Share

So sánh gây sốc giữa Việt Nam và Thái Lan của du khách Mỹ

Zak Cadogan, du khách người Mỹ đang sinh sống ở Bangkok, Thái Lan vừa du lịch đến Việt Nam ngay trước Tết Nguyên đán. Trên tài khoản Tik Tok hơn 1 triệu người thích của mình, anh chia sẻ cảm nhận về hành trình Việt Nam đầy thú vị nhưng chỉ vì một ‘hạt sạn’ đã phá hủy cảm xúc…



Đó là video về những người buôn bán hàng rong chèo kéo, đeo bám du khách ở Sa Pa, Lào Cai, nơi anh đặt chân đến vào những ngày cuối tháng 1 vừa qua. Video thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và nhiều bình luận đồng tình. Dưới đây là nguyên văn chia sẻ của Zak:

Tôi rời Mỹ đến sống ở Bangkok lúc 18 tuổi và coi nơi này là nhà. Tôi làm video này khi đang ngồi trong một khách sạn ở Việt Nam và thật điên rồ khi nghĩ về Thái Lan, về căn hộ của mình ở Bangkok và rất muốn quay về bởi những thứ xảy ra ở đây khiến tại sao tôi không thích Việt Nam nhiều. Tôi sẽ không đánh giá mọi người hoặc cả nước Việt Nam nhưng không ít người ở một vài thành phố giống như họ ra đường cố gắng và bằng mọi cách bán cho du khách những thứ không chất lượng, không tốt đẹp.



Zak ca ngợi Sa Pa là điểm đến tuyệt vời nhưng những người bán hàng rong có thể phá hủy cảm nhận đó

Đây là thành phố thứ 3 tôi đến ở Việt Nam, vì vậy tôi cho rằng mình có cơ sở để nhận xét về những thứ mình muốn chia sẻ. Ở Hội An và Sa Pa, mọi người chèo kéo du khách với bất cứ thứ gì họ đang bán và luôn miệng chào mời mua đồ, theo chân du khách trong suốt 5 tới 10 phút. Đó là một trải nghiệm thực sự kỳ lạ bởi vì rõ ràng bạn đang liên tục trả lời “Không, không, không” và điều đó khiến bạn cảm thấy tồi tệ khi nói không với điều gì đấy mà mình thậm chí không muốn.



Tôi đã nghe nhiều du khách nói về vấn đề này tại quán cà phê vì cảm giác từ chối khiến chúng tôi cảm thấy tồi tệ với những người đang miệt mài bán hàng, làm việc để kiếm tiền. Tuy nhiên, trong thực tế, họ cũng đang quấy rầy du khách.

Ở Thái Lan, không có chuyện buôn bán chèo kéo như thế này xảy ra. Người dân cũng chào mời bạn mua đồ, đi taxi nhưng không quấy rầy hoặc gây áp lực cho du khách. Và đó là điều tuyệt vời khiến tôi cũng như những du khách khác yêu thích đất nước này.

Để tôi kể vài thứ đã xảy ra với tôi trong hành trình ở Việt Nam.



Bắt đầu bằng Sa Pa, cô gái bán hàng đã theo tôi khoảng 2 – 3 phút dù tôi luôn trả lời “Không, cảm ơn” và cũng tỏ ra không hứng thú với việc mua đồ. Và ngày hôm sau, tôi đi bộ, cô gái nhìn thấy tôi và nói “Tôi thấy anh ngày hôm qua, anh không mua đồ cho tôi nên hôm nay nhất định anh phải mua”. Đó là những món đồ lưu niệm, những chiếc ví và tôi cũng phải trả lời liên tục “Không, cảm ơn” giống như một lời xin lỗi. Thế mà, cô cũng bám theo tôi trong 10 phút. Tôi thậm chí không đùa giỡn và luôn cố gắng đi thật nhanh như trốn chạy khỏi cô ấy nhưng cô luôn theo kịp phía sau và thỉnh thoảng tiến lên trước mặt.

Đi bộ trên phố Sa Pa cũng căng thẳng do bạn đi xuống lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm, phải rất tập trung nhưng sau khi tôi không mua đồ, cô gái còn hét vào mặt: “Anh không phải người tốt. Anh không mua đồ cho tôi”. Tôi không biết những du khách khác đối phó với việc này như thế nào và trong thực tế, tôi cũng thấy nhiều du khách bị đeo bám giống vậy. Nhưng họ không hề trả lời một tiếng nào, cứ thế lướt qua.

Tuy nhiên, tôi cảm thấy thật tệ khi phớt lờ mọi người vì tất cả chúng ta đều là con người, tại sao chúng ta lại phớt lờ họ. Nhưng nếu trả lời, tôi lại bị quấy rầy. Nói tóm lại, trải nghiệm du lịch ở Việt Nam của tôi không giống như Thái Lan.

“Đoàn quân” phụ nữ và trẻ em đeo bám du khách để bán hàng ở Sa Pa


Tôi tới Sa Pa vào sáng sớm 30.1 và ngay lập tức yêu điểm đến này dù trời rất lạnh. Đây là một trong những điểm đến tôi yêu thích nhất trên thế giới. Tôi ở Bangkok qua, không chuẩn bị nhiều áo ấm, trong màn sương mù buổi sáng lạnh lẽo, nhưng khung cảnh tuyệt đẹp khiến tôi quên đi tất cả. Sa Pa khiến tôi nhớ đến những khu phố ở Nhật Bản. Sa Pa cũng giống một thị trấn ở châu Âu, khi chúng ta có cảm giác như mình sống ở trên mây. Ngoài ra, giá phòng hay đồ ăn thức uống ở Sa Pa rất rẻ và du khách hãy giành thời gian ghé thăm thị xã trên núi cao này.

Nhiều người đồng cảm với chia sẻ của Zak. Có người còn cho biết, họ đến Sa Pa vào 3 giờ sáng nhưng đã có những phụ nữ đứng chờ sẵn ở cửa xe buýt để bán hàng…

Ngoài Sa Pa, Zak cũng đặt chân đến Hội An, đi thuyền thúng ở rừng dừa Bảy Mẫu, tới Đà Nẵng check-in Cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà, thăm Hà Nội và uống cà phê ở phố đường tàu, đi xe giường nằm từ Hà Nội lên Sa Pa… Cảm nhận chung của anh là rất thích các điểm đến này, chỉ không hài lòng với việc bán hàng rong trên phố.

Vấn đề hàng rong chèo kéo từ lâu gây phiền toái cho du khách. Cũng trên Tik Tok, nhiều du khách phàn nàn chuyện này. Cô gái người Úc đi du lịch vòng quanh thế giới có nick name “The Girl Travels” cho biết mình đã du lịch ba lô ở Việt Nam và có một số lý do để không quay lại, trong đó có chuyện những em bé, phụ nữ đeo bám bán hàng ở Sa Pa. “Họ không chỉ bám theo mà còn chạy theo trong suốt đoạn đường dài. Nhiều du khách cũng có cùng trải nghiệm với tôi. Tuy nhiên, nếu quay lại Việt Nam, nơi duy nhất tôi muốn đó là Hội An. Tôi thích bãi biển ở nơi này và những con người thân thiện”.



You may also like...