Share

Quốc tế cần đoàn kết với Litva và Đài Loan trước hành vi áp chế của ĐCSTQ

Một số thành viên của Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (Inter-Parliamentary Alliance on China – IPAC) đang kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết với Litva và Đài Loan, những quốc gia đang phải đối mặt với sự áp chế từ chính quyền Bắc Kinh.

Liên minh này là một mạng lưới các nhà lập pháp đa quốc gia có chung lo ngại về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi thường pháp quyền và nhân quyền toàn cầu.

Hối tháng Bảy, chế độ Trung Quốc đã bắt đầu cuộc đấu tranh với Litva khi nước này đồng ý cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện tại quốc gia Baltic này với tên gọi “Đài Loan”. Kể từ đó, ĐCSTQ đã triệu hồi đại sứ của họ ở thủ đô Vilnius của nước này, đồng thời buộc Litva triệu hồi đại sứ của họ tại Trung Quốc, và gia tăng cấp độ đe dọa đối với quốc gia Baltic này.

Thêm vào đó, Bắc Kinh đã quyết định trừng phạt kinh tế Litva. Trao đổi với The Baltic Times hồi cuối tháng trước, Giám đốc Cơ quan Thú y và Thực phẩm Quốc gia của Litva là ông Mantas Staskevicius cho biết, ĐCSTQ đã ngừng phê duyệt giấy phép xuất khẩu mới cho một số doanh nghiệp Litva. Công ty Đường sắt Litva thuộc sở hữu nhà nước nói với Newsweek rằng, một số chuyến tàu chở hàng từ Trung Quốc đến quốc gia Baltic sẽ bị đình chỉ cho đến giữa tháng này.

ĐCSTQ cầm quyền tại Trung Quốc vẫn luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình. Chế độ độc tài này sẽ chỉ trích các chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế về bất kỳ hành động nào mà ĐCSTQ cho là họ đang cổ vũ tình trạng thực tế của Đài Loan là một quốc gia độc lập thực sự.

Trong một video do IPAC phát hành, Thượng nghị sĩ Malcolm Byrne của Ireland cho biết: “Bằng cách bắt nạt Litva, Bắc Kinh hy vọng sẽ gửi một lời cảnh báo tới các nền dân chủ trên toàn thế giới”. Tổng cộng có 15 thành viên của IPAC đã phát biểu trong video này.

Thành viên Reinhard Bütikofer của Nghị viện Châu Âu đại diện cho Đức khẳng định: “Nếu Litva bị Bắc Kinh trừng phạt, các đồng minh dân chủ của họ trên toàn thế giới phải sẵn sàng hỗ trợ”. Ông Bütikofer hiện cũng là Chủ tịch Phái đoàn Nghị viện Châu Âu về Quan hệ với Trung Quốc.

Một thành viên của Hạ viện Nhật Bản là bà Shiori Yamao tuyên bố: “Đài Loan có một vai trò quan trọng trong cộng đồng quốc tế, và tất cả các quốc gia đều có quyền thiết lập quan hệ với Đài Loan khi họ thấy phù hợp”.

Phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, Quốc phòng và Lực lượng Vũ trang của Thượng viện Pháp là ông André Gattolin nêu rõ: “Chúng tôi khen ngợi lòng dũng cảm của người dân Litva và Đài Loan, đồng thời kêu gọi các quốc gia dân chủ ở khắp mọi nơi cùng thống nhất chống lại chính sách ngoại giao cưỡng bức của Bắc Kinh”.

Đáp lại lời kêu gọi của IPAC, Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ trên Twitter rằng, họ đánh giá cao “sự hỗ trợ nhiệt tình” từ các thành viên IPAC đã lên tiếng. Bộ này nêu rõ: “Tiếng nói của thế giới tự do đang vang to và rõ ràng!”.

Đại sứ thực tế của Đài Loan tại Hoa Kỳ là bà Hsiao Bi-khim cũng đã lên Twitter để cảm ơn các thành viên IPAC, vì đã “sát cánh cùng Litva và Đài Loan chống lại sự bắt nạt và ép buộc của Trung Quốc”.

Đây là lời kêu gọi quốc tế thứ hai về tình đoàn kết với Litva và Đài Loan. Vào cuối tháng Tám, Thượng nghị sĩ Dân chủ của Hoa Kỳ là ông Bob Menendez (New Jersey) – người chủ trì Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ – và những người đồng cấp của ông từ hơn 10 quốc gia và Nghị viện châu Âu, đã đưa ra một bức thư ngỏ bày tỏ sự ủng hộ đối với Litva để “duy trì đường lối hiện tại nhằm loại bỏ hành vi gây hấn của Trung Quốc”.

Hồi tháng Tám, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đều đã nói chuyện với Ngoại trưởng Litva là ông Gabrielius Landsbergis để lên tiếng ủng hộ quốc gia Baltic này.

Vào ngày 10/9, Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ tại Cục các vấn đề châu Âu và Á-Âu là ông Michael J. Murphy đã gặp gỡ Ngoại trưởng Landsbergis ở thủ đô Vilnius. Theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Litva, hai bên đã thảo luận về các cơ hội để làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế song phương.

Tên văn phòng đại diện của Đài Loan tại Hoa Kỳ — hiện được gọi là Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (Taipei Economic and Cultural Representative Office – TECRO) — gần đây cũng đã thu hút sự chú ý. Vào ngày 11/9, hãng tin Financial Times đưa tin rằng, chính quyền ông Biden đang xem xét đổi tên của cơ quan đại diện Đài Loan thành “Văn phòng đại diện Đài Loan”, trích dẫn các nguồn giấu tên.

Hoa Kỳ hiện không phải là đồng minh ngoại giao chính thức của Đài Loan. Chính quyền Washington đã thay đổi chính sách công nhận ngoại giao theo hướng có lợi cho Bắc Kinh vào năm 1979. Kể từ đó, Hoa Kỳ đã duy trì mối quan hệ phi ngoại giao với Đài Loan, dựa trên Đạo luật Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act – TRA).

Phương tiện truyền thông diều hâu Thời báo Hoàn Cầu của ĐCSTQ đã đăng một bài xã luận đầy kích động vào ngày 12/9. Nếu việc đổi tên diễn ra như thông tin mà Financial Times đề xuất, Thời báo Hoàn Cầu cho biết, Bắc Kinh sẽ “áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc” đối với Đài Loan và thực hiện “phong tỏa kinh tế” trên hòn đảo tự trị này.

Bài xã luận cũng tuyên bố rằng, ĐCSTQ sẽ điều máy bay quân sự tới Đài Loan và “đặt không phận của hòn đảo vào khu vực tuần tra” của quân đội Trung Quốc.

Vào ngày 10/9, phát ngôn viên Joanne Ou của Bộ Quốc phòng Đài Loan nói với truyền thông địa phương rằng, bà không có bất kỳ bình luận nào về tin tức của Financial Times. Bà cho biết: “Tăng cường và nâng cao toàn diện mối quan hệ Đài Loan – Hoa Kỳ luôn là mục tiêu trong những nỗ lực lâu dài của chính phủ chúng tôi”.

nguồn: https://www.ntdvn.com/the-gioi/quoc-te-doan-ket-voi-litva-va-dai-loan-247867.html

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *