Bất chấp sức ép từ Trung Quốc, tháng 10 phái đoàn Thượng viên Pháp đến thăm Đài Loan
Truyền thông Pháp đưa tin ngày 20/9, bất chấp sức ép từ chính phủ Trung Quốc, phái đoàn Thượng viện do Chủ tịch Nhóm Hữu nghị Đài Loan của Thượng viện Pháp, ông Alain Richards, đã quyết định đến thăm Đài Loan vào đầu tháng 10 tới đây. Học giả chính trị cho rằng, chính sách ngoại giao sói chiến của Trung Quốc đã gây ra ấn tượng rất xấu cho phương Tây, do đó họ quay sang thông cảm và ủng hộ Đài Loan.
Kênh truyền thông Pháp La Lettre A đưa tin vào ngày 20/9 rằng, nhóm nghiên cứu và giao lưu với Đài Loan của Thượng viện Pháp đã ấn định chuyến thăm là từ ngày 4 đến ngày 11 tháng 10. Phái đoàn sẽ do Thượng nghị sĩ Alain Richard dẫn đầu. Thành viên phái đoàn gồm 3 Thượng nghị sĩ Max Brisson, André Vallini và Olivier Cadic. Trong đó ông Brisson và Vallini là Phó chủ tịch của Nhóm Hữu nghị Đài Loan, còn ông Cadic là thư ký của Nhóm này.
Trước đó vào tháng 3, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, ông Lô Sa Dã (Lu Shaye) đã rất tức giận sau khi biết tin Nhóm Hữu nghị Đài Loan của Pháp chuẩn bị đến thăm Đài Loan, ông đã viết thư cho Thượng nghị sĩ Alain Richard và cương quyết yêu cầu hủy bỏ kế hoạch tới thăm Đài Loan. Động thái này đã gây ra phản ứng dữ dội từ giới chính trị và học thuật Pháp lúc bấy giờ.
Ông Richard đã công khai trả lời Đại sứ Trung Quốc tại Pháp rằng, sẽ giữ nguyên kế hoạch thăm Đài, đồng thời nhấn mạnh rằng mục đích của chuyến thăm không phải để gửi đi tín hiệu khuyến khích cái gọi là “Đài Loan độc lập” như ông Lô nói, mà là để điều tra và nghiên cứu các biện pháp chống lại bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) của Đài Loan.
Bộ Ngoại giao Pháp cũng đã triệu tập ông Lô Sa Dã để bày tỏ sự bất mãn vào ngày 23/3. Ngay sau đó, hơn 20 thượng nghị sĩ Pháp đã cùng nhau đề xuất một nghị quyết ủng hộ Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế với tư cách quan sát viên. Nghị quyết này đã nhanh chóng được thông qua vào cuối tháng Năm.
Ông Richard nói với tuần báo chính trị Marianne: “Mối quan hệ của chúng tôi với Đài Loan không cần sự đồng ý của Bắc Kinh. Đài Loan có văn phòng đại diện tại Pháp, tồn tại dưới hình thức ‘Văn phòng đại diện’; và cũng giống như ở các quốc gia lớn khác, chúng tôi cũng có một cơ quan đại diện của Pháp tại Đài Bắc và gần như có địa vị ngoại giao ngang bằng”.
Thượng nghị sĩ Richard mô tả Đài Loan là “một quốc gia theo đuổi tiến bộ nhân văn”. “Chúng tôi ngày càng đồng cảm hơn với Đài Loan, vì Đài Loan vẫn có thể đứng vững ở vị trí của tự do và sáng tạo ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn”, ông nói.
Hãng Thông tấn Trung ương (CNA) đưa tin, ông Đinh Thụ Phạm (Ding Shufan), Giáo sư danh dự tại Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan, phân tích rằng đó là do chính quyền Trung Quốc đàn áp nhân quyền và phá hoại tự do ở Tân Cương, Hong Kong và những nơi khác trong nhiều năm qua, còn có ngoại giao sói chiến trên trường quốc tế, nên đã để lại ấn tượng rất xấu cho thế giới phương Tây. Do đó, các nước phương Tây lại càng thể hiện sự thông cảm và ủng hộ đối với Đài Loan, có thể nói đây là sự phản ánh tinh thần chống Trung Quốc của xã hội Châu Âu.
Ông Đinh nhấn mạnh rằng, làm thế nào để chuyển sự ủng hộ của các nước đối với Đài Loan thành một mối quan hệ song phương thiết thực và có lợi hơn, đây mới là một điểm mấu chốt rất quan trọng.
Cựu Ngoại trưởng Đài Loan, ông Trình Kiến Nhân (Chen Chien-jen) cũng đề cập rằng trước đây các nước kết hữu nghị với Đài Loan thường ủng hộ Đài Loan theo cách không rõ ràng, nhưng với những thay đổi trong quan hệ Trung – Mỹ và dưới ảnh hưởng của tình hình quốc tế trong những năm gần đây, thực sự đã xảy ra những thay đổi lớn.
Ông Trình chỉ ra rằng, Đài Loan có nhiều liên hệ với Pháp, bao gồm việc mua tàu chiến La Fayette, mua máy bay chiến đấu Dassault Mirage 2000 và ký kết bảo trì sau đó, v.v. Việc các nghị sĩ Pháp có thể đến thăm Đài Loan lần này là rất tốt, Đài Loan nên biến những hành động hữu nghị của Pháp thành mối quan hệ song phương.
NGUỒN: https://www.ntdvn.com/the-gioi/bat-chap-suc-ep-tu-trung-quoc-thang-10-phai-doan-thuong-vien-phap-den-tham-dai-loan-251359.html