Share

‘Lạm quyền’: Lãnh đạo GOP Kevin McCarthy từ chối hợp tác với Ủy ban 06/01

Hôm thứ Tư (12/01), Lãnh đạo Thiểu số Kevin McCarthy cho biết ông sẽ không hợp tác với Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về Điều tra Vụ xâm phạm Điện Capitol Hoa Kỳ ngày 06/01 (Ủy ban 06/01), cáo buộc ủy ban này “lạm quyền”.
Vài giờ trước đó, Ủy ban Đặc biệt Hạ viện đã yêu cầu chính trị gia Đảng Cộng Hòa đến từ California này tự nguyện cung cấp thông tin, bao gồm cả trạng thái tinh thần của cựu Tổng thống Donald Trump trong và sau sự kiện diễn ra vào ngày 06/01 năm ngoái (2021).
“Với tư cách là một dân biểu và lãnh đạo của đảng thiểu số, tôi không hối tiếc và cũng không hài lòng khi đi đến kết luận không thỏa hiệp với sự lạm dụng quyền lực của ủy ban đặc biệt này — vốn làm vấy bẩn thể chế này ngày nay và sẽ gây hại cho nó trong tương lai,” ông McCarthy nói trong một tuyên bố.
Ủy ban gồm chín thành viên này “đang không tiến hành một cuộc điều tra hợp pháp”, ông McCarthy khẳng định.
Ủy ban 06/01 được thành lập bởi Hạ viện do Đảng Dân Chủ lãnh đạo hồi hè năm 2021 trong một cuộc bỏ phiếu gần như hoàn toàn theo quan điểm đảng phái. Chỉ có hai thành viên Đảng Cộng Hòa, Dân biểu Liz Cheney (Cộng Hòa-Wyoming) và Dân biểu Adam Kinzinger (Cộng Hòa-Illinois), đã bỏ phiếu ủng hộ ủy ban; hai người này cũng là hai thành viên Đảng Cộng Hòa duy nhất có ghế trong ủy ban.
Trong một bức thư, Dân biểu Mississippi Bennie Thompson, Chủ tịch của ủy ban, một thành viên Đảng Dân Chủ đã yêu cầu ông McCarthy tiết lộ các cuộc trò chuyện riêng tư của ông với cựu tổng thống trong khoảng thời gian “trước, trong, và sau” vụ xâm phạm Điện Capitol.
Ủy ban này cũng yêu cầu McCarthy chuyển giao thông tin liên lạc của ông với cựu Tổng tham mưu trưởng Tòa Bạch Ốc Mark Meadows trong những ngày trước ngày 06/01.
“Chúng ta cũng phải tìm hiểu về cách các kế hoạch của cựu Tổng thống cho ngày 06/01 kết hợp với nhau và tất cả những cách khác mà ông ấy đã cố gắng để thay đổi kết quả của cuộc bầu cử,” ông Thompson nói. “Ví dụ, trước ngày 06/01, ông được cho là đã giải thích cho ông Mark Meadows và cựu Tổng thống rằng những nỗ lực phản đối xác nhận phiếu bầu đại cử tri vào ngày 06/01 ‘chắc chắn sẽ thất bại’”.
Ủy ban này thừa nhận tính chất nhạy cảm và không bình thường của yêu cầu của mình vì họ đã đề xướng một cuộc họp với ông McCarthy vào ngày 03 hoặc 04/02. “Ủy ban Đặc biệt rất tôn trọng các đặc quyền của Quốc hội và quyền riêng tư của các Thành viên,” ông Thompson viết. “Cùng lúc, chúng tôi có trách nhiệm nghiêm túc điều tra đầy đủ các dữ kiện và hoàn cảnh của những sự kiện này.”
Bà Cheney, phó chủ tịch ủy ban, không loại trừ khả năng ông McCarthy sẽ bị ủy ban ra trát đòi điều trần trong tương lai.
“Chúng tôi sẽ đánh giá các lựa chọn của mình, nhưng chúng tôi sẽ tìm ra sự thật,” bà nói vào cuối ngày thứ Tư.
Trong tháng vừa qua (12/2021), một số thành viên Đảng Cộng Hòa đã được yêu cầu có mặt trước ủy ban.
Người đầu tiên trong số này là Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania). Ông Perry đã từ chối lệnh triệu tập, gọi Ủy ban 06/01 là “bất hợp pháp”.
Mục tiêu tiếp theo được nhắm đến là Dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio), một người chỉ trích mạnh mẽ và thẳng thắn về ủy ban 06/01. Giống như ông Perry, ông Jordan đã từ chối lệnh triệu tập, với lý do “những mối lo ngại thực sự” về hồ sơ quá khứ của ủy ban về việc trình bày bằng chứng ngụy tạo.
The Epoch Times đã liên lạc với ủy ban 06/01 để yêu cầu bình luận.
Cô Isabel van Brugen là một ký giả từng đạt giải thưởng, hiện đang là một phóng viên tin tức tại The Epoch Times. Cô tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Báo chí tại trường City, Đại học London.
Bản tin có sự đóng góp của Joseph Lord và The Associated Press
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

You may also like...

1 Response

  1. Log in viết:

    I have read your article carefully and I agree with you very much. So, do you allow me to do this? I want to share your article link to my website: Log in

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *