Share

Đàm phán biên giới Trung-Ấn thất bại, hai bên đổ lỗi cho nhau

Hôm 10/10, Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức cuộc đàm phán quân sự cấp cao mới nhất, nhằm xoa dịu căng thẳng tại biên giới tranh chấp. Theo thông cáo được hai nước đưa ra hôm 11/10, cuộc đàm phán này không đạt được thỏa thuận và hai bên đã đổ lỗi cho nhau.

Chỉ huy quân sự của hai nước đã tổ chức cuộc đàm phán tại Moldo ở Ladakh hôm 10/10, nhằm xoa dịu cuộc đối đầu kéo dài 17 tháng qua.

Vào tháng 6/2020, binh lính Trung Quốc và Ấn Độ đã nổ ra một cuộc đụng độ đẫm máu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ tại khu vực biên giới Ladakh, cả hai bên đều có thương vong. Kể từ đó, Trung Quốc và Ấn Độ đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán để làm dịu tình hình căng thẳng.

Hôm qua (11/10), Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt đưa ra tuyên bố về cuộc đàm phán ngày hôm trước và đẩy trách nhiệm cho nhau về tình trạng bế tắc hiện tại.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ đổ lỗi tình hình căng thẳng là do “nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng của Trung Quốc”. Ấn Độ cho biết, Tư lệnh Lục quân nước này đã đưa ra những đề xuất mang tính xây dựng, nhưng đại diện Trung Quốc không đồng ý.

Phát ngôn viên của quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Long Thiệu Hoa, nói rằng Trung Quốc có thành ý xoa dịu tình hình, nhưng Ấn Độ kiên quyết đưa ra những yêu cầu vô lý, không thực tế.

Năm nay, cả hai nước đã xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng trên vùng lãnh thổ tranh chấp dọc biên giới, bao gồm lều cách nhiệt cho binh lính đóng quân tại đó trú ngụ qua mùa đông lạnh giá ở Himalaya.

Theo quan chức tình báo và quân sự Ấn Độ, quân đội ĐCSTQ đã tăng số binh lính đóng quân từ khoảng 15.000 người vào năm ngoái lên ít nhất 50.000. Các quan chức cho biết, Ấn Độ cũng đã thực hiện các biện pháp tương ứng, gửi hàng chục nghìn binh lính và pháo tối tân tới khu vực này.

Cuộc đàm phán mới nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ diễn ra vào thời điểm Ấn Độ bất mãn việc Trung Quốc triển khai quân đội và vũ khí quy mô lớn ở khu vực tuyến đầu Ladakh.

Tướng Ấn Độ MM Naravane cho biết hôm 9/10 rằng, “Vâng, điều đáng lo ngại là việc tập kết quy mô lớn đã xảy ra và tiếp tục tồn tại. Để duy trì kiểu tập kết này, Trung Quốc đã xây dựng số lượng cơ sở hạ tầng tương đương”.

“Vì vậy, có nghĩa là họ (Trung Quốc) sẽ ở lại đó. Chúng tôi đang chú ý theo dõi tất cả những diễn biến này, nhưng nếu họ ở lại, chúng tôi cũng sẽ ở lại”, ông Naravane nói.

AP cho biết, từ khi nổ ra tranh chấp vào năm ngoái, ĐCSTQ đã xây dựng hàng chục cơ sở chống chịu thời tiết quy mô lớn dọc theo Đường kiểm soát Ấn Độ – Trung Quốc (LAC) để binh lính trú ngụ trong mùa đông.

Truyền thông Ấn Độ đưa tin rằng Trung Quốc đã xây dựng một sân bay trực thăng mới, mở rộng đường băng, xây dựng doanh trại mới, căn cứ tên lửa đất đối không mới trong khu vực này.

https://www.ntdvn.com/trung-quoc/dam-phan-bien-gioi-trung-an-that-bai-hai-ben-do-loi-cho-nhau-260995.html

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *