Share

Kim Jong-un bóng gió nói đến ‘thời kỳ gian khổ’, dấy lên nỗi lo sợ về nạn đói

Việc Kim thừa nhận tình trạng nghèo khổ đang gia tăng cuối tháng trước là lần thừa nhận công khai thứ ba trong năm nay, bao gồm lần thừa nhận từ tháng 6 rằng tình hình lương thực của đất nước “đang trở nên căng thẳng”. Vào tháng Tư, nhà độc tài nói với các quan chức chuẩn bị cho một “cuộc hành quân gian khổ” khác, thuật ngữ được dùng để mô tả nạn đói kéo dài trong những năm 1990, ước tính đã cướp đi sinh mệnh của từ 240.000 đến 3,5 triệu người.

Ông Dan Chung, giám đốc điều hành tổ chức Crossing Borders, một nhóm viện trợ Công giáo có trụ sở tại Mỹ hoạt động cùng những người tị nạn Triều Tiên, nói “Việc Kim Jong-un nói rằng tình hình đang trở nên tồi tệ khiến tôi thấy rằng sự việc [thật sự] ở Triều Tiên là rất kinh khủng. Trong nạn đói cuối những năm 90, Triều Tiên đã đưa ra những dấu hiệu rằng đất nước đang gặp khó khăn. Bản chất của Triều Tiên là khoa trương và khoác lác, nên nếu họ thú nhận họ đang gặp khó khăn, điều này là thật.”

Tim Peter, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Những cánh tay giúp đỡ Triều Tiên (Helping Hands Korea) có trụ sở tại Seoul, nói rằng nhận xét của Kim có ý  ám chỉ “tác động to lớn” của đại dịch và những hạn chế liên quan mà nước này đang tiến hành.

“Chúng tôi hiếm khi đồng ý với Kim Jong-un nhưng lời thú nhận như vậy [của Kim] trùng hợp với tất cả các dấu hiệu mà tổ chức phi chính phủ của chúng tôi có về cuộc khủng hoảng hết sức phức tạp mà đại dịch đã gây ra cho cơ sở hạ tầng già cỗi, dễ đứt gãy trên mọi cấp độ của CHDCND Triều Tiên,” ông Peter nói. 

Bình Nhưỡng đã đóng cửa biên giới của đất nước kể từ tháng 1 năm ngoái như một phần của các biện pháp ngăn chặn đại dịch, đồng thời giảm đáng kể việc đi lại và buôn bán qua biên giới với Trung Quốc – đồng minh và đối tác thương mại chính của họ. Thương mại với các nước láng giềng rớt xuống mức thấp kỷ lục trong sáu tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tới Trung Quốc giảm hơn 85% xuống 56,77 triệu đôla, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc. 

An ninh lương thực của Bắc Triều Tiện càng  trầm trọng thêm do thời tiết khắc nghiệt, gồm cả hạn hán và bão, trong khi các lệnh trừng phạt của quốc tế nhằm vào chương trình hạt nhân và tên lửa bất hợp pháp của chế độ Kim vẫn đang tiếp diễn.

Hồi tháng Bảy, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc dự đoán miền Bắc đã phải vật lộn với tình trạng suy dinh dưỡng kinh niên nhiều thập kỷ, có thể đang đối mặt với việc thiếu khoảng 860.000 tấn lương thực trong năm nay.

Tuần trước, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc ước tính tổng sản phẩm quốc nội của đất nước bị cô lập này năm ngoái đã giảm 4,5%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1997.

Báo cáo cho thấy GDP đã giảm xuống còn 31,4 tỷ won (27,4 tỷ đôla), giảm so với 33,8 tỷ won trong năm lãnh đạo đầu tiên của Kim, trong khi xuất khẩu giảm 67,9% chỉ còn 90 triệu đôla.

Bắc Hàn đã chính thức tuyên bố rằng không có trường hợp nhiễm COVID-19 nào trong suốt đại dịch, một kỷ lục khiến nhiều nhà quan sát nghi ngờ, dù hồi tháng 6 Kim đã trừng phạt các quan chức về một “vụ việc nghiêm trọng” không được nêu rõ liên quan đến virus. Bình Nhưỡng cũng không vội vàng với việc tiêm chủng cho 25 triệu dân, cũng không đưa ra bất cứ số liệu công khai nào về việc tiêm chủng.

Việc có một một bức tranh rõ ràng về tình hình Triều Tiên trở nên khó khăn hơn khi các nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ nước ngoài di tản do nước này thiếu các hàng hóa thiết yếu cùng với các hạn chế đi lại trong nước nghiêm ngặt. 

Peter nói ông đã nhận được các báo cáo từ nhiều nguồn tin trong nước cho thấy một thảm họa nhân đạo “cực kỳ nghiêm trọng” đang diễn ra, bao gồm thông tin về các trại cách ly khẩn cấp chỉ được cung cấp lương thực ở mức tối thiểu và việc lính gác có vũ trang đóng quân quanh các cánh đồng gạo và ngô.

“Mỗi dấu hiệu tôi nghe thấy đến nay đều chỉ ra sự căng thẳng cực lớn đối với người dân Triều Tiên do những tác động trực tiếp và gián tiếp của đại dịch kéo dài,” ông Peter nói, bổ sung rằng tất cả các kênh chuyển viện trợ đã bị chặn từ cuối 2020 và đầu 2021.

Peter nói ông tin rằng có khả năng “rất cao” COVID-19 đã lan rộng trong nước mặc cho chính quyền phủ nhận. Đây là một mối lo lớn do Triều Tiên chỉ có hệ thống y tế ọp ẹp và dân số bị suy giảm khả năng miễn dịch, vì tình trạng suy dinh dưỡng lan rộng.

Greg Scarlatoiu, giám đốc điều hành của Uỷ ban vì Nhân quyền tại Triều Tiên, cho biết những người chạy trốn khỏi Triều Tiên có các mối liên hệ trong nước đã nói về sự gia tăng rõ ràng các bệnh đường hô hấp.

“Đây là bằng chứng chính xác được cung cấp qua truyền khẩu,” ông Scarlatoiu nói. “Thật khó tin rằng không có ca bệnh COVID-19 nào ở Triều Tiên. Một phần của nguyên nhân có thể là do thiếu các bộ dụng cụ xét nghiệm. Đồng thời, chế độ Triều Tiên giải quyết COVID-19 chủ yếu như một vấn đề tuyên truyền chính trị, chứ không phải là vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Hậu quả có thể rất nặng nề.” 

Ông Scarlatoiu nói việc tiếp cận đất nước hiện tại vẫn “gần như không thể.”

“Không có dấu hiệu nào cho thấy khi nào các tổ chức phi chính phủ nhân đạo của nước ngoài có thể hoạt động trở lại,” ông nói.

Chung, người đứng đầu tổ chức Crossing Borders, cho rằng cộng đồng quốc tế cần hành động ngay lập tức để ngăn chặn một thảm họa nhân đạo tiềm tàng. 

“Nếu thế giới chờ đợi xác minh rằng đây là điều thực sự xác thật, thì có thể là đã quá muộn và hàng chục nghìn người có thể đã mất đi sinh mạng,” ông nói.

Ngân Hà (theo SCMP) Trí Thức VN.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *