Tàu sân bay Nhật Bản áp sát tàu sân bay Trung Quốc
Trung Quốc công bố hình ảnh tàu sân bay Nhật Bản áp sát tàu sân bay của Bắc Kinh khi tàu này đang tham gia cuộc tập trận ở Thái Bình Dương.
Văn phòng Bộ Tham mưu Liên hợp Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) thông báo rằng họ đã quan sát thấy Liêu Ninh, cùng một tàu khu trục Type 052D, một tàu hộ vệ Type 054A và một tàu tiếp tế Type 901, di chuyển từ biển Hoa Đông vào Tây Thái Bình Dương về phía đông nam Okinawa vào ngày 15/12.
Đội tàu Trung Quốc sau đó di chuyển xa hơn về phía đông nam và tiến hành các cuộc tập trận, bao gồm phóng và thu hồi máy bay chiến đấu J-15, cũng triển khai các trực thăng Z-9 và Z-18 từ tàu sân bay. Các tàu của lực lượng Hải quân Trung Quốc sau đó đã quay trở lại Biển Hoa Đông vào ngày 25/12.
Nhật Bản cũng công bố hình ảnh các tàu chiến Trung Quốc mà họ chụp được trong cuộc “chạm mặt” giữa 2 tàu sân bay. Tokyo xác nhận Izumo cùng với tàu khu trục Akizuki đã theo dõi hoạt động của hạm đội Trung Quốc, trong khi các máy bay tuần tra hàng hải P-1 và P-3 cũng “để mắt” tới cuộc tập trận của Bắc Kinh. Các tiêm kích của Nhật Bản cũng được triển khai khi J-15 được phóng đi từ Liêu Ninh trong cuộc tập trận.
Theo giới quan sát, việc một nước điều tàu theo dõi nước khác tập trận trên vùng biển quốc tế khá gần với lãnh thổ của nước mình là điều bình thường. Hiện thời, không có dấu hiệu nào cho thấy phía Trung Quốc hay Nhật Bản có cách hành xử nguy hiểm hoặc không chuyên nghiệp trong cuộc chạm mặt trên biển.
Tuy nhiên, điều bất thường ở đây theo giới quan sát là việc Nhật Bản điều tàu sân bay để theo dõi Liêu Ninh và lại để 2 tàu duy trì ở khoảng cách khá gần như vậy. Nhật Bản, giống như nhiều nước khác, thường đưa các tàu nhỏ hơn để làm nhiệm vụ theo sát chiến hạm nước khác.
Giới quan sát nhận định, Nhật Bản dường như muốn gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc về năng lực quân sự của họ và việc Tokyo sẵn sàng triển khai năng lực này ở khu vực tây Thái Bình Dương.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản có dấu hiệu leo thang trong thời gian quan liên quan tới vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku trên Biển Hoa Đông, hiện do Tokyo kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Ngoài ra, 2 nước cũng có những bất đồng xoay quanh vấn đề Đài Loan trong những tháng trở lại đây.
Giữa tình hình này, ngày 28/12, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo đã đồng ý lập đường dây nóng với phía Trung Quốc để tạo ra một kênh liên lạc có thể giúp xoa dịu những kịch bản căng thẳng leo thang.