Chính phủ Mỹ có thể không còn tiền trả nợ kể từ ngày 21/12
Chính phủ Mỹ có thể không còn khả năng thanh toán các hóa đơn ngay từ ngày 21/12 năm nay nếu Quốc hội nước này không tăng giới hạn nợ, theo thông tin từ một tổ chức tư vấn lưỡng đảng. Những thành viên đứng đầu Đảng Dân chủ và Cộng hòa đang tìm cách giải quyết thảm họa tài chính này.
Dự báo của Trung tâm Chính sách lưỡng đảng, dựa trên dữ liệu chính thức mới cập nhật về biên lai thuế và chi tiêu chính phủ, đã cho thấy Đảng Dân chủ đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc tìm cách nâng giới hạn nợ chính phủ Mỹ hiện đang ở mức 28,9 nghìn tỷ USD. Điều này nhằm tránh những hậu quả kinh tế nặng nề có thể xảy ra khi các hóa đơn chính phủ không được thanh toán bởi chính phủ Mỹ không còn tiền trả nợ.
Vào thứ 5 tuần trước (02/12), Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cấp ngân sách cho chính phủ hoạt động đến giữa tháng 2; từ đó làm chậm nguy cơ chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần do thiếu tiền trả nợ. Tuy nhiên, nhiệm vụ thu hẹp sự khác biệt giữa các đảng phái về giới hạn nợ lại khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn nhiều.
Ông Shai Akabas, Giám đốc chính sách kinh tế của Trung tâm Chính sách lưỡng đảng có trụ sở tại Washington, cho biết: “Quốc hội sẽ phải đối mặt với thảm họa tài chính nếu không giải quyết vấn đề giới hạn nợ trước kỳ nghỉ lễ [Giáng Sinh]”.
Tuần trước, Văn phòng Ngân sách Quốc hội phi đảng phái cho biết Bộ Tài chính Mỹ có thể mất khả năng thanh toán vào cuối tháng này. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho hay Washington có thể tiếp tục thanh toán các loại hóa đơn chính phủ ít nhất là đến ngày 15/12.
Một khi chạm đến giới hạn vay nợ, Bộ Tài chính Mỹ sẽ chỉ còn có thể dựa vào tiền thuế thu được để thanh toán các hóa đơn. Và bởi vì bộ này vay gần 40 xu cho mỗi đô la mà chính phủ chi tiêu, chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu không thể chi trả các khoản nợ cho người sở hữu nợ chính phủ Mỹ, hoặc công dân Mỹ, hoặc cả hai.
Các làn sóng xung kích sẽ xuất hiện trên thị trường tài chính toàn cầu. Việc cắt giảm chi tiêu trong nước sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào tình trạng suy thoái do chính phủ không thể chi trả từ trợ cấp An sinh xã hội cho người già đến lương của binh sĩ.
Đảng Dân chủ của Tổng thống Biden nắm đa số trong cả 2 viện Quốc hội; nhưng Đảng Cộng hòa đã tuyên bố sẽ kiên quyết không hợp tác về mức trần nợ. Điều này có thể cản trở nỗ lực nâng trần nợ theo các quy tắc lập pháp thông thường.
Tại Thượng viện, Lãnh đạo đa số Chuck Schumer (Đảng Dân chủ, bang New York) đã yêu cầu một giải pháp “lưỡng đảng”, trong đó các nghị sĩ Cộng hòa hợp tác bằng cách cho phép nâng trần nợ. Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa phàn nàn rằng Đảng Dân chủ đã sử dụng một quy trình lập pháp tốn nhiều thời gian hơn bình thường, được gọi là “hòa giải”, để tự nâng trần nợ.
Một điểm mấu chốt khác trong xung đột trần nợ công – vay nợ để để bơm thêm tiền trả nợ là: Đảng Cộng hòa muốn Đảng Dân chủ nâng mức trần nợ lên một con số rõ ràng. Con số này có thể được Đảng Cộng hòa sử dụng để tấn công Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2022. Do vậy, thay vì đưa ra một con số cụ thể, Đảng Dân chủ đơn giản chỉ muốn đình chỉ việc sử dụng mức giới hạn nợ công.
Theo The Epoch Times