Share

S&P: Chính sách phòng dịch của TQ sẽ khiến nợ của doanh nghiệp tồi tệ hơn

Công ty S&P Global cảnh báo rằng mô hình chống dịch bệnh “làm sạch ca nhiễm về 0” của Trung Quốc sẽ khiến một số công ty lớn của nước này có nguy cơ bị nợ tăng cao trong năm nay.

CNBC đưa tin hôm thứ Hai, trong một báo cáo vào tuần trước, công ty hàng đầu xếp hạng S&P Global Ratings đã cảnh báo rằng dịch bệnh đã khiến một số công ty lớn của Trung Quốc rơi vào khó khăn tài chính, và chiến lược chống dịch “làm sạch ca nhiễm về 0” của Trung Quốc có thể khiến tình hình nợ nần của các công ty ngày càng xấu đi. Nếu Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch “ca nhiễm bằng 0”, tiếp tục hạn chế thanh khoản về mọi mặt và tiếp tục thực hiện các biện pháp phong tỏa, thì một số công ty lớn ở Trung Quốc có thể phải đối mặt với áp lực hơn nữa.

Theo dữ liệu của S&P, các ca nhiễm COVID-19 trên khắp Trung Quốc đã tăng cao trong tháng 7 và tháng 8. Các nhà phân tích từ S&P viết: “Sự xuất hiện trở lại gần đây của COVID-19 ở Trung Quốc diễn ra vào thời điểm rủi ro của các công ty Trung Quốc đang tăng cao. Các công ty Trung Quốc đang phải đối mặt với tỷ lệ đòn bẩy cao hơn, dòng tiền yếu hơn, thanh khoản khó khăn hơn và các điều kiện tài chính không ổn định, tất cả đều đi kèm với các hành động phong tỏa và quản lý giám sát chưa từng có.”

Kể từ năm ngoái, Trung Quốc đã áp dụng hai biện pháp chính để ngăn chặn dịch bệnh, thứ nhất là chặn người dân ra ngoài, mục đích là giảm dòng người qua lại để ngăn chặn virus lây lan. Biện pháp thứ hai là xét nghiệm axit nucleic. Những người đã bị nhiễm bệnh được đưa ra khỏi cộng đồng để cách ly và trong cộng đồng dân cư được thanh lọc theo cách này. Chính sách này được gọi là “làm sạch ca nhiễm về 0”, nó có hiệu quả về mặt phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.

Tuy nhiên, chiến lược “làm sạch ca nhiễm về 0” có 2 tác dụng phụ, tác dụng phụ đầu tiên là một thảm họa nhân đạo. Nếu dịch bệnh liên tục bùng phát, phong tỏa 2 – 3 tháng, trong khi người bệnh không được chữa trị, người dân sẽ chết đói ở những nơi không có có tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, người dân sẽ rất khổ sở. Thứ hai là, chiến lược “làm sạch ca nhiễm về 0” rất mong manh. Vì vắc-xin của ĐCSTQ không hiệu quả và virus có thể bùng phát bất cứ lúc nào, do đó, nền tảng cho sự vận hành ổn định của nền kinh tế Trung Quốc là rất mong manh. Chỉ cần có 1 ca nhiễm, việc kiểm soát ra vào sẽ được thực hiện và xét nghiệm axit nucleic quy mô lớn sẽ được thực hiện.

Vào tháng 8, một công nhân bị nhiễm COVID-19, khiến cho cảng Chu Sơn ở Ninh Ba (Chiết Giang) phải đóng cửa, đây là cảng biển nhộn nhịp thứ ba trên thế giới. Vào đầu tháng 6, sự lây nhiễm COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn các đầu mối vận chuyển bằng tàu thuyền ở miền nam Trung Quốc, bao gồm các cảng quan trọng ở Thâm Quyến và Quảng Châu.

Công ty S&P cho biết, mặc dù các biện pháp “làm sạch ca nhiễm về 0” đã thúc đẩy hiệu quả việc giảm thiểu các ca nhiễm, nhưng nó cũng cho thấy hậu quả trực tiếp đó là làm nền kinh tế nghẹt thở, ngay cả khi biện pháp này chỉ có tính nhắm vào khu vực nhất định, nhưng cũng dẫn đến sự hỗn loạn ở phần lớn các khu vực trên toàn quốc. Hiện nay ở Trung Quốc, ngành công nghiệp bán lẻ đang điêu đứng và các cửa hàng trên đường phố phải đóng cửa. Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc trong tháng 7 đã nhanh chóng đi xuống theo đường thẳng.

Tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc Evergrande Group vẫn luôn được theo dõi chặt chẽ. Trong những tháng gần đây, Evergrande đã bị các cơ quan xếp hạng hạ cấp nhiều lần, các vấn đề về thanh khoản và rủi ro vỡ nợ ngày càng gia tăng. Evergrande đã cảnh báo vào tuần trước rằng họ có thể vỡ nợ. Cùng lúc đó, công ty quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc là Huarong cũng đang phải vật lộn với những khoản đầu tư thất bại. Đầu năm nay, Huarong đã không nộp báo cáo tài chính đúng hạn, việc này gây ra sự xáo trộn trên thị trường và trái phiếu của công ty giảm mạnh.

Công ty S&P cho biết, nếu dịch bệnh tiếp tục gây ảnh hưởng đến Trung Quốc, xếp hạng trong tương lai của công ty Trung Quốc có thể “tiếp tục bị đẩy sang mức tiêu cực”.

Công ty này đã xác định những ngành lớn có rủi ro đi xuống, có nghĩa là những ngành này sẽ có xếp hạng tiêu cực trong tương lai. Những ngành này bao gồm ô tô, bất động sản, truyền thông và giải trí, cho đến cả các công ty do chính quyền địa phương thành lập và sở hữu để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng công cộng.

nguồn: https://trithucvn.org/trung-quoc/sp-chinh-sach-phong-dich-cua-tq-se-khien-no-cua-doanh-nghiep-toi-te-hon.html

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *