Cục Trẻ em và UNICEF lên tiếng vụ bé gái 8 tuổi bị ‘dì ghẻ’ bạo hành tử vong
Liên quan đến vụ ‘dì ghẻ’ đánh đập bé gái 8 tuổi dẫn đến tử vong ở TP. HCM, Cục trưởng Cục Trẻ em – ông Đặng Hoa Nam cho rằng, nếu người dân, hàng xóm tố giác sớm, thì có thể đã không xảy ra hậu quả đáng tiếc như vậy.
Vụ việc bé gái N.T.V.A., 8 tuổi, ở TP. HCM bị người tình của bố bạo hành dẫn đến tử vong đang gây rúng động dư luận. Theo thông tin mới nhất, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh (TP. HCM) đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (“dì ghẻ” của bé, 26 tuổi, quê Gia Lai) về tội hành hạ người khác.
Trao đổi với truyền thông trong nước, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em Việt Nam cho rằng, đây là sự việc hết sức đau xót, rất là đáng tiếc, giá mà người dân tố giác, tố cáo đến cơ quan chức năng sớm thì có thể sự việc đau lòng đã không xảy ra.
“Nếu như người dân, hàng xóm biết được thông tin và tố cáo, tố giác sớm thì chắc chắn các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ trẻ em vào cuộc thì sự việc đau lòng sẽ không xảy ra, bé gái không phải đau đớn trả giá bằng mạng sống. Rất tiếc vụ việc để kéo dài và không có ai tố cáo, tố giác cho nên đã gây ra hậu quả đau xót ”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, cần truyền thông cho người dân nhiều hơn nữa về các quy định pháp luật, về trách nhiệm tố cáo, tố giác tội phạm xâm hại, tổn hại trẻ em đến cơ quan chức năng.
Trong Luật Trẻ em 2016 quy định rất rõ bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có thông tin về các hành vi xâm hại trẻ em (xâm hại tình dục, đánh đập, bỏ rơi, bắt cóc, đánh tráo, mua bán, bóc lột sức lao động, …) đều phải tố giác đến các cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em.
Nghị định 56/ 2017/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định chi tiết về một số điều của Luật Trẻ em. Trong đó quy định, bất kỳ cá nhân cơ quan tổ chức nào có thông tin về trẻ em bị xâm hại, bạo hành đều phải thông báo cho cơ quan chức năng. Luật cũng quy định cơ quan tiếp nhận thông tin là tổng đài quốc gia 111, cơ quan công an các cấp, ủy ban nhân dân các cấp, xã phường, Lao động Thương binh và Xã hội các cấp… nơi xảy ra vụ việc.
Theo ông Nam, luật quy định như vậy, tuy nhiên thực tế hiện nay nhiều người dân biết nhưng không thông báo. Nguyên nhân có thể do người dân không biết đến đường dây nóng, hoặc lo ngại việc bị trả thù.
“Thông tin về người dân báo tin cho cơ quan chức năng sẽ được bảo mật tuyệt đối” – Cục trưởng Cục Trẻ em khẳng định.
Về phía Cục Trẻ em, ông Nam mong muốn các cơ quan điều tra nhanh chóng thực hiện điều tra vụ án, xử lý nghiêm vụ việc theo quy định của pháp luật.
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) lên tiếng
Liên quan đến vụ việc ‘dì ghẻ’ đánh đập bé gái 8 tuổi dẫn đến tử vong ở TP. HCM, ngày 29/12, bà Rana Flowers – trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, bày tỏ sự đau buồn và mối quan ngại sâu sắc về việc bé gái tử vong do bạo lực của người mà lẽ ra em có thể tin tưởng và có thể bảo vệ em.
Bà Rana Flowers cho rằng, đáng buồn là phần lớn các vụ xâm hại trẻ em đều do những người mà các em quen biết và tin tưởng gây ra. Các vụ việc thường chìm trong im lặng và đơn độc. Các vụ xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng, thậm chí còn tăng nhiều hơn trong thời gian phong tỏa vì Covid-19, báo hiệu nhu cầu cấp bách cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn.
“Việt Nam cần có một hệ thống bảo vệ mạnh mẽ hơn cho phụ nữ và trẻ em, một hệ thống với các nhân viên công tác xã hội được đào tạo, không phải các tình nguyện viên hay các cán bộ phúc lợi không được đào tạo, mà cần có các nhân viên chuyên nghiệp có trình độ, những người có thể xác định, can thiệp, đáp ứng với nhu cầu và bảo vệ trẻ em và phụ nữ”, tuyên bố của bà Rana Flowers nhấn mạnh.
Trên cơ sở vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em, cần có một hệ thống với lực lượng công an được đào tạo, với các thẩm phán và tòa án thân thiện với trẻ em, cần có thái độ không khoan nhượng đối với bạo lực.
Theo bà Rana Flowers, không khoan nhượng có nghĩa là những người hàng xóm khi chứng kiến bạo lực hoặc nghe tiếng kêu khóc sẽ ngay lập tức báo chính quyền và yêu cầu công an phải hành động để bảo vệ nạn nhân; công an sẽ phải chịu trách nhiệm và có những hành động kịp thời; các nhân viên y tế và giáo viên khi nhận ra các dấu hiệu về bạo lực sẽ báo cáo ngay. Nghĩa là những giải pháp dựa vào cộng đồng cần được thực hiện để trẻ em hoặc phụ nữ có thể tiếp tục sống an toàn ở nhà trong khi thủ phạm phải bị chuyển đi.
“Và điều này đòi hỏi tất cả chúng ta phải hành động nhiều hơn nữa, đứng lên bảo vệ những người dễ bị tổn thương, nâng cao nhận thức của phụ nữ và trẻ em rằng bất kỳ hình thức bạo lực nào cũng không thể chấp nhận được và họ cần tìm kiếm sự giúp đỡ để ngăn chặn bạo lực”, tuyên bố của UNICEF nêu.