viên vào ngày 16/9, quan chức này nói: “Chúng tôi đã chỉ làm điều này một lần trước đây, như tôi đã chỉ ra. Đó là gần 70 năm trước với Vương quốc Anh”.

Người này nói rõ: “Công nghệ này cực kỳ nhạy cảm. Thành thật mà nói, đây là một ngoại lệ đối với chính sách của chúng tôi ở nhiều khía cạnh. Tôi không dự đoán rằng điều này sẽ được thực hiện trong các trường hợp khác trong tương lai. Chúng tôi xem đây là một lần duy nhất”.

NGUỒN: https://www.ntdvn.com/the-gioi/chuyen-gia-ngoai-giao-lien-minh-aukus-buoc-phap-va-chau-au-tu-bo-thai-do-lap-lo-voi-bac-kinh-251325.html

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *