Share

Ông Pompeo hiến kế mới để buộc Trung Quốc phối hợp điều tra về virus

Trong khi cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đang gặp trở ngại và việc truy tìm nguồn gốc của virus COVID-19 vẫn chưa có kết quả, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đề xuất rằng có thể sử dụng hệ thống tư pháp để truy tìm sự thật về virus.

Gần đây, ông Pompeo đã viết một bài báo bày tỏ quan điểm ​​trên The Wall Street Journal. Ông đề xuất hủy bỏ “Miễn trừ Chủ quyền Nước ngoài”, sau đó thông qua truy tố tư pháp để truy tìm sự thật.

Bài viết nói rằng đại dịch đã gây ra tổn thất to lớn cho Hoa Kỳ, người Mỹ có động cơ mạnh mẽ để nộp đơn kiện, đến nay đã có một số án kiện như vậy.

Tuy nhiên, những vụ kiện này đều vấp phải một trở ngại lớn: Đạo luật Miễn trừ Chủ quyền Nước ngoài (Foreign Sovereign Immunities Act – FSIA). FSIA là nguyên nhân khiến ít nhất 8 vụ kiện bị bác bỏ hoặc rút lại, lý do là các quốc gia nước ngoài thường không bị ảnh hưởng bởi việc kiện tụng tại tòa án Hoa Kỳ. Tuy nhiên, quyền miễn trừ không phải là quyền được trao bởi Hiến pháp, mà chỉ là vấn đề được cân nhắc theo ý muốn của Quốc hội. Quốc hội có thể lập pháp về các trường hợp ngoại lệ và họ đã đang làm như vậy.

Ông Pompeo đề xuất rằng, các nhà lập pháp nên chế định các ngoại lệ FSIA mới, từ chối quyền miễn trừ chủ quyền đối với các quốc gia không thông báo hoặc cố ý đưa ra chỉ dẫn sai cho cộng đồng quốc tế về bản chất và phạm vi của dịch bệnh tại nước đó, mà vì thế căn bệnh đã trở thành đại dịch toàn cầu. Trung Quốc đã ký cam kết thực hiện “Điều lệ Y tế Quốc tế” (International Health Regulations, IHR) năm 2005 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nhưng tháng 12/2019, Bắc Kinh đã không tuân thủ yêu cầu trong điều lệ trên, rằng nếu sự kiện y tế được xác định là đáng chú ý theo IHR, quốc gia đó phải báo cáo thông tin cho WHO trong vòng 24 giờ. Việc nước này vi phạm IHR là cơ sở để tiếp tục các vụ kiện, mà qua đó có thể công khai xác định trách nhiệm của Trung Quốc đối với sự bùng phát của COVID-19.

Quốc hội cũng nên thu hồi quyền miễn trừ của các tổ chức quốc tế đã giúp đỡ và dung túng cho Trung Quốc trong nỗ lực làm mờ nhạt mức độ lây lan của virus và các rủi ro về sức khỏe.

Vụ kiện này cũng có thể vạch trần nhiều thế lực thân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong nội bộ các tổ chức quốc tế, các công ty phương Tây, và các tổ chức tư vấn khác.

Để đảm bảo rằng chính quyền Trung Quốc không thể trì hoãn quá trình tố tụng, FSIA bản sửa đổi cũng nên tạo ra tố tụng mới liên quan đến xâm phạm quyền liên bang, hoặc căn cứ theo luật tiểu bang để trao quyền tài phán các khiếu nại liên quan đến COVID cho các tòa án liên bang.

Ông Pompeo lấy “Đạo luật Công lý chống lại những người ủng hộ chủ nghĩa khủng bố” (Justice Against Sponsors of Terrorism Act) năm 2016 và vụ án dân sự tấn công khủng bố 11/9 làm ví dụ minh họa. Cho thấy Quốc hội hoàn toàn có thể lập pháp để thu hồi quyền miễn trừ chủ quyền của các quốc gia liên quan.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo rằng, Bắc Kinh cáo buộc quân đội Mỹ tạo ra virus COVID-19 tại Phòng thí nghiệm Quân đội ở Fort Detrick, Maryland và mang nó tới Trung Quốc trong Hội thao Quân sự Thế giới Vũ Hán 2019. Để đảm bảo rằng Bắc Kinh không nộp đơn phản tố Hoa Kỳ, chính quyền ông Biden nên từ bỏ quyền miễn trừ của chính phủ, đây là một bước mà họ có thể đơn phương thực hiện mà không cần thay đổi luật.

Xét về quan hệ thương mại chặt chẽ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Bắc Kinh không thể coi nhẹ việc kiện tụng tại tòa án Hoa Kỳ. Nếu Bắc Kinh từ chối, tòa án sẽ xét xử vắng mặt và đưa ra phán quyết có hiệu lực. Đến lúc đó, Trung Quốc sẽ khó mà trốn tránh được lệnh cấm và bồi thường thiệt hại của tòa án. Khi này, bên nguyên có thể truy thu bất động sản thương mại thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu. Các công ty thường không phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của chủ sở hữu, nhưng có một ngoại lệ là khi chủ sở hữu tham gia vào hoạt động hằng ngày của công ty. Với sự kiểm soát rộng rãi của ĐCSTQ đối với các công ty tư nhân của Trung Quốc, điều này không khó để chứng minh.

Trên cơ sở lưỡng đảng trong Quốc hội đều mong muốn ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm, ông Pompeo hy vọng rằng những ý tưởng trên sẽ được cả hai bên ủng hộ rộng rãi, hơn nữa ông Biden cũng đã nhiều lần bày tỏ mong muốn đảm bảo rằng Trung Quốc tuân thủ các quy tắc quốc tế.

Thượng nghị sĩ thâm niên kêu gọi tiếp tục truy xuất nguồn gốc
Sau khi ĐCSTQ từ chối yêu cầu điều tra lại nguồn COVID-19 của WHO vào tháng 7, cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã đệ trình một báo cáo truy tìm nguồn gốc virus cho Tổng thống Biden vào ngày 24/8. Tuy nhiên, do thiếu thông tin then chốt từ phía Trung Quốc nên đã không đạt được bất kỳ kết luận rõ ràng nào.

Vào ngày 25/8, Thượng nghị sĩ Jim Risch và Marco Rubio đã lần lượt ban hành các tuyên bố để thúc giục ông Biden tiếp tục điều tra truy xuất nguồn gốc virus. Vì vậy, chính phủ ông Biden đang phải đối mặt với thách thức làm sao để có được nhiều thông tin hơn từ phía Trung Quốc.

Ông Rubio đã yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden chuyển ngay báo cáo cơ mật tới Ủy ban Tình báo đặc biệt của Thượng viện và kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật COVID năm 2021 của ông. Nghĩa là nếu ĐCSTQ không cho phép điều tra toàn diện về nguồn gốc của virus tại phòng thí nghiệm Vũ Hán, thì dự luật này sẽ được ủy quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế khác.

nguồn: https://www.ntdvn.com/the-gioi/ong-pompeo-hien-ke-moi-de-buoc-trung-quoc-phoi-hop-dieu-tra-ve-virus-244950.html

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *