Các TNS Mỹ kêu gọi chính quyền Biden trục xuất 300 nhà ngoại giao Nga
Hơn một chục thượng nghị sĩ Mỹ từ lưỡng đảng đang kêu gọi Tổng thống Dân chủ Mỹ Joe Biden trục xuất 300 nhà ngoại giao Nga, nếu Điện Kremlin không cấp thêm thị thực cho các đại diện ngoại giao của Hoa Kỳ tại Nga.
Lãnh đạo các ủy ban Đối ngoại và Tình báo của Thượng viện, bao gồm các thành viên đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa hàng đầu — gồm các Thượng nghị sĩ Bob Menendez (Dân chủ – New Jersey), Mark Warner (Dân chủ – Virginia), Jim Risch (Cộng hòa – Idaho), và Marco Rubio (Cộng hòa – Florida) – cùng với 13 thượng nghị sĩ khác, đã ký vào bức thư.
Vào tháng Tám, Nga đã cấm đại sứ quán Mỹ tại Moscow ký hợp đồng, giữ lại hoặc thuê nhân viên nước thứ 3 hay nhân viên người Nga, ngoại trừ các nhân viên bảo vệ. Kết quả là, phái bộ của Mỹ tại Nga đã buộc phải sa thải 182 nhân viên và thêm nhiều cộng tác viên khác, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố vào thời điểm đó.
Trong lá thư viết hôm 4/10, các thành viên Thượng viện Mỹ yêu cầu: “Nga phải cấp đủ thị thực để đạt được sự tương đương giữa số lượng các nhà ngoại giao Mỹ phục vụ tại Nga và số lượng các nhà ngoại giao Nga phục vụ tại Hoa Kỳ”. Họ nhận định, có sự không cân xứng trong cơ quan đại diện ngoại giao của 2 nước.
Các thượng nghị sĩ nói thêm: “Nếu hành động như vậy không được thực hiện, chúng tôi kêu gọi các vị bắt đầu trục xuất các nhà ngoại giao Nga để đảm bảo sự hiện diện ngoại giao của Hoa Kỳ tương xứng. Chúng tôi tin rằng một bước đi như vậy sẽ là hợp lý và có qua có lại”. Họ đồng thời lưu ý rằng, có tới 300 nhà ngoại giao Nga tại Mỹ có thể được cử về nước, nếu phía Mỹ tiến hành động thái này.
Đề xuất này sẽ đánh dấu một sự leo thang mạnh mẽ trong cuộc tranh chấp đang diễn ra về nhân sự của các đại sứ quán, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Washington và Moscow.
Những người khác đã ký vào lá thư này bao gồm các Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (Dân chủ – California), Richard Burr (Cộng hòa – North Carolina), Ron Wyden (Dân chủ – Oregon), Susan Collins (Cộng hòa – Maine), Martin Heinrich (Dân chủ – New Mexico), Roy Blunt (Cộng hòa – Missouri), Angus King (Độc lập – Maine), Tom Cotton (Cộng hòa – Arkansas), Michael Bennet (Dân chủ – Colorado), John Cornyn (Cộng hòa – Texas), Bob Casey (Dân chủ – Pennsylvania), Ben Sasse (Cộng hòa -Nebraska) và Kirsten Gillibrand (Dân chủ – New York).
Họ viết: “Chúng tôi yêu cầu nhóm an ninh quốc gia của các vị thực hiện các bước cụ thể, ngay lập tức để cung cấp cho Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Moscow đội ngũ nhân viên và hỗ trợ điều họ cần, bằng cách thực hiện các hành động có trách nhiệm, tương xứng và tức thì để đáp lại các hành động khiêu khích của Chính phủ Nga”.
Đầu năm nay, chính quyền ông Biden đã trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hàng chục cá nhân và công ty Nga khác. Hành động này xuất phát từ cáo buộc phía Nga đã can thiệp vào các cuộc bầu cử trước đó và hỗ trợ các chiến dịch hacker tấn công Hoa Kỳ.
Vào cuối tháng Tám, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Hoa Kỳ sẽ áp đặt một vòng trừng phạt khác sau khi Điện Kremlin bị cáo buộc sử dụng chất độc thần kinh “novichok” khét tiếng để đầu độc một nhân vật bất đồng chính kiến, bao gồm hạn chế nhập khẩu vĩnh viễn một số loại vũ khí và đạn dược của Nga. Động thái này đã thu hút sự lên án từ Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) của Mỹ. Hiệp hội này cho rằng, đạn dược do Nga sản xuất “chiếm một phần lớn trong nguồn cung cấp đạn dược của Mỹ”. Họ nhận định, các lệnh trừng phạt mới nhất từ chính phủ của ông Biden sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp đạn dược hiện nay ở Mỹ.