Share

‘Tịnh thất Bồng Lai’ lừa cộng đồng, trục lợi từ thiện như nào?

Những cá nhân tại “Tịnh thất Bồng Lai” có dấu hiệu đưa ra nhiều thông tin không đúng sự thật, lợi dụng mạng xã hội, thậm chí là sóng truyền hình để tạo hình ảnh, nhằm… lừa cả cộng động, trục lợi từ thiện.

Biến gia thành tự và lai lịch đáng ngờ của “Thầy ông nội”

Việc Cơ quan An ninh điều tra – Công an tỉnh Long An khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại “Tịnh thất Bồng Lai” hay tên khác là “Thiền am bên bờ vũ trụ” (tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) được xác định là dựa trên kết quả giám định ADN của 28 cá nhân sinh sống tại đây. Tuy nhiên, dấu hiệu về lừa đảo tại “Tịnh thất Bồng Lai” ít nhiều đã được làm rõ từ trước.

Điều đầu tiên cần nói đến là điểm “Tịnh thất Bồng Lai” hay sau này đổi tên là “Thiền am bên bờ vũ trụ” vốn là nơi biến gia thành tự.

“Tịnh thất Bồng Lai” tồn tại nhiều năm nay, nhận được nhiều sự hỗ trợ từ thiện trong và ngoài nước nhưng khoảng một năm nay có đơn tố cáo của các cá nhân về hành vi “lừa đảo từ thiện tại đây. Ảnh: T.L

Cụ thể, năm 2014, bà Cao Thị Cúc (62 tuổi, quê An Giang) về ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa) mua nhà đất rồi tự biến thành một cơ sở tôn giáo. Sau đó, ông Lê Tùng Vân (92 tuổi, quê An Giang) về đây sinh sống, tự phong là trụ trì, hòa thượng Thích Tâm Đức hay “Thầy ông nội”, luôn miệng giới thiệu “Tịnh thất Bồng Lai” là chùa.

Những người sinh sống trong hộ bà Cúc đã thiết kế căn thờ Phật trong nhà như chánh điện của tu viện Pháp giáo. Họ đều cắt tóc ngắn, mặc áo tương tự nhà sư, tự xưng là thầy, sư cô, hòa thượng, chú tiểu… tổ chức sinh hoạt như một tu viện Phật giáo; làm nhiều clip đăng tải trên mạng tự nhận là chùa, tịnh thất của Giáo hội.

Trước đây, chính quyền tỉnh Long An đã vào cuộc xác minh và có khẳng định, “Tịnh thất Bồng Lai” không phải là tu viện hợp pháp do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An quản lý. Những người sống, sinh hoạt ở đó không phải là tu sĩ Phật giáo.

Những đứa trẻ gọi là “chú tiểu” sinh sống tại đây, sự thật không phải là trẻ mồ côi, đang sống cùng mẹ ruột nhưng xưng hô hàng ngày bị gọi khác đi, nhằm che giấu; trong giấy tờ liên quan có tên mẹ, nhưng tên cha cũng bị che giấu đi một cách có ý đồ.

Điều đáng ngờ là về lai lịch của người tự xưng là Đại đức Thích Tâm Đức hay “Thầy ông nội” Lê Tùng Vân, đến nay cơ quan chức năng cũng đã làm rõ.

Ông Lê Tùng Vân tổ chức sinh hoạt tôn giáo. Ảnh: T.L

Cụ thể, từ trước đến nay, ông Vân chưa từng tu hành ở chùa nào. Sau năm 1975, ông từ quê An Giang lên TP.HCM và sau đó là có những hoạt động có dấu hiệu lừa đảo từ thiện.

Những năm 1990, ông Vân lập ra Trại dưỡng lão – cô nhi Thánh Đức ở huyện Bình Chánh, giới thiệu là cơ sở nuôi trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa… chuyên tiếp nhận các khoản từ thiện từ khắp nơi đổ về. Đến năm 2007, tụ điểm này bị phanh phui hoạt động không phép, bị tố mạo nhận trẻ mồ côi để lừa từ thiện, bạo hành trẻ em…  Tuy nhiên, chưa đủ căn cứ, chứng cứ để điều tra hình sự nên khi đó chính quyền huyện Bình Chánh đã dẹp bỏ cơ sở trên.

Bẵng đi một thời gian, đến khoảng năm 2014 – 2015, ông Lê Tùng Vân “tái xuất hiện” tại cơ sở mang tên “Tịnh thất Bồng Lai”, một hình thức “bình mới rượu cũ” cũng nhắm đến mục đích là “lừa đảo từ thiện”.

Cá cá nhân ở “Tịnh thất Bồng Lai” khoe quà đắt tiền của mạnh thường quân. Ảnh: T.L

Hoạt động “lừa đảo từ thiện” diễn ra như nào?

Có thể nói, hoạt động lừa đảo, trục lợi từ thiện xảy ra tại “Tịnh thất Bồng Lai” biến tướng, nhiều tinh vi hơn so với cơ sở Trại dưỡng lão – cô nhi Thánh Đức ở huyện Bình Chánh trước đây, là có sự tiếp tay của mạng xã hội, thậm chí là lợi dụng cả sóng truyền hình. Đây là vấn đề Công an tỉnh Long An nên xem xét trong tiến trình mở rộng điều tra vụ án “lừa đảo” xảy ra tại cơ sở biến gia thành tự này.

Điều đầu tiên kể đến là việc những người tại “Tịnh thất Bồng Lai” đã có những kịch bản bài bản, tính toán tinh vi khi xây dựng hình ảnh những cá nhân trước cộng đồng.

Và khoe ô tô đắt tiền chỉ cần xin ba mạnh thường quân là đủ tiền để mua. Ảnh: T.L

Cụ thể, năm 2014, ‘đệ tử’ Lê Thanh Huyền Trang tham gia chương trình “Giọng hát Việt nhí” với trang phục tu hành, tự nhận là trẻ mồ côi ở “Tịnh thất Bồng Lai” và đạt giải Á quân.

Ba năm sau, hai người tự giới thiệu là thầy, tu sĩ của “Tịnh thất Bồng Lai” gồm: Hoàn Nguyên và Nhất Nguyên, đã tham gia cuộc thi hát Bolero của đài truyền hình một tỉnh, cũng mặc đồ tu hành, giới thiệu là trẻ mồ côi, được “Thầy ông nội” nhận nuôi. Và họ đã được đón nhận.

Hai năm liên tiếp sau đó, 5 đứa trẻ được giới thiệu là trẻ mồ côi ở “Tịnh thất Bồng Lai” đã tham gia hai mùa chương trình “Thách thức danh hài” và đều đạt giải cao. Chính hình ảnh của những đứa trẻ hồn nhiên, đáng yêu và có tài năng mà mang danh “trẻ mồ côi” đã làm lay động bao trái tim, từ đó những nguồn tiền từ thiện trong và ngoài được đã đổ về “Tịnh thất Bồng Lai”.

Hoàn Nguyên và Nhất Nguyên tham gia cuộc thi hát Bolero trên sóng truyền hình và tự nhận là tu sĩ, là thầy, giới thiệu “Tịnh thất Bồng Lai” là chùa. Ảnh: T.L
Từ chuyện những đứa trẻ rất đáng yêu của “Tịnh thất Bồng Lai” và chính những hình ảnh được giới thiệu là “trẻ mồ côi” mà bao năm nay “Tịnh thất Bồng Lai” nhận được những khoản tiền từ thiện. Ảnh: T.L

“Tịnh thất Bồng Lai” sau đó đã cho ra đời hàng loạt kênh Youtube như: 5 chú tiểu – Thiền am bên bờ vũ trụ, Nhất Nguyên – Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên – Thiền am bên bờ vũ trụ, Hoàn Nguyên – Thiền am bên bờ vũ trụ, Lê Thanh Huyền Trân Ofiical…

Riêng kênh “5 chú tiểu – Thiền am bên bờ vũ trụ”, nay đã 2,13 triệu lượt đăng ký, những người lớn tại “Tịnh thất Bồng Lai” đã có những kịch bản để khai thác triệt để hình ảnh của những đứa trẻ được giới thiệu là “mồ côi”. Trong phần giới thiệu kênh có kêu gọi quyên góp từ thiện với hai số tài khoản cá nhân của Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên, thậm chí có thông tin liên hệ để quảng cáo.

Ngoài ra, những cá nhân ở “Tịnh thất Bồng Lai” còn quản lý hàng loạt các trang Facebook cá nhân, Fanpage… Tất cả những kênh thông tin mạng xã hội như nói trên đều chung mục đích kêu gọi từ thiện.

Phần giới thiệu của kênh Youtube “5 chú tiểu – Thiền am bên bờ vũ trụ”, trước đây có để số tài khoản của Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên để kêu gọi từ thiện. Ảnh: T.L

Có thể nói, bao nhiêu năm nay, “Tịnh thất Bồng Lai” đã đưa ra những thông tin sai sự thật một cách có chủ đích như: Là chùa, là người tu hành, là nơi nuôi trẻ mồ côi…  và lợi dụng mạng xã hội, sự dễ dãi của các game show truyền hình để đánh bóng hình ảnh. Chính vì thế, từ trước đến nay, khoản tiền từ thiện của rất nhiều người trong, ngoài nước đổ về “Tịnh thất Bồng Lai” cũng không ít.

Theo : Vietnamnet

You may also like...