Share

Biden kêu gọi từ bỏ bản quyền vaccine để chống biến chủng Omicron

Biden hối thúc các nước từ bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ với vaccine để tăng tốc tiêm chủng cho toàn cầu chống lại biến chủng mới Omicron.

Trong thông cáo ngày 26/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng thông tin về biến chủng Omicron một lần nữa “cho thấy tầm quan trọng của từ bỏ bản quyền vaccine một cách nhanh chóng” để vaccine có thể được sản xuất trên toàn thế giới.

“Đối với cộng đồng quốc tế, biến chủng mới thể hiện rõ hơn bao giờ hết lý do đại dịch không kết thúc cho tới khi chúng ta tiêm chủng toàn cầu”, ông cho biết trong thông cáo.

Biden cũng hối thúc các quốc gia giàu có tăng cường hỗ trợ vaccine Covid-19 cho những nước nghèo hơn trong cuộc chiến chống đại dịch. “Mỹ đã viện trợ vaccine nhiều hơn mọi quốc gia khác cộng lại. Đã tới lúc các quốc gia khác phải bắt kịp tốc độ và sự hào phóng của Mỹ”, ông nói.

Biden đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp sau khi áp hạn chế đi lại với 8 quốc gia phía nam châu Phi nhằm đối phó với biến chủng mới phát hiện, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá có khả năng lây lan cao hơn Delta và đặt tên là Omicron.

Dữ liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này cam kết đóng góp ít nhất 1,1 tỷ liều vaccine Covid-19, trong đó 236,1 triệu liều đã được bàn giao và 27,8 triệu liều đang được chuyển tới nơi tiếp nhận.

50% số vaccine Mỹ đã viện trợ được phân phối thông qua cơ chế Covax, số còn lại được chuyển trực tiếp. Pakistan là quốc gia nhận vaccine Mỹ viện trợ nhiều nhất với 25,4 triệu liều, tiếp theo là Philippines với 18,5 triệu liều và Bangladesh với 15 triệu liều.

Bất bình đẳng vaccine từ lâu đã được cảnh báo là một trong những nguy cơ có thể gây ra biến chủng nCoV mới ngày càng nguy hiểm. Phần lớn vaccine hiện nay được dồn cho các nước giàu, trong khi nhiều quốc gia nghèo, đặc biệt là ở châu Phi, đang vật lộn để có được nguồn cung. Hiện châu lục mới tiêm chủng cho chưa đầy 6% dân số.

Các hãng vaccine như Moderna và Pfizer-BioNTech đã tuyên bố kế hoạch đặt dây chuyền điều chế vaccine tại châu Phi, đồng thời cam kết tạo điều kiện cho nước thu nhập thấp tiếp cận nguồn vaccine Covid-19 dễ dàng hơn. Tuy nhiên, họ khẳng định sẽ không từ bỏ bản quyền đối với vaccine của mình.

Sau khi Moderna từ chối chia sẻ công thức vaccine, WHO đã lập một dự án giải mã công nghệ mRNA ở Nam Phi nhằm phá thế độc quyền vaccine. Tuy nhiên, dự án gặp nhiều thách thức về công nghệ và có thể phải mất nhiều năm tới mới tạo ra được một loại vaccine mRNA gần giống.
(Theo AFP)

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *