Share

Rất hiếm cán bộ vì liêm sỉ mà “cởi áo từ quan”

“Tôi nhớ một vài trường hợp khi đề cập việc từ chức, họ nói thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo phân công của Đảng. Điều đó có nghĩa là không có lý do gì để tự bản thân họ từ bỏ nhiệm vụ đang giữ”.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Tiến Dĩnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng việc xây dựng văn hóa trong Đảng là một trong những vấn đề cần được chú trọng để góp phần đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
Văn hóa trong Đảng góp phần đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực
Theo ông vì sao trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến việc chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng?
– Đảng đã xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh đến việc “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Tuy nhiên, nhận thức, hành động của xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa, con người trong phát triển bền vững đất nước còn chưa đầy đủ và sâu sắc; văn hóa chưa thật sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Như vậy, có thể thấy văn hóa có vai trò hết sức quan trọng đối với mọi mặt trong đời sống của chúng ta hiện nay. Trong Đảng cũng vậy, ngoài năng lực chuyên môn về chính trị, tổ chức thì vấn đề văn hóa cũng rất quan trọng. Chính vì vậy, Tổng Bí thư đã đề cập đến việc chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức. Trong đó có cả văn hóa lãnh đạo, lối sống, cách ứng xử của cán bộ, công chức và cả “văn hóa từ chức” mà nhiều người đã đề cập.
Trong những năm gần đây, nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí vướng vào vòng lao lý. Theo ông, liệu có phải do một bộ phận cán bộ chưa coi trọng văn hóa trong Đảng nên mới dẫn đến tình trạng như vậy?
– Đúng như vậy! Trong thời gian vừa qua, trong công tác cán bộ ngoài những vấn đề tích cực cũng còn tồn tại một số hạn chế. Trong đó, có một bộ phận cán bộ tự diễn biến, tự chuyển hóa không những về mặt kinh tế (như tham ô, tham nhũng) mà cả về mặt tư tưởng, chính trị.
Như vậy, chúng ta phải xem xét vấn đề ở đây là gì? Theo tôi, việc nâng cao đạo đức, lối sống của cán bộ và việc chống diễn biến, chống chuyển hóa trong Đảng là rất quan trọng. Trong đó, việc xây dựng văn hóa trong Đảng là một trong những vấn đề cần được chú trọng để góp phần đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
Bị miễn nhiệm còn “đau” hơn từ chức
Liên quan đến “văn hóa từ chức” trong Đảng, trên diễn đàn Quốc hội trước đây có nhiều đại biểu đề cấp đến vấn đề này. Và mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Với những quy định rất rõ ràng như vậy liệu có tạo được “văn hóa từ chức” trong Đảng hay không, thưa ông?
– Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, có nhiều yếu tố tác động đến tâm lý con người, do vậy, công tác cán bộ của Đảng là hết sức quan trọng và Đảng luôn xác định đó là “then chốt của then chốt”. Trong công tác cán bộ có nhiều khâu từ quy hoạch, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển và có cả việc xử lý những trường hợp vi phạm hoặc không đáp ứng yêu cầu.
Trong quá trình phòng chống tham nhũng, tiêu cực, việc đào thải cán bộ không đáp ứng được yêu cầu không những tạo sức mạnh của Đảng mà còn củng cố niềm tin của nhân dân. Vì vậy, Quy định 41 của Bộ Chính trị có ý nghĩa quan trọng trong việc chỉnh đốn đảng và sẽ tạo ra “văn hóa từ chức”.
Quy định 41 cũng nêu rõ, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc. Quy định đã rõ ràng như vậy, nếu cán bộ không có đủ uy tín hoặc có trên 50% phiếu tín nhiệm thấp mà không sẵn sàng từ chức thì cơ quan chuyện môn sẽ vào cuộc, lúc đó bị miễn nhiệm thì còn “đau” hơn việc tự từ chức.
Qua khá nhiều vụ việc vừa qua, thậm chí dư luận đặt vấn đề cán bộ này, cán bộ kia nên từ chức nhưng thực tế chưa có trường hợp nào từ chức?
– Tôi nhớ có một vài trường hợp khi dư luận đề cập đến việc từ chức thì họ nói rằng việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ là theo sự phân công của Đảng. Điều đó có nghĩa là không có lý do gì để tự bản thân họ từ bỏ nhiệm vụ đang giữ. Còn khi nào Đảng nói tôi không được làm nữa thì tôi mới không làm chứ! Nhiều người họ đã dựa vào lý do đó nên không tạo được “văn hóa từ chức” dù không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, với tâm lý của người Á Đông chúng ta, cũng không dễ để một cán bộ sẵn sàng từ chức. Vì có thể họ nghĩ rất vất vả mới có được vị trí như vậy nên rất khó để “cởi áo từ quan”. Và việc từ chức còn ảnh hưởng đến gia đình, họ hàng của họ sau này.
Khi Quy định 41 được ban hành, nếu anh không tự giác từ chức thì cơ quan quản lý hoặc cơ quan tham mưu cấp trên cũng sẽ vào cuộc. Khi có quy định của Đảng thì việc cán bộ từ chức sẽ nhẹ nhàng hơn, dần dần sẽ trở thành “văn hóa từ chức”
.Rất hiếm cán bộ vì liêm sỉ mà cởi áo từ quan - 2
Liệu có phải do có ít cán bộ thiếu liêm sỉ nhận thấy khuyết điểm của mình để “cởi áo từ quan” hay quy định của Đảng còn thiếu nên chưa tạo được “văn hóa từ chức”?
– Có nhiều lý do dẫn đến việc chưa hình thành “văn hóa từ chức”, từ chuyện quy định của Đảng trước đây không rõ và hơn nữa như tôi đã nói là văn hóa của người Á Đông chúng ta rất khó để cán bộ sẵn sàng từ chức.
Trong quá trình công tác trước đây, ông có ghi nhận cán bộ nào vì liêm sỉ mà đã “cởi áo từ quan” hay chưa?
– Thực tế đã có cán bộ từ chức khi đang đứng đầu một ngành. Đó là trường hợp của anh Lê Huy Ngọ, từ chức khi đang là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, những người như anh Lê Huy Ngọ là không nhiều, nên không trở thành phổ biến, không trở thành “văn hóa từ chức”.
Vậy theo ông, làm cách nào để có được “văn hóa từ chức” trong mỗi cán bộ, đảng viên khi không còn đủ uy tín để chỉ đạo, điều hành?
– Trước đây khi chưa có Quy định 41, có thể một số cán bộ, đảng viên dù đã nhận thấy mình không còn đủ uy tín nữa, nhưng họ cứ “lờ” đi, không chịu từ chức. Còn bây giờ, mọi thứ đều được quy định rõ ràng rồi, buộc anh phải từ chức thôi. Quy định chung cho việc này đã có, nên theo tôi, việc từ chức sẽ không còn nặng nề trong tâm lý cán bộ, nên dần dẫn sẽ hình thành “văn hóa từ chức”.
Xin cảm ơn ông!

Quy định 41 của Bộ Chính trị mới đây đã nêu rõ việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Trong đó nêu rõ 4 trường hợp cán bộ xin từ chức như do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; vì lý do chính đáng khác của cá nhân.
Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc.
Căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền, các cơ quan có liên quan thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, điều lệ, quy chế hoạt động của từng tổ chức.
Cán bộ sau khi từ chức nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền có thể căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Theo Dân trí

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *