Mưa lớn ở Miền Trung nhiều nơi sạt lở, ngập lũ
Mưa lớn những ngày qua đã khiến nhiều khu vực của các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên xảy ra ngập lũ và sạt lở, gây thiệt hại tài sản, ảnh hưởng đi lại, sinh hoạt của người dân.
Tại Quảng Nam, nhiều tuyến đường, cầu ở các huyện miền núi bị sạt lở, ngập lũ, chia cắt giao thông. Các dòng sông, suối nước dâng cao, chảy mạnh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, các tuyến đường đi các xã, thôn tiếp tục sạt lở thêm, một số công trình hạ tầng bị hư hỏng.
Ngày 29-11, nước sông Leng tràn về gây sạt lở mố cầu bêtông dẫn vào làng tái định cư Bằng La, xã Trà Leng. Các tuyến Tak Pong – Tak Ngo, tuyến Tak Ngo – Măng Lùng (xã Trà Linh) bị sạt lở nặng, gây cô lập hoàn toàn. Tại xã Trà Mai có 5 hộ bị khối đất phía sau nhà sạt tràn vào nhà. Tuyến đường giao thông xã Trà Vân đi Trà Vinh do mưa lớn ngập cống chưa thể đi lại được. Các xã Trà Vân, Trà Vinh, Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang bị cô lập do sạt lở trên các tuyến đường và các ngầm tràn bị ngập sâu trong nước.
Ông Trần Văn Mẫn – phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My – cho hay ngoài vận động di dời dân, huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra, triển khai khắc phục nhanh các sự cố sạt lở trên các tuyến đường, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, không để bị cô lập kéo dài.
Tại Phú Yên, đến cuối giờ chiều 29-11, đường tỉnh ĐT641 nối hai huyện Tuy An và Đồng Xuân ngập hơn 0,5m và kéo dài khoảng 3km, đặc biệt đoạn qua thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) ngập sâu khoảng 1m. Ở hai đầu đường, chính quyền địa phương phải cắt cử lực lượng cảnh báo người dân không được qua lại.
Ông Phạm Trung Chánh – phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân – cho biết lũ lụt đã gây chia cắt nhiều tuyến giao thông, cô lập 6 thôn của 3 xã và 1 thị trấn của huyện này. Huyện sẵn sàng phương án di dời 500 hộ với khoảng 900 dân nếu lũ lụt lớn hơn và chủ động các biện pháp khắc phục hậu quả ngay khi lũ rút. Trước đó từ chiều tối 28-11 nhiều địa phương ở huyện Tây Hòa cũng bị lũ chia cắt.
“Các cầu Bến Nhiễu, Bến Trâu bị ngập 1,7-2m nước, đường đi ở xã Hòa Thịnh bị ngập khoảng 0,5m gây khó khăn cho việc đi lại của dân. Chúng tôi đã cử lực lượng ứng trực nơi xung yếu để hướng dẫn dân qua lại an toàn. Hiện nước lụt có chiều hướng giảm dần vì mưa cũng có xu hướng giảm bớt” – ông Đỗ Văn Cấp, chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho hay.
Tại Bình Định, ông Nguyễn Hữu Khúc – chủ tịch UBND huyện Hoài Ân – cho hay mưa lớn kéo dài đã gây ngập trên dưới 1m tại một số xã như Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Tín. Hàng trăm nhà dân bị ngập lụt, các tuyến đường liên thôn, liên xã cũng bị chia cắt. Còn tại TP Quy Nhơn chiều 29-11, hai khu vực 3 và 4 thuộc phường Ghềnh Ráng ngập trong biển nước. Đây là lần thứ 2 trong vòng nửa tháng qua khu vực này bị ngập sau khi mưa lớn kéo dài.
Chiều 29-11, lãnh đạo UBND huyện M’Đrăk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết bà Lý Thị Pao, 57 tuổi, bị lũ cuốn thiệt mạng tại khu vực dự án thủy lợi Krông Pách Thượng, xã Cư San. Khoảng 9h sáng cùng ngày bà Pao cùng chồng đi cắt cỏ cho bò. Thời điểm này, nước lũ ở con suối đã làm ngập cây cầu gỗ người dân thường đi lại. Bà Pao đi qua cầu không may bị trượt chân ngã xuống và nước lũ cuốn trôi. Chồng bà Pao không biết bơi nên chạy về làng gọi người đến cứu. Đến chiều cùng ngày, thi thể nạn nhân đã được tìm thấy và giao cho gia đình lo hậu sự.
PMID 28544092 cheapest priligy uk