Cảnh báo Đỏ: Nga có thể tấn công Ukraine – Lỗi lầm do chính phương Tây gây ra!
Những động thái không khôn ngoan trong quá khứ của Mỹ và phương Tây trong cuộc chơi với Nga ở Ukraine đang gây bất lợi cho chính họ.
Đối với Mỹ, Ukraine chỉ là là một biểu tượng về sự phản kháng của phe dân chủ đối với chủ nghĩa độc tài, một khu vực yếu kém không mang lại nhiều lợi lộc cho Liên minh châu Âu và là một cơ sở tiềm năng để đặt các tài sản quân sự của NATO gần hơn với một nước Nga ngày càng quyết đoán.
Nhưng đối với Moscow, Ukraine là một thành phần rất quan trọng đối với nước Nga. Các nhà lãnh đạo Nga từ lâu đã nhìn nhận Ukraine theo cách mà nhiều nhà lãnh đạo Mỹ đã nhìn nhận Mexico hay Canada: một vùng đệm thiết yếu bảo vệ vùng lõi đất nước khỏi các cường quốc hiếu chiến ngoài lãnh thổ của họ.
Ukraine không phải lúc nào cũng là một phần của Nga. Trong nhiều thế kỷ, đây là quê hương của những người Tatar Crimea khét tiếng về cướp bóc và chống phá nước Nga láng giềng. Cuối cùng, dưới sự trị vì của Catherine Đại đế, mối đe dọa của người Ukraine đối với Nga đã chấm dứt và khu vực này bị người Nga đô hộ. Kể từ thời điểm này, Ukraine đã tồn tại như một phần mở rộng của Nga.
Quân nhân Ukraine trên chiến tuyến trong cuộc đối đầu với phe ly khai do Nga hậu thuẫn gần thị trấn Volnovakha, vùng Donetsk ngày 23 tháng 6 năm 2021. Ảnh: AFP
PHƯƠNG TÂY ĐÃ BỎ LỠ CƠ HỘI CHỈ CÓ MỘT LẦN TRONG ĐỜI
Sau Chiến tranh Lạnh, phương Tây đã có cơ hội đánh bật Nga ra khỏi Ukraine và Đông Âu. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phương Tây lại lựa chọn giải pháp đơn phương giải giáp chính phủ Ukraine thời hậu Xô Viết với suy nghĩ rằng Nga sẽ không bao giờ gây ra mối đe dọa đối với phương Tây nữa.
Đó là lý do tại sao, vào năm 1994, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton đã có một bước đi “ngớ ngẩn” là thúc giục Ukraine mới được giải phóng bỏ kho vũ khí hạt nhân từ thời Liên Xô, kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới vào thời điểm đó, thay vì giúp Ukraine bảo đảm và hiện đại hóa kho vũ khí này.
Để làm dịu Kiev, Clinton đã đảm bảo với các nhà lãnh đạo Ukraine rằng, để đổi lấy việc họ giao nộp kho vũ khí hạt nhân của mình cho phương Tây, Mỹ sẽ bảo vệ Ukraine trong trường hợp Nga xâm lược. Nhưng sự đảm bảo từ Washington đối với Kiev này chính là kiểu đảm bảo đã khơi mào các cuộc chiến tranh thế giới trong quá khứ.
HỨA VÀ THẤT HỨA
Hai mươi năm sau, những lời hứa này đã được thử thách, khi các lực lượng của Nga tràn vào Bán đảo Crimea và sát nhập lãnh thổ này trong một thời kỳ chính trị bất ổn ở Ukraine.
Kể từ thế kỷ 19, Nga đã duy trì một căn cứ hải quân ở Sevastopol, một cảng quan trọng trên Biển Đen. Các nhà lãnh đạo phương Tây đã quá kiêu ngạo khi tin rằng Nga sẽ dễ dàng từ bỏ cảng của mình ở Sevastopol vì chính phủ mới do Mỹ hậu thuẫn ở Kiev muốn điều đó.
Các nhà lãnh đạo Nga lại lo ngại rằng chính phủ Ukraine do phương Tây hậu thuẫn, lên nắm quyền sau cuộc biểu tình Maidan năm 2014, sẽ đưa Ukraine hoàn toàn ra khỏi quỹ đạo của Nga và biến Ukraine thành một phần của cấu trúc liên minh EU-NATO, và từ đó sẽ trở thành một người ủy nhiệm khác của Mỹ trước ngưỡng cửa nước Nga.
Sau khi Nga nhanh chóng chuyển sang bảo đảm căn cứ hải quân của mình bằng cách sáp nhập Crimea, Moscow đã dành 7 năm tiếp theo để nỗ lực đánh bật phương Tây khỏi Ukraine bằng cách hỗ trợ lực lượng ly khai ở phía đông đất nước, nơi có đông đảo cộng đồng người Nga gốc Nga sinh sống.
CẢNH BÁO ĐỎ: CUỘC XÂM LƯỢC CỦA NGA SẮP XẢY RA
Trong tháng này, các quan chức tình báo Mỹ đã cảnh báo những người đồng cấp của họ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương về việc Nga đang tiếp tục xây dựng quân đội dọc biên giới với Ukraine.
Khi cảnh báo được đưa ra, các phi hành gia Mỹ trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã được lệnh trú ẩn trong khoang SpaceX của họ sau khi Nga bất ngờ phóng một vũ khí chống vệ tinh (ASAT) phá hủy một vệ tinh vô chủ từ thời Liên Xô ở quỹ đạo Trái đất thấp vì trường mảnh vỡ khổng lồ mà cuộc thử nghiệm tạo ra đã có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của các phi hành gia người Mỹ (và một số người Nga) trên tàu và có nguy cơ phá hủy ISS.
Vụ thử ASAT là một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự can thiệp quân sự của phương Tây đối với cuộc xâm lược không thể tránh khỏi của Nga.
Trên thực tế, các báo cáo chưa được xác nhận từ Ukraine cho thấy các lực lượng đặc nhiệm Nga đã được phát hiện hoạt động ở các khu vực tranh chấp ở miền đông Ukraine, họ hỗ trợ các lực lượng bán quân sự ly khai và có khả năng đang đặt nền móng cho một cuộc xâm lược của Nga.
ẢNH HƯỞNG CỦA ĐỨC GIA TĂNG, NHƯNG KẾT CỤC LÀ GÌ?
Đáng ngạc nhiên, Berlin đã bước vào cuộc chiến khi các cơ quan quản lý của Đức đã đình chỉ việc hoàn tất thỏa thuận đường ống dẫn khí đốt gây tranh cãi kéo dài với Moscow.
Nord Stream 2, một đường ống khổng lồ kết nối khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga với một châu Âu thiếu khí đốt (thông qua Đức), là giấc mơ của các nhà hoạch định chính sách Nga, những người muốn khôi phục nền kinh tế ốm yếu của Nga kể từ những năm hoàng hôn của Liên Xô cũ.
Người Đức muốn có đường ống, người Nga mong muốn có đường ống này, người tiêu dùng năng lượng châu Âu cần đường ống. Tuy nhiên, người Mỹ đã nhiều lần phản đối đường ống này, họ lo ngại sự phân chia địa chính trị khi cho phép châu Âu phụ thuộc vào Nga về nhu cầu năng lượng của họ.
Điều kỳ lạ là chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt quan trọng mà chính quyền trước đó của Donald Trump đã áp dụng đối với đường ống Nord Stream 2 của Nga trong thời điểm đặc biệt căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ trong năm nay. Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ cho phép Đức phê duyệt đường ống đã được mong muốn từ lâu.
Với sự trì hoãn theo quy định của Đức, đường ống có thể không hoạt động cho đến năm 2022. Và với giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt, câu hỏi vẫn là: Đức có thể trì hoãn việc phê duyệt cuối cùng của NS2 trong bao lâu? Berlin không thể tự mình chống lại Nga và chính quyền Biden có vẻ như cũng không thể làm gì hơn ngoài việc chúc người Đức may mắn.
Mỹ dường như không có khả năng hoạch định bất kỳ chiến lược nào để ngăn chặn sự mở rộng của Điện Kremlin sang Đông Âu, một khu vực không dám đánh liều gây chiến với một nước Nga có vũ khí hạt nhân.
Đây là điều mà cả Biden và bất kỳ nhà lãnh đạo phương Tây nào khác đều không để ý tới. Hơn thế nữa, Moscow hiểu điều này, và đó là lý do tại sao động thái gần đây của Đức sẽ không có tác động lâu dài trong việc ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
LỢI THẾ CỦA NGA Ở UKRAINE
Nga có một số lợi thế so với Mỹ ở châu Âu. Đầu tiên là vị trí địa lý, Nga đơn giản là gần với các quốc gia được đề cập hơn so với Mỹ.
Thứ hai là địa kinh tế. Kể từ những năm 1990, châu Âu ngày càng phụ thuộc vào các nguồn năng lượng giá rẻ của Nga.
Tất cả những gì Moscow cần làm là chờ đợi những người Mỹ đang bị phân tâm và quá căng thẳng – điều sẽ xảy ra – khi chính quyền Biden phải gồng mình giải quyết từ cuộc khủng hoảng quốc tế này sang cuộc khủng hoảng quốc tế khác.
Mỹ không thể là cảnh sát của thế giới trong môi trường địa chính trị ngày nay – trừ khi họ tìm cách mạo hiểm chiến tranh thế giới hạt nhân. Washington phải chấp nhận một chính sách châu Âu thực tế hơn vì nó liên quan đến Nga. Chiến tranh không thể là câu trả hay. Cho dù là trong hai tháng hay hai năm, Nga sẽ đối đầu với Mỹ ở châu Âu, bởi vì ở đó Nga đã thể hiện tốt hơn người Mỹ.