Share

Chạy xe máy kẹp 3 lấn làn gây tai nạn, nam sinh bị tài xế đấm vỡ alo

Cách hành xử của tài xế ô tô sau khi xảy ra va chạm với 3 nam sinh chạy xe máy đã gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng…
Tình huống giao thông được camera giám sát ghi lại tại thị trấn Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc), cho thấy khoảnh khắc 3 nam sinh chở nhau bằng xe máy, tất cả đều không đội mũ bảo hiểm, đã lấn sang làn đường ngược chiều rồi lao thẳng vào đầu một chiếc ô tô chạy đến từ hướng ngược lại.
Vụ va chạm không gây thiệt hại về người, nhưng khiến chiếc ô tô bị vỡ bung cản trước.
Sau khi xảy ra va chạm, tài xế chiếc ô tô đã bước xuống xe rồi liên tục đấm vào mặt nam sinh điều khiển xe máy, bất chấp sự can ngăn của người xung quanh.
Đoạn clip về tình huống va chạm và cách hành xử của tài xế ô tô đã gây ra nhiều tranh cãi sau khi được đăng tải lên mạng xã hội. Cư dân mạng đã chia ra hai luồng ý kiến trong trường hợp này, trong đó một luồng ý kiến bênh vực 3 nam sinh đi xe máy, trong khi đó một luồng ý kiến ủng hộ hành động của tài xế.
“Dù sao cũng đáng tuổi cha chú của những em học sinh, lại là người đi ô tô có học thức, thì không nên hành xử côn đồ như vậy. Hư hại gì thì đôi bên thống nhất đền bù để sửa chữa, chứ sử dụng vũ lực như vậy là không hay rồi”, một cư dân mạng bình luận sau khi xem đoạn clip.
“Vẫn biết là các em học sinh sai, nhưng độ tuổi vị thành niên vẫn là độ tuổi được pháp luật bảo vệ, đánh trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật đấy. Cần gì thì cứ gọi phụ huynh của các em lên mà thống nhất giải quyết, không nên đánh các em làm gì”, một cư dân mạng khác bình luận.
Trong khi đó, nhiều người cho rằng có thể tài xế đã quá bức xúc vì kiểu chạy xe ẩu của các nam sinh nên đã không kiềm chế được bản thân mình.
“Còn đi học mà đã kẹp 3, chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm rồi gây tai nạn. Nếu gia đình không giáo dục được các em học sinh này thì hãy để xã hội giáo dục”, một cư dân mạng bày tỏ sự bức xúc.
Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng học sinh chạy ẩu, xem thường luật giao thông hiện đang xảy ra khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. Rõ ràng gia đình và nhà trường đều có phần trách nhiệm trong việc giáo dục ý thức luật giao thông cho các em học sinh, để tự bảo vệ mình và những người khác khi tham giao thông trên đường.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *