Share

Tập Cận Bình, Putin bị liệt vào danh sách 37 nguyên thủ đàn áp tự do báo chí

Ông Tập và ông Putin cùng với các lãnh đạo các quốc gia khác như Quốc vương Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman Al Saud, Lãnh đạo Tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là những người nằm trong danh sách “37 nguyên thủ quốc gia hoặc lãnh đạo chính phủ trấn áp báo chí trên diện rộng”, theo báo cáo của RSF công bố hôm thứ Sáu tuần trước.

Tổng thư ký RSF Christophe Deloire cho hay: “Mỗi người trong số những kẻ vi phạm tự do báo chí này có phong cách riêng. Một số áp đặt chế độ khủng bố thông qua việc ban hành các sắc lệnh phi lý và hoang tưởng. Một số khác áp dụng chiến lược được xây dựng cẩn thận dựa trên các đạo luật hà khắc. Một thách thức lớn hiện nay là phải buộc những kẻ vi phạm tự do báo chí này phải trả giá đắt nhất có thể cho hành vi áp bức của họ. Chúng ta phải không được để những phương thức [trấn áp] của họ trở thành điều bình thường mới”.

Gần một nửa những lãnh đạo có tên trong danh sách năm 2021 của RSF về áp bức tự do báo chí là những người lần đầu bị nêu tên, chẳng hạn như Quốc vương Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. “Ông Bolsonaro đã đưa ra những phát ngôn hiếu chiến và thô lỗ về truyền thông từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát”, theo báo cáo của RSF.

Danh sách của RSF cũng lần đầu nêu tên hai phụ nữ là Đặc khu Trưởng Hồng Kông Carrie Lam và Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina. RSF gắn nhãn bà Lam là “con rối của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”, trong khi đó cáo buộc bà Hasina thực thi “gia tăng trấn áp”, bao gồm “luật an ninh kỹ thuật số được ban hành năm 2018 tại Bangladesh đã dẫn tới hơn 70 nhà báo và blogger bị truy tố”.

Nhiều quốc gia của những lãnh đạo có tên trong danh sách nêu trên bị đánh dấu màu đỏ và đen trong bản đồ tự do báo chí của RSF, có nghĩa đây là các quốc gia “tồi tệ” hoặc “rất tồi tệ” đối với báo chí.

Vào tháng Mười Một năm ngoái, Trung Quốc vốn là quốc gia có màu đen trong bản đồ tự do báo chí của RSF đã truy tố cựu luật sư Zhang Zhan nhiều tội danh. Bà Zhang Zhan là người đã đưa tin về những ngày đầu bùng phát virus corona chủng mới tại Vũ Hán. Chính quyền Trung Quốc cáo buộc bà “gây chuyện và tạo ra vấn đề” vì bà phơi bày chế độ cộng sản nỗ lực kiểm duyệt các tin tức sớm về sự bùng phát virus corona. Bà Zhang Zhan đã bị kết án 4 năm tù giam sau một phiên tòa kéo dài 3 giờ.

Vào tháng Năm năm nay, cựu chủ tịch kiêm CEO của Đài châu Âu Tự do (Radio Free Europe/Radio Liberty) Ted Lipien đã cáo buộc ông Putin từng “gửi thư tống tiền tổ chức truyền thông do người nộp thuế Mỹ cấp tiền”. Ted Lipien cho biết ông Putin đã “ban hành án phạt hình chính và đưa ra các đe dọa về truy tố hình sự nếu Đài châu Âu Tự do không đồng ý chơi theo luật lệ của ông ta”. Ông Putin đã đáp trả cáo buộc này với tuyên bố: “Thật không may, truyền thông Mỹ không hoàn toàn tuân thủ các yêu cầu của luật pháp Nga”.

Trong năm 2020, số lượng nhà báo trên toàn thế giới bị bỏ tù do công việc của mình đã tăng lên mức kỷ lục. Tính đến ngày 1/12/2020, đã có ít nhất 274 nhà báo đã bị tống giám do hành nghề báo chí, theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo.

Các nhà lập pháp Mỹ đang nỗ lực thông qua một dự luật mới để củng cố tự do báo chí quốc tế. Vào tháng Tư vừa qua, hai Thượng nghị sĩ Lindsey Graham và Tim Kaine đã giới thiệu ra Thượng viện liên bang Đạo luật Tự do Báo chí Quốc tế 2021. Dự luật lưỡng đảng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tự do báo chí toàn cầu hiện đang được Ủy ban Tư pháp Thượng viện xem xét.

Như Ngọc (Theo Washington Examiner) trithucvn.org

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *