Bắc Kinh sẽ ‘đùa với lửa’ nếu thử nghiệm quyết tâm của Hoa Kỳ về vấn đề Đài Loan
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã trao cho đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ John Kerry một tập hợp các hướng dẫn mà Hoa Kỳ nên tuân theo nếu chính phủ Tổng thống Biden tìm kiếm sự hợp tác của Bắc Kinh về biến đổi khí hậu.
Ông Kerry hiện đang ở chặng thứ hai của chuyến công du Á Châu để đàm phán về hành động khí hậu. Ông đã đến Nhật Bản trước tiên trước khi đến thành phố cảng Thiên Tân của Trung Quốc vào ngày 31/08 cho một chuyến thăm ba ngày. Ông đã lên lịch gặp ông Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua), đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề biến đổi khí hậu.
Hôm 01/09, ông Kerry và ông Vương đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến để thảo luận về hợp tác song phương về biến đổi khí hậu. Trong các cuộc hội đàm này, ông Vương đã đưa vào các mối quan tâm chính trị rộng lớn hơn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) và cảnh báo ông Kerry rằng “sự hợp tác khí hậu giữa Trung Quốc-Hoa Kỳ không thể tách rời khỏi môi trường rộng lớn hơn của mối bang giao Trung-Mỹ,” theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Ông Vương đổ lỗi cho Hoa Kỳ vì đã làm xấu đi tình hình mối bang giao Trung-Mỹ trong những năm gần đây và kêu gọi Hoa Kỳ “ngừng coi Trung Quốc như một mối đe dọa và đối thủ.”
Về việc làm cách nào để cải thiện mối bang giao song phương, ông Vương đã yêu cầu ông Kerry “chú ý và chủ động đáp ứng ‘hai danh sách’ và ‘ba điểm mấu chốt’ của Trung Quốc.”
Ông Vương đã đề cập đến các danh sách và ba yêu cầu mà Bắc Kinh đã trao cho Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman hồi cuối tháng Bảy khi bà đến thăm Thiên Tân. Một trong những danh sách này đã yêu cầu Hoa Kỳ sửa chữa “những hành vi sai trái” của mình, gồm cả việc thu hồi các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Cộng, vốn đã được Hoa Kỳ công bố để đáp lại những vi phạm nhân quyền được báo cáo rộng rãi.
Trong số các yêu cầu của mình, Trung Cộng yêu cầu Hoa Kỳ không được “xâm phạm” đến “chủ quyền” của Trung Quốc tại các khu vực có xung đột như Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông. Nhiều chính phủ phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ, đã chỉ trích Trung Cộng vì những vi phạm nhân quyền ở ba khu vực này, đặc biệt là về việc giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Vài ngày trước đó, ông Vương đã liệt kê các yêu cầu tương tự với Ngoại trưởng Antony Blinken, khi hai người thảo luận về hợp tác song phương về Afghanistan qua điện thoại.
Theo một đoạn video ngắn về cuộc họp này do CGTN, chi nhánh quốc tế của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV phát sóng, ông Kerry đã nói với ông Vương trong cuộc họp này rằng, “Trung Quốc, bằng hữu của tôi, đóng một vai trò rất quan trọng” trong nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu.
Tuyên bố chính thức từ Bộ Ngoại giao cho biết ông Kerry và ông Vương đã thảo luận về “những nỗ lực song phương và đa phương nhằm nâng cao tham vọng về khí hậu và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.” Ông Kerry kêu gọi Trung Quốc “thực hiện các bước bổ sung để giảm thiểu lượng phát thải.”
Tuyên bố này đã không đề cập đến yêu cầu của ông Vương đối với Hoa Kỳ.
Các nhà ngoại giao của Trung Cộng đã thể hiện một lập trường thậm chí còn cứng rắn hơn – một phong cách hiếu chiến được mệnh danh là ngoại giao “sói chiến” – kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi tháng 01/2021.
Tại một cuộc họp trực tuyến hồi tháng 02/2021 do Ủy ban Quốc gia bất vụ lợi về mối Bang giao Hoa Kỳ – Trung Quốc có trụ sở tại New York tổ chức, quan chức chính sách ngoại giao của Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), đã cảnh báo chính phủ Tổng thống Biden không được vượt qua “lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh.
Hồi tháng Ba, ông Vương và ông Dương đã mắng nhiếc ông Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan trong một cuộc họp trực tiếp ở Anchorage, Alaska. Ông Dương đã đả kích Hoa Kỳ về cái mà ông gọi là nền dân chủ đang lao đao và sự đối xử tệ với các dân tộc thiểu số, đồng thời chỉ trích các chính sách ngoại giao và thương mại của nước này.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong (Xie Feng) đã tiếp tục nối gót bằng cách tấn công dồn dập bà Sherman qua những lời phàn nàn và cáo buộc trong chuyến thăm của bà hồi cuối tháng Bảy.
Hôm 31/08, trong một sự kiện khác do Ủy ban Quốc gia về mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc tổ chức, đại sứ mới được bổ nhiệm của Trung Quốc tại Hoa Kỳ là Tần Cương (Qin Gang), đã đe dọa về các “hậu quả tai hại” nếu các chính trị gia Hoa Kỳ nhắm đến việc “đàn áp” Trung Quốc bằng một “phương thức Chiến tranh Lạnh.”
Các thành viên của Quốc hội đã bày tỏ lo ngại về những nỗ lực của ông Kerry nhằm tìm kiếm sự hợp tác của Trung Cộng về biến đổi khí hậu. Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas), đảng viên Cộng Hòa đứng đầu trong Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, cảnh báo rằng ông Kerry không nên liên kết nhu cầu năng lượng của Hoa Kỳ với Trung Cộng.
Ông McCaul viết trong tuyên bố, “Các hành động để giải quyết những mối lo ngại về khí hậu không thể giúp ích gì cho nạn cưỡng bức lao động và không thể liên kết nhu cầu năng lượng và chuỗi cung ứng của chúng ta với PRC [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa], Đặc phái viên Kerry cũng không nên trông cậy vào lời nói của một nhà cầm quyền diệt chủng đã có bề dày lịch sử phớt lờ các thỏa thuận quốc tế.”
“Chúng ta không được hy sinh các giá trị của mình cũng như không được quên quá khứ đầy những cam kết thất bại với Trung Cộng.”
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
nguồn: https://etviet.com/bac-kinh-yeu-cau-hoa-ky-thuc-hien-danh-sach-mong-muon-de-doi-lay-su-hop-tac-ve-bien-doi-khi-hau_236715.html