Share

Sau nhiều năm bị tố trục lợi trên TTCK, ông Powell buộc phải ra quy định cấm chính ông và các quan chức Fed đầu tư

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào hôm thứ Năm (21/10) đã ban hành quy định cấm quan chức của Fed đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu và trái phiếu, đồng thời hạn chế họ đầu tư gián tiếp (đầu tư ủy thác) qua quỹ tương hỗ. Động thái này diễn ra sau nhiều năm những người đứng đầu trong Fed, bao gồm cả Chủ tịch Fed là Jerome Powell, bị tố trục lợi cá nhân trên thị trường tài chính Mỹ do chính họ quản lý.

Quyết định được Fed đưa ra sau khi ông Jerome Powell – Chủ tịch Fed, ông Eric Rosengren – Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, và ông Robert Kaplan – Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas cùng vướng phải ồn ào liên quan đến đầu tư cá nhân. Nhiều bài báo, với các bằng chứng không thể chối cãi, cho thấy các hoạt động đầu tư của 3 ông này diễn ra khi Fed đang tích cực hỗ trợ thị trường vượt qua cơn khủng hoảng gây ra bởi đại dịch. Điều này làm dấy lên nghi ngờ họ thực hiện giao dịch dựa trên các thông tin nội bộ. Vụ bê bối đã khiến ông Rosengren và ông Kaplan phải từ chức, trong khi phủ mây mù lên con đường tái đắc cử chức Chủ tịch Fed của ông Powell. 

Cụ thể, theo Wall Street Journal, ông Rosengren đã giao dịch cổ phiếu và thực hiện các khoản đầu tư khác liên quan đến ngành bất động sản vào năm ngoái, trong khi đang làm nhiệm vụ xây dựng chính sách tiền tệ tại Fed. Còn ông Kaplan đã chi nhiều triệu USD để giao dịch cổ phiếu và đầu tư ở thị trường tương lai và quỹ đầu tư khác kể từ khi ông trở thành chủ tịch Fed Dallas vào năm 2015. 

Trong khi đó, vào ngày 1/10/2020, ông Powell đã bán ra thị trường lượng cổ phiếu trị giá khoảng từ 1-5 triệu USD. Tháng 10/2020 chính là giai đoạn đại dịch COVID-19 tái bùng phát ở Mỹ sau khi lắng dịu trong mùa hè và đầu mùa thu.

Ông Powell đã nói chuyện với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin – người đang điều phối các hoạt động của Nhà Trắng đối với cuộc khủng hoảng tài chính do đại dịch gây ra – 4 lần trong ngày ông bán lô cổ phiếu triệu đô nói trên. 

Cũng trong tháng 10 đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc sụt gần 6%, tương ứng mất 1.600 điểm, ghi nhận cú lao dốc mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.

Fed sau đó đã giải thích là ông Powell muốn giảm tiếp xúc với thị trường chứng khoán trên phương diện cá nhân.

Một số ý kiến bảo vệ khác nói rằng ông Powell cần tiền “để chi tiêu gia đình”. Điều này ngay lập tức vấp phải vô số chỉ trích, bởi thực tế, ông Powell kiếm được hơn 200.000 đô la mỗi năm với tư cách là Chủ tịch Fed, vậy mà vẫn cần 1-5 triệu USD để trang trải chi phí gia đình tại một thời điểm mà hàng triệu người dân Mỹ không đủ tiền để thuê căn hộ một phòng ngủ.

Thậm chí, một biểu mẫu công khai tài chính của ông Powell dưới đây, được đăng trên Wall Street Parade, đã liệt kê 7 mục “Tài khoản tiền mặt”, có tổng giá trị từ 952.002 USD đến 1.980.000 USD. Điều này có nghĩa là ông Powell không cần phải bán cổ phiếu (‘tình cờ’ trước khi giá cổ phiếu lao dốc chỉ vài ngày) để có đủ tiền chi tiêu trong gia đình.

Ngoài ra, ông Powell có một lý do khác để sử dụng tài khoản tiền mặt này, đó là chúng không kích hoạt việc đánh thuế. Ông Powell đã bị đánh thuế thu nhập đáng kể khi bán lượng cổ phiếu kể trên.

Trở lại với quy định mới của Fed, quy định này cấm các quan chức hàng đầu của Fed, chẳng hạn như thành viên của Ủy Ban Thị Trường Mở Liên Bang (FOMC) cùng với các nhân viên cấp cao khác, đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu và trái phiếu – tức là không còn quyền nắm giữ cổ phiếu hay đầu tư trái phiếu của các công ty cụ thể; đồng thời giới hạn họ thực hiện các giao dịch chủ động. Giao dịch chủ động là việc thực hiện mua và bán chứng khoán nhằm kiếm lợi nhuận nhanh chóng từ biến động giá trong ngắn hạn. 

Các giao dịch mua sẽ bị giới hạn trong các quỹ tương hỗ, và quan chức Fed phải thông báo trước 45 ngày, sau đó cần nhận được phê duyệt cho bất kỳ giao dịch mới nào; đồng thời các khoản đầu tư của họ sẽ không được bán lại trong ít nhất một năm. 

Trong những thời điểm căng thẳng tài chính, chẳng hạn như thời điểm xảy ra đại dịch viêm phổi Vũ Hán, tất cả các giao dịch sẽ bị cấm.

Fed cho biết quy định mới của họ sẽ “giúp ngăn chặn bất kỳ xung đột lợi ích nào trong thời gian [các quan chức] thực hiện quyết định đầu tư”.

Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta – ông Raphael Bostic – nói với CNBC rằng, ông hy vọng bước đi vừa rồi của Fed sẽ dập tắt các cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề đạo đức thời gian vừa qua, và Fed có thể tập trung vào các cuộc bàn luận chính sách sắp tới.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, quy định mới của Fed chỉ là bước khởi đầu, sẽ cần nhiều hơn thế để công chúng hiểu được liệu các quan chức trong Fed có vi phạm bất kỳ điều luật nào trong năm đại dịch này hay không.

Ông Andrew Levin, một giáo sư tại trường Đại học Dartmouth, đánh giá: Quy định mới là “một bước tiến rất quan trọng trong việc khôi phục danh tiếng của Fed”. Tuy nhiên, bên cạnh một cuộc điều tra đang được tiến hành bởi Tổng thanh tra của Fed, Fed cần yêu cầu Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) vào cuộc để kiểm tra những gì đã xảy ra.

Trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách của Fed không chỉ có khả năng gây tác động đến số phận của các công ty tư nhân hoặc các ngành kinh tế, giống như các cơ quan quản lý liên bang khác, mà còn có quyền nâng giá trị tài sản lên rất nhiều.

Khi được hỏi về quy định mới của Fed, một phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden tôn trọng sự độc lập của Fed và sẽ không đưa ra nhận xét nào về những động thái của Fed thời gian gần đây.

“Tổng thống Biden tin rằng các cơ quan chính phủ và các quan chức, bao gồm các cơ quan độc lập, cần đáp ứng được các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất, trong đó có việc tránh… bất kỳ đề xuất nào về xung đột lợi ích”, cô nói.

https://www.ntdvn.com/kinh-te/sau-nhieu-nam-bi-to-truc-loi-tren-ttck-ong-powell-buoc-phai-ra-quy-dinh-cam-chinh-ong-va-cac-quan-chuc-fed-dau-tu-266447.html

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *