Những nước nào đang tính đến việc ‘tẩy chay’ Olympic mùa Đông 2022?
Theo Forbes, Mỹ đang dẫn đầu cuộc ‘tẩy chay ngoại giao’ đối với Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh vì các cáo buộc liên quan đến nhân quyền.
Washington Post ngày 17/11 cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden dự kiến “tẩy chay về mặt ngoại giao” Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh vì các cáo buộc liên quan đến tình hình người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương (Trung Quốc).
Phát biểu trên đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông chủ Nhà Trắng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến nhằm giảm căng thẳng trong quan hệ song phương.
Điều này có nghĩa các đoàn thể thao Mỹ vẫn tham gia tranh tài tại Thế Vận hội mùa Đông sắp tới ở Trung Quốc, nhưng các quan chức của chính quyền Tổng thống Biden sẽ không có mặt. Động thái này của Mỹ có thể khiến các nước đồng minh cân nhắc làm điều tương tự, tạo thành một mặt trận “tẩy chay ngoại giao” có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước phương Tây.
Trong một tuyên bố với CTV News ngày 20/11, bà Syrine Khoury, Thư ký báo chí của Bộ trưởng Ngoại giao Canada, cho biết Canada vẫn lo lắng trước những báo cáo về nhân quyền ở Trung Quốc và sẽ tiếp tục thảo luận với các đối tác thân cận về việc có nên tiến hành tẩy chay Thế vận hội hay không.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đang xem xét việc “tẩy chay ngoại giao” Olympic Bắc Kinh 2022 và chính phủ Anh đang “thảo luận tích cực” về vấn đề này. Hạ viện Anh đã bỏ phiếu tán thành, tuy vậy, Văn phòng Thủ tướng Anh có vẻ cẩn trọng hơn.
Ông Johnson từng khẳng định bản thân có quan hệ tốt với Trung Quốc. Ông cũng bác bỏ tin đồn về việc tẩy chay hoàn toàn Olympic Bắc Kinh 2022 hay việc không cử vận động viên tham dự sự kiện thể thao này.
Một trong những phương án để thực hiện “tẩy chay ngoại giao” là các bộ trưởng Anh sẽ không dự Thế vận hội Bắc Kinh 2022. Tuy nhiên, Đại sứ Anh tại Trung Quốc vẫn sẽ có mặt.
Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis thì kêu gọi “sự phối hợp ở mức độ nhất định” giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và hợp tác “xuyên Đại Tây Dương”. Ông cho rằng không có nhiều nhà ngoại giao nào thực sự “háo hức” đến tham dự Olympic mùa Đông năm nay, cũng như đặt ra câu hỏi liệu chính phủ Trung Quốc có sẵn sàng “chấp nhận” đón tiếp một số gương mặt nhất định hay không.
Trong khi đó, tờ Sydney Morning Herald đưa tin ngày 25/11 cho biết, Australia đang chờ quyết định của chính quyền Tổng thống Biden trước khi đưa ra lời kêu gọi xem có nên “tẩy chay ngoại giao” hay không. Đồng thời, quốc gia này sẽ ưu tiên phối hợp thực hiện động thái này với các quốc gia cùng chí hướng khác.
Nguyên nhân vì sao?
Thời gian qua, Phương Tây đã liên tục đưa ra những cáo buộc, nói rằng Trung Quốc có những hành vi “vi phạm nhân quyền”. Hồi tháng 3, Mỹ, Anh, Canada và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các lệnh trừng phạt với 4 quan chức Trung Quốc và một thực thể, lí do liên quan đến tình hình người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Trung Quốc đã cung cấp những bằng chứng như video, hình ảnh để chứng minh tay vợt này vẫn đang khỏe mạnh, thậm chí trò chuyện với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), nhưng truyền thông quốc tế vẫn chưa “nguôi ngoai”.
Việc tẩy chay toàn bộ Thế vận hội là điều hiếm thấy, nhưng không phải là chưa từng có. Năm 1980, Mỹ đã dẫn đầu cuộc tẩy chay của 65 quốc gia đối với Thế vận hội được tổ chức tại Moscow, trong khi Liên Xô sau đó tẩy chay Thế vận hội 1984 ở Los Angeles.
Do vậy, để tổ chức một Olympic mùa Đông 2022 thành công, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn phía trước.