Share

Covid-19: Biến thể Mu chứa ‘công thức dẫn tới thảm họa’, Indonesia tìm cách chặn mọi lối vào của virus

Chính phủ Indonesia siết chặt kiểm soát tại tất cả các cửa khẩu nhằm ngăn chặn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên là Mu (còn được gọi là B.1.621), được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào loại biến thể cần quan tâm.

Ngày 7/9, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Johnny G Plate thông báo: “Chính phủ đang hành động nhanh chóng và chính xác nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của biến thể Mu và tránh cho Indonesia phải đối mặt với đợt bùng phát dịch thứ ba”.

Theo Bộ trưởng Plate, công tác giám sát đang được triển khai tại tất cả các cửa khẩu như sân bay và cảng biển.

Hoạt động kiểm tra được thực hiện thông qua biện pháp giải trình tự gen virus SARS-Cov-2 ở các bệnh nhân Covid-19 là công dân Indonesia hoặc người nước ngoài từng đến các quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ mắc biến thể Mu cao như Colombia, Nhật Bản, Ấn Độ, Hong Kong (Trung Quốc) và Ecuador.

Tính đến ngày 6/9, biến thể Mu đã được phát hiện tại 46 quốc gia. Tuy nhiên, biến thể mới này vẫn chưa được phát hiện tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Indonesia.

Bộ trưởng Plate cho hay, chính phủ Indonesia kêu gọi tất cả các địa phương hỗ trợ công tác giải trình tự gen nói trên bằng cách gửi các mẫu bệnh phẩm nhằm tăng tốc quá trình phân tích và xét nghiệm.

Trước đó, giới chuyên gia Y tế Malaysia cũng cảnh báo, cần theo dõi chặt chẽ biến thể mới, vốn được phát hiện lần đầu tiên ở Colombia này.

Giáo sư dịch tễ học, Tiến sĩ Awang Bulgiba Awang Mahmud của Đại học Malaya cho biết, mặc dù biến thể mới có thể không phải là Biến chủng có hậu quả nghiêm trọng (VOHC), song biến thể này vẫn có thể tàn phá cơ thể bằng cách dễ lây nhiễm hơn hoặc độc hại hơn, chỉ có một trong hai điều này đã có thể khiến biến thể này được phân loại là Biến thể đáng lo ngại (VOC).

Nếu biến thể dễ lây lan nhanh hơn sẽ làm số ca lây nhiễm tăng nhanh chóng đến mức làm tê liệt hệ thống y tế, dẫn đến các dịch vụ y tế giảm sút dưới mức tiêu chuẩn và do đó, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong tăng lên. Nếu biến thể độc hại hơn sẽ khiến mức độ nhiễm bệnh trầm trọng hơn, gây tử vong nhiều hơn hoặc bệnh kéo dài hơn.

Ngày 30/8, WHO cho rằng, Mu là một Biến thể đáng quan tâm (VOI), trở thành VOI thứ 5 sau Eta, Iota, Kappa và Lambda. Theo xếp loại của WHO, biến thể Alpha, Beta, Gamma và Delta là VOC.

Báo cáo cập nhật dịch tễ học Covid-19 hằng tuần được công bố vào ngày 31/8 cho biết, biến thể Mu “có một loạt các đột biến cho thấy các đặc tính vô hiệu hóa tác dụng của vaccine”.

Trong khi đó, nhà virus học phân tử, Tiến sĩ Vinod Balasubramaniam, giảng viên cao cấp tại Đại học Monash Malaysia cho biết, Mu có chứa một “công thức dẫn đến thảm họa”, do vậy, Malaysia phải cảnh giác và thắt chặt kiểm soát biên giới, đồng thời giám sát chặt chẽ những diễn biến của biến thể này.

Ông cũng cảnh báo, không lâu nữa Malaysia sẽ chứng kiến sự xuất hiện của biến thể mới này nếu các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt không sớm được thực hiện trong bối cảnh nhiều quốc gia đang mở cửa biên giới trở lại.

nguồn: https://baomoi.com/covid-19-bien-the-mu-chua-cong-thuc-dan-toi-tham-hoa-indonesia-tim-cach-chan-moi-loi-vao-cua-virus/c/40151073.epi

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *