Share

NATO bàn khẩn về triển khai 300.000 quân đến sát biên giới với Nga

NATO đang thảo luận về sự cần thiết phải củng cố biên giới phía đông với Nga bằng cách tập trung thiết bị và quân số lên tới 300.000 binh sĩ, điều này sẽ ngăn Nga mở rộng chiến tranh ra ngoài Ukraine, theo Politico.

Tờ Politico viết rằng, NATO có ý định ngăn chặn Nga nếu nước này quyết định mở rộng cuộc chiến ra ngoài Ukraine. Vì điều này, Liên minh đang thảo luận việc tăng cường biên giới phía đông và sự cần thiết phải gửi tới 300.000 quân tới biên giới.

Những hành động như vậy sẽ đòi hỏi sự phối hợp và nỗ lực lớn từ 30 thành viên NATO để cung cấp binh lính, cơ sở huấn luyện, số lượng lớn vũ khí, thiết bị và đạn dược.

Tuy nhiên, hãng tin này nhấn mạnh rằng sự phối hợp có thể là một thách thức, vì nhiều đồng minh đã lo ngại về việc họ không đủ đạn dược dự trữ, điều này cần có thời gian và tiền bạc để bổ sung.

Politico viết rằng các nhà lãnh đạo quân sự NATO phải đệ trình các kế hoạch phòng thủ khu vực được cập nhật. Các quan chức của liên minh đang đưa ra ý tưởng rằng biên giới của họ với Nga nên được bảo vệ bởi tối đa 300.000 binh sĩ, Politico đưa tin.

Được biết, đợt đầu tiên của quân đội NATO có thể bao gồm khoảng 100.000 binh sĩ, sẵn sàng triển khai trong vòng 10 ngày, có thể bao gồm quân đội từ Ba Lan, Na Uy, Estonia, Latvia và Litva.

Theo Politico, đợt triển khai thứ hai hỗ trợ những người lính này sẽ sẵn sàng trong vòng 10-30 ngày từ các quốc gia như Đức.

Trong khi đó, trên tờ Hill, nhà báo Ellen Mitchell bình luận, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moscow và cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin sẽ thách thức Mỹ và các đồng minh. Theo bà Ellen Mitchell, một trong những kết quả rất có thể của cuộc gặp giữa hai ông Tập Cận Bình và Putin sẽ là “sự xác nhận công khai về mối quan hệ đối tác của hai nước” chống lại “sự can thiệp không công bằng của phương Tây vào công việc của họ”.

Bà Ellen Mitchell cũng lưu ý tin về các cuộc đàm phán sắp tới giữa các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã khiến chính trị gia phương Tây lo ngại. Nhà báo Mitchell kết luận, bất kể kết quả thế nào, cuộc gặp chắc chắn sẽ củng cố mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo.

You may also like...