Share

Intel ‘tự kiểm duyệt’ bằng cách xóa đề cập đến Tân Cương khỏi bức thư ngỏ

Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) đã chỉ trích Intel vì “tự kiểm duyệt” sau khi có tin tức cho rằng công ty này đã xóa các đề cập về khu vực Tân Cương của Trung Quốc khỏi một bức thư ngỏ gửi cho các nhà cung cấp được đăng trên trang web của họ.
Bức thư này, ban đầu được công bố vào tháng 12/2021, yêu cầu các nhà cung cấp không cung cấp hàng hóa, dịch vụ, hoặc lao động từ vùng Tân Cương, báo hiệu những lo ngại về khả năng lạm dụng lao động cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác trong khu vực này.
Do phản ứng dữ dội trên các kênh thông tấn xã hội Trung Quốc, nhà sản xuất vi mạch bán dẫn của Hoa Kỳ đã đăng lời xin lỗi trên tài khoản WeChat và Weibo của mình vào ngày 23/12/2021. Bức thư ngỏ này sau đó đã được sửa đổi và hiện bao gồm một lệnh cấm chung về việc sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng này, mà không đề cập cụ thể đến Tân Cương, như Wall Street Journal đưa tin hôm 10/01.
Hôm 11/01, ông Rubio đưa ra một tuyên bố, nói rằng “thay vì phải xin lỗi nhục nhã và tự kiểm duyệt, các công ty nên chuyển chuỗi cung ứng của họ sang các quốc gia không sử dụng lao động nô lệ hoặc phạm tội diệt chủng.”
Chiến dịch của chính quyền Trung Quốc nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã bị các chính phủ Hoa Kỳ tiền nhiệm và đương nhiệm, cũng như các quốc hội từ Canada, Hà Lan, Lithuania, Bỉ, Cộng hòa Séc, và Anh Quốc đều cho là tội diệt chủng.
Một tòa án nhân dân độc lập, được gọi là Tòa án Duy Ngô Nhĩ, đã ra phán quyết hôm 09/12 rằng chế độ Trung Quốc đã thực hiện hành vi diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương, thông qua một loạt các hành vi đàn áp bao gồm giam giữ hàng loạt, chia rẽ gia đình, triệt sản, và lao động cưỡng bức.
Liên Hiệp Quốc ước tính rằng hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác đã bị giam giữ trong các trại giam ở Tân Cương.
Thư ban đầu của Intel cho biết công ty này đã “được yêu cầu bảo đảm rằng chuỗi cung ứng của mình không được sử dụng bất kỳ nguồn lao động hoặc hàng hóa hoặc dịch vụ nào từ khu vực Tân Cương.”
Theo tuyên bố xin lỗi của Intel được đưa ra hôm 23/12/2021, đề cập đến vùng Tân Cương hiện đã bị xóa được đưa vào bức thư này như một biểu hiện của việc tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ, thay vì một tuyên bố dựa trên quan điểm của họ về vấn đề này.
Cùng ngày với lời xin lỗi này, Tổng thống Biden đã ký thành luật một dự luật rất được mong đợi là cấm nhập cảng từ Tân Cương. Luật này, được gọi là Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, sẽ giả định hàng hóa được sản xuất trong chế độ này được tạo ra từ lao động cưỡng bức trừ khi các nhà nhập cảng Hoa Kỳ có thể chứng minh điều ngược lại.
Intel, trong một tuyên bố gửi qua email cho The Epoch Times, cho biết họ sẽ tiếp tục bảo đảm “việc tìm nguồn cung ứng toàn cầu tuân thủ các luật và quy định hiện hành ở Hoa Kỳ và các khu vực pháp lý khác” nơi họ hoạt động.
Ông Rubio nói thêm rằng “nếu các công ty như Intel tiếp tục che giấu sự thật về luật pháp Hoa Kỳ chỉ để xoa dịu Đảng Cộng sản Trung Quốc thì họ sẽ không đủ điều kiện nhận bất kỳ khoản tài trợ nào theo Đạo luật Vi Mạch Bán Dẫn (CHIPS Act).”
Đạo luật Vi Mạch Bán Dẫn đã được ban hành thành luật như một phần của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2021. Luật này cho phép các biện pháp khuyến khích của liên bang dành cho các công ty sản xuất chất bán dẫn trong nước, nhưng sáng kiến này vẫn chưa nhận được sự biểu quyết ngân sách.
Hồi tháng 06/2021, Thượng viện đã thông qua một dự luật có tên là Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Hoa Kỳ (USICA) năm 2021, sẽ cho phép tài trợ 52 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn ở Hoa Kỳ, bảo đảm tài trợ cho Đạo luật Vi Mạch Bán Dẫn. Tuy nhiên, dự luật này đã bị đình trệ tại Hạ viện.
Bản tin có sự đóng góp của Rita Li và Nick Ciolino
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *