Cựu bác sĩ phẫu thuật chạy trốn khỏi Trung Quốc, tiết lộ bí mật tội ác chấn động
Bộ phim truyền hình “Trò chơi con mực” (Squid Game) cho thấy các bác sĩ và nhân viên trò chơi cấu kết với nhau để thu hoạch và bán nội tạng của các thí sinh. Và trên thực tế, “trò chơi” này cũng đang diễn ra chân thực trong giới y tế Trung Quốc.
Gần đây, bác sĩ phẫu thuật Lạc Thành (hóa danh) đã trốn khỏi Trung Quốc đại lục, ông đã bị trục xuất khỏi bệnh viện vì đã điều tra và thu thập bằng chứng về việc cấy ghép nội tạng bất hợp pháp ở nước này.
Vào ngày 24 tháng 11, ông đã nhận lời phỏng vấn độc quyền với Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV) và nói về trải nghiệm điều tra cá nhân của mình.
Hiện tại, tất cả tài liệu thu được từ cuộc điều tra của Lạc Thành ở đại lục đã được giao cho các đơn vị liên quan, sau khi hoàn thành điều tra và được đồng ý công khai tư liệu, sẽ được công bố trên Epoch Times.
Suýt tham gia vào một cuộc cấy ghép nội tạng phi pháp
Năm 2017, Lạc Thành xem bộ phim nhân quyền “Thu hoạch sống: Mười năm điều tra” qua mạng Internet, đây là lần đầu tiên ông biết về nạn cấy ghép nội tạng bất hợp pháp ở đại lục. Ông rất sốc và không thể tin được, vì bản thân ông cũng “suýt” dính vào một ca cấy ghép tạng tương tự.
Vào thời điểm đó, do không đủ nhân lực, Lạc Thành tạm thời được sắp xếp để tham gia cuộc phẫu thuật, nhưng sau đó nó đã bị hủy bỏ do các yếu tố khác.
Ông nói:
“Giả sử bệnh nhân mà tôi cấy ghép là lấy nội tạng từ việc thu hoạch bất hợp pháp. Như vậy, chẳng phải tôi cũng chính là giết hại một mạng người? Thật may là tôi đã không tham gia. Chuyện này khiến tôi rất sợ hãi”.
Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên truyền rằng nguồn nội tạng cấy ghép chủ yếu là từ hiến tặng sau khi chết, các tử tù và một số người thân hiến tặng để cấy ghép.
Tuy nhiên, theo kiến thức chuyên môn của Lạc Thành, hầu hết các trường hợp cấy ghép từ tạng của người thân rất khó ghép thành công, hơn nữa người Trung Quốc có quan niệm truyền thống là giữ toàn thây sau khi chết, cho nên rất ít người hiến tạng sau khi chết.
Do đó, ngay cả khi có dữ liệu công khai của ĐCSTQ về các tử tù, thời gian chờ ghép tạng tại Trung Quốc ít hơn rất nhiều so với thực tế ở các nước phát triển phương Tây, khiến mọi người cảm thấy trùng điệp mối nghi ngờ.
Lạc Thành có một người bạn bác sĩ là người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Hai người thường trò chuyện về một số vấn đề chính trị “nhạy cảm”. Người kia nói với Lạc Thành rằng thực sự có trại tập trung ở Tân Cương, và bạn bè của ông cũng bị giam trong trại tập trung này vì họ có tín ngưỡng Hồi giáo hoặc bất đồng chính kiến. Người bạn này cũng thừa nhận việc ĐCSTQ mổ cướp nội tạng từ người Duy Ngô Nhĩ và một số tù nhân không phải tử tù, nhưng vì sợ hãi, ông đã không tiết lộ thêm thông tin.
Kẻ hành ác phải bị trừng phạt, bắt đầu điều tra và thu thập bằng chứng
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Đức và Nhật Bản lúc rút quân đã tiêu hủy rất nhiều bằng chứng thí nghiệm khoa học vô nhân đạo và phản nhân loại. Kết quả là, tại tòa án nhân quyền, nhiều tội phạm chiến tranh đã không chấp nhận hình phạt mà họ đáng phải chịu. Bởi vậy, Lạc Thành hy vọng có thể lưu giữ bằng chứng về các ca cấy ghép nội tạng bất hợp pháp trong bệnh viện, để đến một ngày nào đó, sau khi ĐCSTQ tan rã, nó có thể được sử dụng để truy tố và có chế tài pháp luật đối với thủ phạm.
Lạc Thành đã lợi dụng chức vụ bác sĩ của mình, bắt đầu bí mật điều tra nội tình những cuộc cấy ghép nội tạng phi pháp này.
Mặc dù không cách nào tra được nguồn gốc của người cung cấp tạng, nhưng Lạc Thành có thể lần theo dấu vết của người nhận. Những người nhận ghép tạng hầu hết là các quan chức cấp cao, bao gồm các doanh nhân, giáo sư, nghệ sĩ…, và nhiều người trong số họ đều là quan chức cấp tỉnh trở lên.
Sau hơn một tháng điều tra, Lạc Thành đã bị phát hiện. Ông bị cảnh sát triệu tập và giam giữ hơn mười giờ, nhiều lần bị thẩm vấn ép cung. Nhưng bởi vì ông đã tải toàn bộ thông tin điều tra lên kho lưu trữ đám mây ở nước ngoài, cho nên cảnh sát không thể tìm thấy bằng chứng trực tiếp, bởi vậy cũng không thể khởi tố ông. Vì thế, cảnh sát đã cho Lạc Thành hai sự lựa chọn, một là yêu cầu ông tham gia vào ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng để “tự chứng minh mình vô tội”; hai là yêu cầu ông nghỉ việc. Lạc Thành đã chọn nghỉ việc, ông bị đuổi khỏi bệnh viện và bị giới y tế đại lục liệt vào “danh sách đen”.
Sau đó Lạc Thành phân tích, có lẽ do ông gọi điện cho người nhà bệnh nhân ghép tạng để hỏi rõ nguồn gốc tạng khiến người nhà bệnh nhân nghi ngờ. Đồng thời, Lạc Thành đã sử dụng số điện thoại di động ở đại lục của mình để đăng ký trên Twitter và đưa ra những nhận xét chỉ trích chính quyền ĐCSTQ, vì vậy ông đã bị cảnh sát ĐCSTQ truy tra và định vị được thông tin thật của ông.
Sau khi nghỉ việc, Lạc Thành đã trải qua một thời gian dài để điều chỉnh bản thân, và cũng bị trầm cảm một thời gian. Nhưng ông không hề hối hận vì đã từ chối tham gia phẫu thuật cấy ghép nội tạng để trở thành đồng lõa giết người. Ông cũng cảm thấy rất may mắn vì có thể lưu giữ được những tài liệu này.
“Bí mật công khai” trong giới y tế đại lục
Trong Phong trào ngày 4 tháng 6 năm 1989, khi một phóng viên nước ngoài hỏi “Tại sao bạn muốn tham gia cuộc diễu hành?”, các sinh viên đến Quảng trường Thiên An Môn đã trả lời: “Đây là trách nhiệm của tôi”. Lạc Thành cho rằng, lý do ông tiết lộ việc cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc đại lục cũng giống như vậy: “Đây cũng là trách nhiệm của tôi”.
Theo thông tin điều tra được của Lạc Thành, ngoài các kênh bình thường chờ cấp tạng do Tổ chức Thu mua Nội tạng (Organ Procurement Organizations – OPO) cung cấp, hiện nay ở Trung Quốc đại lục có hai kênh “ngầm” để ghép tạng.
Một là bác sĩ cấy ghép làm môi giới, sử dụng bệnh nhân liệt giường và sắp chết làm nguồn cung cấp nội tạng được cấy ghép; Những người có nhu cầu sẽ bí mật giao dịch tiền bạc với người nhà bệnh nhân. Sau khi giao dịch thành công, thiết bị hỗ trợ sự sống của bệnh nhân sẽ được tháo ra để bệnh nhân nhanh chóng tử vong, sau đó lấy nội tạng để cấy ghép.
Hai là hối lộ các bác sĩ phẫu thuật để họ chọn các cơ quan nội tạng tốt hơn của cơ thể người khỏe mạnh từ các nguồn không xác định.
Mặc dù cả hai loại này đều là cấy ghép nội tạng phi pháp, nhưng chúng đều là “bí mật công khai” trong ngành y tế ở Trung Quốc đại lục.
Theo như Lạc Thành được biết, hầu hết các ca ghép gan ở Trung Quốc đại lục là “một đối một”; chỉ một số ít được người thân hiến tặng thành công. Trong số liệu điều tra của ông, hầu như không có người thân hiến tặng, tất cả đều là hiến sau khi chết tuần hoàn (Donation after Circulatory Death – DCD); Một số ca ghép thận là hiến tặng từ người thân hoặc quan hệ huyết thống.
Lạc Thành nói:
“Tôi đã cố gắng hết sức, nhưng tôi chỉ có thể hiểu được đến điểm này. Tôi không chắc rằng nội tạng được cấy ghép đến từ những tù nhân bị hành quyết, tôn giáo, tù nhân lương tâm chính trị hoặc cư dân dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ như thế nào, nhưng tôi chắc chắn rằng trong đó ẩn giấu những bí mật tà ác”.
Lạc Thành cho biết nhóm thực hiện cấy ghép nội tạng phi pháp sẽ có nhân viên chuyên trách liên hệ với nhà tù và các bệnh viện hợp tác. Một khi có cơ quan nội tạng phù hợp, các bác sĩ có liên quan sẽ ngay lập tức đến các nhà tù hoặc bệnh viện hợp tác này để lấy nội tạng, đồng thời hoàn thành việc vận chuyển và cấy ghép nội tạng trong khoảng thời gian “thiếu máu cục bộ” có hạn, nhưng đây gần như là một giao dịch “mạng đổi mạng”.
Sự đồng thuận của thế giới: Ngăn chặn giết người để lấy nội tạng
Vào ngày 17 tháng 6 năm 2019, Tòa án Trung Quốc (China Tribunal), một tòa án nhân dân độc lập được thành lập bởi Liên minh Quốc tế Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép Nội tạng ở Trung Quốc (ETAC), đã đưa ra phán quyết đối với ĐCSTQ về tội giết người và diệt chủng.
Tòa án có trụ sở tại London này, tuyên bố:
“Việc cưỡng bức mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ” đã được thực hiện trên quy mô lớn ở Trung Quốc trong nhiều năm, và các học viên Pháp Luân Công luôn là một trong những nguồn cung cấp nội tạng chính”.
Vào ngày 17 tháng 9, năm tổ chức phi chính phủ từ Châu Âu, Hoa Kỳ và Châu Á đã cùng nhau tổ chức khai mạc “Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phòng chống và ngăn chặn mổ cướp nội tạng sống” (gọi tắt là “Hội nghị thượng đỉnh thế giới về chống mổ cướp nội tạng sống”), và đã kết thúc thành công vào ngày 26/9. Ban tổ chức đã tổ chức tổng cộng 6 hội nghị, với sự tham gia của 38 chuyên gia đến từ 19 quốc gia. Vào ngày bế mạc, “Tuyên bố thế giới về chống và ngăn chặn mổ cướp nội tạng sống” đã được công bố. Theo thống kê của ban tổ chức, hàng trăm nghìn người đã xem hội nghị trực tuyến.
Vào ngày 16 tháng 11 năm 2021, cầu thủ bóng rổ Celtics, NBA, anh Enes Kanter, đã viết trên Twitter, Facebook và Instagram của mình rằng: “Hãy ngừng giết người để lấy nội tạng. Đây là tội ác chống lại loài người”, lên án chính quyền ĐCSTQ đang giết các tù nhân lương tâm trên quy mô công nghiệp để lấy nội tạng.
Trước đó, Kanter cũng đã nhiều lần chỉ trích chính quyền Cộng sản Trung Quốc về những vi phạm nhân quyền trên mạng xã hội.
Theo Epoch Times