Share

Bà Trương Mỹ Lan muốn chuyển 1.000 tỷ đồng của Nguyễn Cao Trí sang SCB

Bị cáo Lan đề nghị HĐXX giúp chuyển 1.000 tỷ đồng mà bị cáo Nguyễn Cao Trí hoàn trả cho bà để đưa vào SCB. “SCB đang rất cần tiền, giải quyết kinh tế tài chính”, bị cáo bày tỏ.



Sáng 12/3, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Trương Mỹ Lan thẩm vấn bà Lan cùng một số bị cáo là cựu lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Trả lời luật sư Phan Trung Hoài, bị cáo Lan nhiều lần không đi vào trọng tâm câu hỏi, khiến HĐXX liên tục nhắc nhở.

Ở SCB không ai xuất hiện khiến bà Lan bị ngộ nhận là chủ?

Theo bà Lan, tài sản của bà có được là từ thời mẹ bà tạo lập, sau này phát triển thêm. Thân mẫu bà vốn là tiểu thương chợ Bến Thành 14 năm, sau đó gia đình bà thành lập Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát. Đến năm 1992, bà gặp chồng là Chu Lập Cơ, nên duyên.



“Vì sao bà biết đến SCB vào thời điểm hợp nhất 3 tổ chức tín dụng?”, luật sư Hoài hỏi. Lúc này, bị cáo bật khóc: “Nghĩ đến ngày đó tôi đau xót”.

Sáng 12/3, bà Trương Mỹ Lan đề nghị HĐXX giúp chuyển 1.000 tỷ đồng bị cáo Nguyễn Cao Trí hoàn trả cho bà để đưa vào SCB (Ảnh: Hải Long)

Theo bị cáo Lan, thời điểm đó tình hình ở 3 ngân hàng hỗn loạn. “Nhà tôi không có ai làm ngân hàng, tôi không biết ngân hàng và không thích. Nhưng NHNN nói tôi làm 3 việc: làm sao cố cổ phần trên 65% giúp ngân hàng mà không ảnh hưởng các ngân hàng khác, không ảnh hưởng tiền tệ quốc gia; cho mượn tài sản; kêu đối tác nước ngoài vào”, bị cáo nói.



Khi 3 ngân hàng họp vào tháng 10/2011, NHNN mời bị cáo tham gia các cuộc họp để cho mượn tài sản. Bà Lan đã cho mượn khách sạn Winsor được định giá 1 tỷ USD, đây là khách sạn 5 sao đầu tiên của Việt Nam, để cho SCB thực hiện tái cơ cấu.

“Lúc đó, tôi chỉ hiểu là tôi cho mượn tài sản, kêu gọi nước ngoài đầu tư, tôi có trách nhiệm cho SCB không sụp đổ”, bà Trương Mỹ Lan khai. Sau khi thế chấp Winsor cho ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT BIDV, đã chết) giá 15.000 tỷ, bà Lan nói mượn thêm tòa nhà Times Square, mượn tài sản gia đình bạn bè để đưa vào SCB.

“Với tư duy bất động sản tôi tin sẽ thành công. Tôi cho mượn nếu ngân hàng vực dậy không được tôi sẽ mất hết”, bị cáo Lan nói đã xác định tinh thần “mạo hiểm” khi đưa tài sản cho SCB.

Bà lý giải cổ phần bà và con gái chỉ có 15%, còn lại là của bạn bè và cổ đông nước ngoài. Lý giải lý do được mọi người đồng ý góp sức với SCB, bị cáo nói do gia tộc bà “sống giản dị, đạo đức uy tín nên có sức ảnh hưởng, được tôn trọng”.



Luật sư Phan Trung Hoài mặc áo đen (Ảnh: Hải Long).

Luật sư Hoài đã dẫn chứng lại lời khai tại tòa của những cựu lãnh đạo, nhân viên SCB cho rằng bà Lan có quyền lực, vai trò chỉ đạo tại SCB. Bà Lan lý giải do ở SCB mọi người không thấy ai xuất hiện ngoài bà nên bà bị ngộ nhận là chủ. 

“Tôi ngoài việc cho mượn tài sản, tìm nhà đầu tư, tôi không biết gì khác. Các công việc phân công tôi không biết… Tôi đã đưa hết tài sản vào SCB, về anh em SCB xin HĐXX xem xét lại thật sự họ khổ lắm”, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát trình bày.



Bị cáo Lan mong HĐXX xem xét kỹ vai trò của bị cáo trong vụ án, phủ nhận việc tạo lập 1.000 công ty ma cũng như hành vi liên hệ công ty thẩm định giá để nâng khống.

“Kính nhờ HĐXX xem xét kỹ số tiền cáo buộc tôi chiếm đoạt, gây thiệt hại trong vụ án”, bà Lan nói.

Bị cáo bày tỏ mong muốn được khắc phục thiệt hại trong vụ án. Bà đề nghị HĐXX giúp chuyển 1.000 tỷ đồng mà bị cáo Nguyễn Cao Trí hoàn trả cho bà để đưa vào SCB. “SCB đang rất cần tiền, giải quyết kinh tế tài chính”, bị cáo bày tỏ.

“Trước HĐXX, tôi hứa số cổ phần của tôi, bạn bè và con tôi, xin HĐXX tạo cơ chế tôi sẵn sàng ủy quyền cho NHNN có cổ phần đấy để tiện trong lúc điều hành. Xin HĐXX xem giúp”, bà Trương Mỹ Lan kết thúc phần trả lời thẩm vấn của luật sư.

Lập ba trung tâm kinh doanh để phục vụ các khoản vay 



Luật sư Phan Trung Hoài cũng xét hỏi bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng giám đốc SCB. Dung khai về bản chất được bổ nhiệm nhờ bà Lan, còn trên mặt hồ sơ đương nhiên là do HĐQT quyết định. Dung cũng cho biết thêm về mặt cổ phần thì không biết Trương Mỹ Lan chiếm khoảng bao nhiêu, chỉ biết bà Lan và con gái chiếm tổng 15%.

Luật sư tiếp tục đặt câu hỏi: “Bị cáo có biết việc Trương Mỹ Lan đưa tài sản của mình vào SCB để tái cơ cấu ngân hàng không?”

Dung trả lời: “Bị cáo có biết, tuy nhiên quá trình tái cơ cấu của SCB có nhiều giai đoạn. Bắt đầu từ 2012, chị Lan có đưa một số tài sản như Times Square, Chợ Vải, Windso vào để tái cơ cấu để làm phương án vay mới, nguồn tiền để trả nợ cho các khoản vay cũ. Còn khoản vay cũ xuất phát từ đâu, ai vay bị cáo không biết”.

“Bản chất dòng tiền không ra khỏi ngân hàng mà khoản vay cũ dùng khoản vay mới phải không?”, luật sư hỏi. Bị cáo Dung trả lời: “Đúng”.



Đối với bị cáo Trương Khánh Hoàng, cựu Quyền Tổng giám đốc Ngân SCB, khi được luật sư Hoài hỏi, vì sao cho rằng Trương Mỹ Lan dù không giữ chức vụ gì nhưng tầm ảnh hưởng của bà Lan trong SCB lớn.

Hoàng trình bày, tại phiên tòa các bị cáo khác cũng đã khai Trương Mỹ Lan giống như người đỡ đầu. Dưới góc nhìn của bị cáo, ngoài là người đỡ đầu, vai trò, vị trí và tầm ảnh hưởng của Trương Mỹ Lan thấy được từ việc tái cơ cấu các khoản nợ của SCB và hoạt động của ngân hàng đa phần thuộc về nhóm của Trương Mỹ Lan.

Ông Phan Trung Hoài tiếp tục hỏi: “Anh có thể giải thích thuật ngữ người đỡ đầu là như thế nào?”. Bị cáo Hoàng trả lời: “Đối với suy nghĩ của bị cáo thì Trương Mỹ Lan là người quyết định, điều hành hoạt động của SCB, còn hiểu sâu hơn về tầm ảnh hưởng của Trương Mỹ Lan thì bị cáo không rõ”.

Nói về việc thành lập thêm ba trung tâm kinh doanh có chức năng cho vay trực thuộc hội sở SCB, Hoàng cho biết, thời điểm đó các chi nhánh phục vụ cho nhóm vay của Trương Mỹ Lan đình chỉ cho vay nên bà Lan nói phải có cách để khắc phục tình trạng này. Khi đó ban lãnh đạo SCB đưa ra phương án lập ba trung tâm kinh doanh để phục vụ các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan.



You may also like...