Mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nhà khoa học hàng đầu phủ nhận thuyết ‘virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm’
Truyền thông Anh “Daily Telegraph” điều tra cho biết, trong số 27 nhà khoa học ký tên vào bức thư phủ nhận khả năng virus Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán đăng trên “The Lancet” vào tháng 3/2020, thì có đến 26 người là có quan hệ với các nhà nghiên cứu Trung Quốc hoặc nhà tài trợ cho Viện Virus học Vũ Hán.
The Lancet là một tạp chí y học có ảnh hưởng lớn và họ đã công bố một bức thư của 27 nhà khoa học vào ngày 7/3 năm ngoái. Các nhà khoa học tuyên bố trong bức thư rằng, họ “lên án mạnh mẽ thuyết âm mưu xung quanh Covid-19”. Bức thư đã khép lại một cách hiệu quả cuộc tranh luận khoa học xoay quanh việc liệu coronavirus có phải bị biến đổi nhân tạo hoặc bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không.
Một nhóm các nhà nghiên cứu khác, những người cố gắng điều tra mối liên hệ giữa Covid-19 và phòng thí nghiệm Vũ Hán, đã bị gán cho là những người theo thuyết âm mưu. Ngày 10/9 vừa qua, họ một lần nữa lên tiếng và gọi đây là hành vi “che đậy cực đoan”.
Mặc dù tuyên bố khi đó nói rằng không có xung đột lợi ích, nhưng sau đó người ta phát hiện ra rằng, bức thư được lên kế hoạch bởi nhà động vật học người Anh Peter Daszak – Chủ tịch của Liên minh Sức khỏe Sinh Thái (EcoHealth Alliance) ở Hoa Kỳ. Liên minh này đã tài trợ cho Viện Virus học Vũ Hán (Wuhan Institute of Virology) – nơi đang bị nghi ngờ là nguồn rò rỉ virus Covid-19.
Cuộc điều tra mở ra mạng lưới liên kết giữa Trung Quốc và các nhà khoa học thế giới
Cụ thể, Daily Telegraph tiết lộ các móc nối giữa 26 nhà khoa học đã ký tên vào bức thư đăng trên The Lancet như sau:
Liên quan đến ‘EcoHealth Alliance’
Tuy cuối cùng ông Peter Daszak (1) tuyên bố có tham gia EcoHealth Alliance nhưng lại không đề cập đến việc 5 người ký tên khác cũng làm việc cho tổ chức này:
Tiến sĩ William Karesh (2) – Phó Chủ tịch Điều hành Chính sách và Y tế tại EcoHealth Alliance.
Giáo sư Rita Colwell (3) – Giám đốc EcoHealth Alliance.
Tiến sĩ James Hughes (4) – Giám đốc EcoHealth Alliance.
Tiến sĩ Hume Field (5) – Cố vấn Chính sách và Khoa học tại EcoHealth Alliance.
Tiến sĩ Juan Lubroth (6) – Cố vấn Chính sách và Khoa học tại EcoHealth Alliance.
Năm 2006, Tiến sĩ Charles Calisher (7) của Đại học Bang Colorado đã xuất bản một bài báo về khả năng dơi lây truyền coronavirus cùng với Tiến sĩ Hume Field của EcoHealth Alliance.
Liên quan đến ‘Wellcome Trust’
Có 3 nhà khoa học đã ký vào bức thư này đến từ quỹ đầu tư ủy thác “Wellcome Trust” của Vương quốc Anh. Quỹ này trước kia từng tài trợ cho công việc của Viện Virus học Vũ Hán:
Ngài Jeremy Farrar (8) là thành viên của “Nhóm cố vấn khoa học trong các trường hợp khẩn cấp” (SAGE) của Chính phủ Anh và là Giám đốc của quỹ “Wellcome Trust”. Ông đã ký tên vào bức thư và còn đăng một bài viết nói về sự hợp tác với ông Cao Phúc (Gao Fu) – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch Bệnh (CDC) Trung Quốc. Trong bài ông gọi ông Cao Phúc là “bạn cũ” của mình.
Ông Cao Phúc tốt nghiệp Đại học Oxford và từng là trợ lý nghiên cứu tại quỹ “Wellcome Trust”. Ông Daszak từng nói rằng, ông Cao là người đã giúp đỡ ông được đề cử vào Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia.
Ông Cao Phúc cũng có liên hệ mật thiết với bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli), một nhà khoa học được mệnh danh là “người đàn bà dơi”. Bà Thạch đang dẫn đầu cuộc nghiên cứu về virus corona trên loài dơi ở Vũ Hán. Nhóm của bà đã phát hiện ra một loại virus trong một hang động ở Vân Nam vào năm 2013. Cho đến nay, đây là loại virus được phát hiện gần nhất với Sars-Cov-2.
Tiến sĩ Josie Golding (9) – Người phụ trách Dịch tễ của quỹ “Wellcome Trust”.
Giáo sư Mike Turner (10) – Người phụ trách chính về đầu tư khoa học của quỹ “Wellcome Trust”.
Liên quan đến ‘Global Virome Project’
Hai người ký tên khác nằm trong nhóm lãnh đạo của dự án “Global Virome Project” là Tiến sĩ Jonna Mazet (11) của Đại học California Davis và Tiến sĩ Dennis Carroll (12). Mà ông Daszak lại là Giám đốc tài chính của dự án này, còn ông Cao Phúc đã giúp khởi động dự án và EcoHealth Alliance là đối tác của nó.
Tiến sĩ Jonna Mazet còn từng xuất bản bài báo về virus corona ở loài dơi với bà Thạch Chính Lệ và ông Daszak.
Mục tiêu của “Global Virome Project” là xác định và nhận biết ít nhất 99% các virus tiềm ẩn nguy cơ truyền bệnh từ động vật sang người, đe dọa đến sức khỏe con người và an ninh thực phẩm. Đây cũng là bên đã tiếp quản dự án “Dự đoán” (Predict), dự án này đã tìm thấy hơn 1.000 loại virus đặc biệt giữa động vật và con người.
Tuy nhiên, sau đó phát hiện rằng dự án “Predict” này đã tài trợ một phần cho nghiên cứu tăng cường chức năng cho virus corona ở loài dơi của các nhà nghiên cứu Vũ Hán. Đây là vấn đề đang gây tranh cãi. Các loại virus này bị biến đổi nhân tạo để xem liệu chúng có thể lây nhiễm sang người hay không. Số tiền tài trợ được cung cấp thông qua EcoHealth Alliance.
Giáo sư Gerald Keusch (13) của Đại học Boston: Chụp ảnh nhóm với ông Daszak, Tiến sĩ Dennis Carroll và Tiến sĩ Jonna Mazet tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập dự án “Predict”. Là thành viên của các ủy ban khác nhau thuộc quỹ “Wellcome Trust”.
Tiến sĩ Larry Madoff (14) – cựu cố vấn và hiện là biên tập viên của tạp chí ProMed, tạp chí nãy đã nhận được hỗ trợ từ “Wellcome Trust”. Vào tháng 12/2018, ông đã phát biểu tại “Hội nghị Một sức khỏe” (One Health Conference) do EcoHealth Alliance tài trợ và cùng phát biểu về một dự án với Tiến sĩ Jonna Mazet.
Liên quan đến bà Thạch Chính Lệ / Viện Virus học Vũ Hán / Trung Quốc
Một người ký tên khác là Giáo sư Linda Saif (15) của Đại học Bang Ohio. Bà Saif cùng với bà Thạch Chính Lệ và ông Cao Phúc đã phát biểu tại một cuộc hội thảo được tổ chức ở Vũ Hán vào tháng 5/2017, do Viện Virus học Vũ Hán chủ trì. Các chủ đề được thảo luận tại cuộc họp bao gồm mức độ an toàn của các phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Bài phát biểu của bà Saif liên quan đến virus corona ở động vật.
Giáo sư Leo Poon (16) của Đại học Hong Kong, được trích dẫn trong các bài báo của Ngài Jeremy Farrar và bà Thạch Chính Lệ.
Giáo sư Sai Kit Lam (17) xuất bản bài luận với Đại học Trung văn Hong Kong.
Nhà virus học người Đức Christian Drosten (18) – người biên tập bài báo “PLOS Pathogens” năm 2017. Trong bài, ông Daszak và bà Thạch Chính Lệ đã báo cáo về sự hiện diện của một lượng lớn virus corona trên loài dơi ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Bài báo cũng chỉ ra rằng, các phiên bản chimera (được biến đổi nhân tạo) của những virus này có thể lây nhiễm sang các tế bào của con người.
Giáo sư Kanta Subbarao (19) là một trong những người có liên hệ với nhóm nghiên cứu Vũ Hán. Bà Subbarao đã phát biểu về các bệnh mới nổi tại một hội nghị ở Vũ Hán vào năm 2016 do Viện Virus học Vũ Hán đồng tổ chức. Thời điểm đó, bà là Giám đốc của Khoa Virus đường hô hấp mới nổi tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID).
Tiến sĩ John Mackenzie (20) của Đại học Công nghệ Curtin ở Úc cũng ký tên vào lá thư, nhưng không đề cập đến việc ông vẫn nằm trong danh sách thành viên của Ủy ban Cố vấn Khoa học thuộc Trung tâm bệnh Truyền nhiễm Mới nổi của Viện Virus học Vũ Hán.
Giáo sư Bernard Roizman (21) của Đại học Chicago: xuất bản các bài báo về gia cầm với Ngài Jeremy Farrar, và xuất bản các bài báo về dơi và virus corona với bà Thạch Chính Lệ.
Năm người ký tên còn lại đều đã từng xuất bản các bài báo với Giáo sư Ralph Baric. Ông Baric đã làm việc với bà Thạch Chính Lệ và Viện Virus học Vũ Hán để nghiên cứu thao tác di truyền của coronavirus xem liệu chúng có thể lây nhiễm sang người hay không.
Đó là: Giáo sư Stanley Perlman (22) của Đại học Iowa, Giáo sư Luis Enjuanes (23) của Trung tâm Công nghệ Sinh học Quốc gia Madrid, Giáo sư Alexander Gorbalenya (24) của Đại học Leiden, Tiến sĩ Bart Haagmans (25) của Trung tâm Y tế Erasmus, Giáo sư Peter Palese (26) của Trường Y Icahn ở Mount Sinai.
Quan trọng nhất là, ban đầu ông Daszak đã đề nghị ông Baric tham gia nhóm ký tên, nhưng ông Baric lại không được đưa vào danh sách chữ ký. Gần đây, một bức thư điện tử giữa ông Daszak và ông Baric đã được tiết lộ trong thư của tạp chí The Lancet, cho thấy cả hai đã quyết định làm mờ mối quan hệ của họ để trông nó không giống như một cuộc “theo đuổi lợi ích cá nhân”.
Ông Daszak nói với ông Baric rằng, sẽ “gửi bức thư này đi theo cách mà không liên hệ nó với sự hợp tác của chúng ta, để chúng ta có thể tối đa hóa tiếng nói độc lập của mình”.
Trong một email được công bố vào ngày 8/2 theo yêu cầu tự do thông tin, Daszak tiết lộ rằng ông đã viết bức thư này và đăng nó trên The Lancet sau khi được một “người hợp tác” bên Trung Quốc yêu cầu “bày tỏ sự ủng hộ”.
Hành vi ‘che đậy cực đoan’
Giáo sư Ung thư Angus Dalgleish tại Đại học London St. George và nhà khoa học Na Uy Birger Sorensen đã nỗ lực để xuất bản bài báo cho thấy mối liên hệ giữa con virus này và Viện Virus học Vũ Hán. Họ nói rằng có một hành vi “che đậy cực đoan”.
Hai nhà khoa học này phát hiện rằng, trong những người ký tên vào bức thư, có rất nhiều người liên quan đến Trung Quốc: “Bài viết này lần đầu tiên cho thấy rõ ràng rằng, toàn bộ lĩnh vực nghiên cứu virus của chúng ta đã bị ô nhiễm về mặt chính trị. Những vết sẹo trên cơ thể chúng ta là bằng chứng”.
Trong số 27 người ký tên, chỉ có Giáo sư Ronald Corley (27) của Đại học Boston là người dường như không có liên hệ với các nhà tài trợ hoặc nhà nghiên cứu Trung Quốc.
Mặc dù vào tháng 6 năm nay, bức thư trên The Lancet đã được thêm vào một phụ lục, trong đó chỉ ra mối liên hệ giữa ông Daszak và Vũ Hán, nhưng khi đó những người ký tên khác đã không tiết lộ bất kỳ xung đột lợi ích nào.
Giáo sư Richard Ebright, một nhà sinh học phân tử tại Đại học Rutgers, người đã chiến đấu để khám phá sự thật đằng sau đại dịch Covid-19, cho biết:
“Trong phần bổ sung tháng 6, The Lancet đã mời 27 tác giả của bức thư này đánh giá lại xung đột lợi ích của họ. Điều khó tin là chỉ có ông Daszak làm điều này. Không ai trong số 26 người ký tên còn lại báo cáo về xung đột lợi ích, thậm chí cả những người có xung đột [lợi ích] rõ ràng như nhân viên của EcoHealth Alliance và các bên hợp tác với ‘Predict’.
Đối với các tuyên bố gian lận trên các ấn phẩm khoa học, cách sửa chữa tiêu chuẩn là rút lại bài. Hiện vẫn không rõ tại sao chưa có ai truy cứu trách nhiệm rút bài”.
Một số nhà khoa học từng ký tên đã thay đổi lập trường
Giáo sư Peter Palese của Trường Y Icahn ở Mount Sinai hiện đang kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện.
Tiến sĩ Charles Calisher của Đại học Bang Colorado nói với Daily Telegraph rằng, bức thư không bao giờ có ý ám chỉ rằng Covid-19 không có khả năng bắt nguồn từ tự nhiên, mà ý là không đủ dữ liệu.
Giáo sư Stanley Perlman của Đại học Iow nói với Daily Telegraph: “Là một phần của quá trình (truy tìm nguồn gốc virus), rất khó để loại trừ khả năng rò rỉ trong phòng thí nghiệm, vì vậy điều này vẫn cần được xem xét”.
Thậm chí Giáo sư Bernard Roizman còn nói với tờ The Wall Street Journal vào tháng 5 rằng, giờ đây ông tin rằng virus đã vô tình bị phóng thích bởi một nhà khoa học “cẩu thả”.
Vào tháng 6, ông Daszak đã bị loại khỏi Ủy ban Covid của Liên Hợp Quốc – cơ quan điều tra nguồn gốc của đại dịch, vì thiếu tính công chính trong khoa học. Tuy nhiên, ông vẫn là thành viên của Nhóm Điều tra Covid của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ông và nhóm của WHO là đồng tác giả một bài báo đăng trên tạp chí Nature vào đầu tháng này. Họ tuyên bố rằng, thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm vẫn chưa có bằng chứng, đồng thời cảnh báo rằng việc truy tìm nguồn gốc của đại dịch có lẽ đã quá muộn.
Giáo sư Angus Dalgleish nói thêm: “Vì sự trì hoãn này, có thể đã quá muộn để làm rõ nguyên nhân của đại dịch, nhưng tôi nghĩ rằng tồn tại đủ bằng chứng. Có lẽ, nếu họ không làm nghiên cứu này (tăng cường chức năng), thì đại dịch Covid-19 có thể không bao giờ xảy ra”.
nguồn:https://www.ntdvn.com/the-gioi/moi-quan-he-giua-trung-quoc-va-cac-nha-khoa-hoc-hang-dau-phu-nhan-thuyet-virus-ro-ri-tu-phong-thi-nghiem-249136.html