43 quốc gia ra tuyên bố chung kêu gọi ĐCSTQ tôn trọng nhân quyền ở Tân Cương
Hôm thứ Năm (ngày 21/10), tại Hội nghị truyền hình đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc, Nicolas De Riviere đã đọc tuyên bố chung của 43 quốc gia cho biết, tình hình nhân quyền ở Tân Cương rất đáng lo ngại.
AFP đưa tin, tại hội nghị, Đại sứ Pháp Nicolas đại diện cho tiếng nói chung của hơn 40 quốc gia phát biểu, họ kêu gọi Trung Quốc cho phép các quan sát viên độc lập, bao gồm Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, “được đến Tân Cương ngay lập tức và không bị cản trở”. Ông Nicolas nói rằng, các nước đang “cực kỳ lo ngại” về tình hình ở khu tự trị Tân Cương. Ông dẫn chứng “ở Tân Cương có một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tùy tiện tại các cơ sở cải tạo chính trị”.
43 quốc gia đã ký tuyên bố chung bao gồm Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước Châu Á. Tuyên bố cho biết, đã có những vụ tra tấn, đối xử tàn bạo và vô nhân đạo, cưỡng bức triệt sản, bạo lực tình dục và ép buộc tách trẻ em [khỏi cha mẹ] đối với những người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương.
Trương Quân (Zhang Jun), Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, lên án tuyên bố là “dối trá” và “âm mưu làm hại Trung Quốc”, đồng thời bác bỏ tuyên bố này là “cáo buộc vô căn cứ”. Ông nói, “Tân Cương đang phát triển, và người dân tự hào về những tiến bộ đạt được mỗi ngày”.
Bất chấp các phản bác của phía Tân Cương, ngày càng nhiều nhân chứng bước ra kể về trải nghiệm của họ khi bị tra tấn và cải tạo giáo dục ở Tân Cương. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp cho đến chính phủ các nước cũng lên án, tẩy chay các sản phẩm cưỡng bức lao động ở Tân Cương và gọi cuộc đàn áp của ĐCSTQ với người Duy Ngô Nhĩ là “tội diệt chủng”.
Vào năm 2019 và 2020, các tuyên bố chung về nhân quyền ở Tân Cương lần lượt được ký và ban hành dưới sự bảo trợ của Vương quốc Anh và Đức. Số lượng các quốc gia ủng hộ tuyên bố chung đã tăng từ 23 trong năm 2019 lên 43 trong năm nay, cho thấy các quốc gia đang ngày càng chú ý đến vấn đề đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ.